Viettel Global vượt 1 tỷ USD doanh thu; Golden Gate trở lại; Ahamove cho thuê xe VinFast; Trung Nguyên đến Hàn Quốc
Viettel Global lần đầu vượt 1 tỷ USD doanh thu hợp nhất; Sau cơ cấu cổ đông, Golden Gate hồi sinh; Ahamove mua 200 xe VinFast để cho thuê xe máy điện; Trung Nguyên Legend vừa mở văn phòng tại Gangnam; Thế giới Di động không hoàn thành kế hoạch.
Viettel Global lần đầu vượt 1 tỷ USD doanh thu hợp nhất
Mức tăng trưởng của Viettel Global đến từ cả 2 thị trường chủ chốt là châu Phi và Đông Nam Á khi doanh thu từ cả 2 địa bàn này đều tăng trưởng mạnh và vượt mức 10.000 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng của Viettel Global đến từ cả 2 thị trường chủ chốt là châu Phi và Đông Nam Á |
Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán. Viettel Global chính thức ghi nhận doanh thu cũng như lợi nhuận trước thuế đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Doanh thu lũy kế cả năm 2022 của Viettel Global đạt 23.630 tỷ đồng – tương đương hơn 1 tỷ USD và tăng 22,8% so với mức 19.200 tỷ đồng của năm 2021.
Doanh thu tăng thêm gần 4.400 tỷ đồng (chủ yếu đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ) trong khi giá vốn chỉ tăng thêm không nhiều đưa lợi nhuận gộp tăng gần 3.835 tỷ lên 10.959 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu lần đầu tiên vượt mức 40%, đạt 46,4%.
Tính đến cuối năm 2022, Viettel Global có tổng tài sản hơn 50,300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 29.100 tỷ đồng.
Golden Gate trở lại ngoạn mục
Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận kỷ lục. Cụ thể, Golden Gate đạt doanh thu 6.965 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2021.
Golden Gate sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng hơn 450 nhà hàng ở hơn 45 tỉnh, thành phố trên cả nước |
Lợi nhuận gộp về bán hàng của Golden Gate cũng tăng lên mức 4.314 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 58% tăng lên 62%.
Trong năm 2022, dù chi phí bán hàng tăng hơn 50% so với cùng kì là 3.118 tỷ đồng, nhưng Golden Gate vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 658 tỷ đồng. Đây được xem là mức lợi nhuận kỷ lục với công ty nếu so sánh với năm 2019 trước khi dịch bệnh Covid bùng phát.
Nhờ đó, tổng tài sản của Golden Gate đã tăng 23% so với năm trước đó.
Vay nợ dài hạn của Công ty cũng giảm từ 546 tỷ đồng xuống chỉ còn 65 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này cũng cân bằng hơn với tỉ lệ 1:1, trong khi cùng kỳ năm 2021 hệ số D/E là hơn 2 lần.
Kết quả này đến từ một loạt các động thái tiết giảm chi phí, tối ưu quy trình, cũng như thay đổi cơ cấu quản lý các chuỗi nhà hàng. Gần đây nhất, Golden Gate đã cấu trúc lại 39 chi nhánh, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra, việc cơ cấu cổ đông Golden Gate thay đổi trong năm 2022 cũng mang tới những chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh, khi 3 cổ đông đến từ Singapore là Seletar Investments Pte Ltd (thuộc quỹ đầu tư Temasek Holdings), quỹ Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd. mua lại 33% cổ phần Golden Gate.
Năm ngoái, Golden Gate đã liên tục bổ sung và triển khai các hoạt động kinh doanh mới. Hồi tháng 10/2022, Golden Gate mở cụm dịch vụ Căng tin - Cà phê - Siêu thị tiện ích Benhvientot.vn với cơ sở đầu tiên đặt tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Golden Gate đã "hồi sinh" thương hiệu cà phê The Coffee Inn - đơn vị từng được công ty thâu tóm vào tháng 12/2016, nhưng không phát triển mở rộng.
Tới đầu năm nay, Golden Gate thông qua việc góp thêm 90 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư Tây Hồ - Vĩnh Phúc. Được biết, đây là công ty do ông Trần Việt Trung - Chủ tịch HĐQT Golden Gate - làm Tổng giám đốc.
Doanh nghiệp cũng dự kiến đổi tên từ Công ty Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành Tập đoàn Golden Gate, đồng thời bổ sung ngành nghề kinh doanh cửa hàng tiện lợi.
Hiện tại, Golden Gate sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng hơn 450 nhà hàng ở hơn 45 tỉnh thành, với nhiều thương hiệu đã nổi danh như: Kichi Kichi, Manwah, Gogi House, Sumo BBQ...
Ahamove mua 200 xe VinFast để cho thuê xe máy điện
Công ty CP Dịch vụ Tức thời Ahamove đã chính thức nhận bàn giao 200 chiếc xe máy điện VinFast Feliz S từ Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast để đưa vào vận hành dịch vụ cho thuê xe điện (EV Rental) trên địa bàn Đà Nẵng.
Du khách du lịch đến Đà Nẵng đã có thể dễ dàng đặt thuê xe máy điện VinFast |
Theo kế hoạch, trong năm nay Ahamove sẽ mua thêm 1.000 xe máy điện từ VinFast và thuê 1.000 xe máy điện khác từ Công ty GSM để mở rộng dịch vụ ra các tỉnh, thành khác.
EV Rental là dịch vụ cho thuê xe máy điện hướng tới khách du lịch tiên phong tại Việt Nam do Ahamove triển khai, khởi đầu tại Đà Nẵng.
Theo đó, kể từ ngày 1/4, khách du lịch đến Đà Nẵng có thể dễ dàng đặt thuê xe máy điện VinFast thông qua website: http://thuexedien.ahamove.com hoặc ứng dụng Ahamove. Hình thức thuê có thể theo giờ hoặc theo ngày, với chi phí là 25.000 đồng/giờ đầu tiên và 15.000 đồng/giờ tiếp theo; hoặc 120.000 đồng/ngày đầu tiên và 100.000 đồng/ngày tiếp theo.
Khách hàng có thể nhận xe tại điểm giao xe cố định của Ahamove hoặc được giao xe tận nơi miễn phí trong khu vực nội thành Đà Nẵng.
Phương tiện cho thuê được Ahamove lựa chọn là xe máy điện VinFast Feliz S. Đây là mẫu xe có khả năng di chuyển tới 198 km sau mỗi lần sạc đầy, tốc độ tối đa lên tới 78 km/h, cùng nhiều ưu điểm như thiết kế thời trang, trẻ trung, được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Theo các chuyên gia, việc triển khai dịch vụ cho thuê xe máy điện hướng tới khách du lịch là một bước tiến tiếp theo trong hành trình "xanh hoá" giao thông mà hai đơn vị này đang nỗ lực thực hiện.
Năm 2022, hai bên đã ra mắt AhaFast - dịch vụ giao hàng và gọi xe công nghệ sử dụng xe máy điện VinFast, tạo ra nhiều thay đổi tích cực cho bộ mặt giao thông đô thị và môi trường của thành phố Đà Nẵng.
Dự kiến, dịch vụ cho thuê xe điện EV Rental sẽ được hai bên mở rộng ra các địa phương khác, đồng thời bổ sung thêm dịch vụ cho thuê ô tô điện trong thời gian tới.
Cũng trong tuần qua, Lado Taxi đã ký hợp đồng thuê và mua xe ô tô điện số lượng lớn với VinFast cùng Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) để mở rộng hoạt động kinh doanh taxi điện tại Lâm Đồng, Bình Định và các khu vực khác.
Đây là một trong những doanh nghiệp vận tải hành khách đầu tiên đưa ô tô điện của Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast vào hoạt động
Sau thị trường tỷ đô, Trung Nguyên Legend mở văn phòng tại Hàn Quốc
Tập đoàn Trung Nguyên Legend vừa mở văn phòng tại Gangnam, Seoul, Hàn Quốc vào ngày 28/3/2023 vừa qua, thể hiện rõ tham vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường cà phê Hàn Quốc thông qua con đường chính ngạch, các kênh phân phối chính thức.
Tại Hàn Quốc, Gangnam được biết đến là tổ hợp thương mại – mua sắm – giải trí sầm uất bậc nhất thuộc thủ đô Seoul, đồng thời là trung tâm văn hóa – âm nhạc – nghệ thuật đậm bản sắc của quốc gia này.
Và phê phin Việt Nam đã gây ấn tượng đặc biệt với người yêu cà phê tại Hàn Quốc. |
Lựa chọn Gangnam, trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc làm thị trường thứ 2 mở văn phòng đại diện (sau thị trường tỷ đô Trung Quốc) tạo vị thế vững chắc để Tập đoàn Trung Nguyên Legend tiếp tục triển khai hàng loạt các hoạt động quảng bá, nâng cao thương hiệu và giá trị văn hóa cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đại diện Tập đoàn Trung Nguyên Legend chia sẻ tại buổi lễ khai trương văn phòng đại diện tại Hàn Quốc vừa qua cho hay: "Hy vọng sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend tiếp tục là đại sứ kết nối văn hóa, ngoại giao giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc".
Hàn Quốc cũng nổi tiếng là quốc gia có văn hóa cà phê đặc sắc, một thị trường tiềm năng, chín muồi với tốc độ phát triển mạnh mẽ. Năm 2022, theo Hội đồng quốc gia Tổ chức tiêu dùng Hàn Quốc, trung bình mỗi người Hàn Quốc uống 367 cốc cà phê mỗi năm, đứng thứ 2 trên thế giới và cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu.
Đặc biệt, cà phê với người Hàn không đơn thuần là một thức uống mà còn thể hiện cả văn hóa thưởng thức, sành và đam mê cà phê.
Với mức tiêu thụ cao và sành cà phê, Hàn Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu cà phê hấp dẫn và đầy cạnh tranh.
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, lượng nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc từ tháng 1-11/2022 đã tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu cà phê đạt 1,19 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên kim ngạch nhập khẩu cà phê hằng năm tại Hàn Quốc vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam đang đứng thứ 2 (sau Brazil) trong top 5 thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Hàn Quốc.
Đối với cà phê thành phẩm của Việt Nam, các sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê pha theo kiểu drip coffee của Trung Nguyên Legend rất được yêu thích tại Hàn Quốc.
Tháng 9/2022, dịch Covid-19 đang diễn ra tại Trung Quốc, Trung Nguyên Legend đã ra mắt thành công mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại trung tâm Thượng Hải sau gần 5 năm mở văn phòng đại diện tại thị trường tỷ đô này.
Lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, Thế giới Di động không hoàn thành kế hoạch
Cụ thể, Thế giới Di động (MWG) chỉ đạt được 95% chỉ tiêu doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch. Thông tin có trong báo cáo thường niên của Thế giới Di động.
Với sự ra đời của TopZone, tổng doanh thu từ sản phẩm Apple trên toàn hệ thống MWG tăng trưởng ấn tượng |
Trong năm 2022, MWG ghi nhận doanh thu thuần hơn 133,400 ngàn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế lại giảm 8% so với cùng kỳ, đạt hơn 4,100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong năm qua, những thử nghiệm mới của MWG cũng có những thành quả đáng kể. Chuỗi ĐMX Supermini – mô hình cửa hàng điện máy siêu nhỏ – đóng góp hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu cho MWG sau 2 năm thử nghiệm. Cùng với đó, TopZone – chuỗi cửa hàng ủy quyền chính hãng chuyên kinh doanh các sản phẩm Apple tại Việt Nam – cũng ghi nhận kết quả tích cực, đóng góp hơn 2.600 tỷ đồng doanh thu.
Với sự ra đời của TopZone, tổng doanh thu từ sản phẩm Apple trên toàn hệ thống MWG cũng tăng trưởng ấn tượng khoảng 40% so với năm trước.
Cả hai chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh đều nỗ lực ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ, mang về tổng doanh thu 105.000 tỷ đồng cho Tập đoàn.
Chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh đã trải qua cuộc “đại phẫu” toàn diện, đáng chú ý nhất là về cách thức sắp xếp và tái định vị thương hiệu từ mô hình “chợ hiện đại” thành “siêu thị mini”.
Sau tái cấu trúc, MWG chỉ còn 1.728 cửa hàng BHX, đã giảm 20% so với cuối năm 2021, với doanh thu trung bình trong những tháng cuối năm ổn định ở mức 1,3-1,4 tỷ đồng/cửa hàng.
Dù giảm số lượng cửa hàng, tổng doanh thu của BHX vẫn đạt hơn 27 ngàn tỷ đồng, bằng 96% mức doanh thu kỷ lục của năm 2021 (khi nhu cầu tích trữ hàng thiết yếu tăng cao trong các đợt bùng phát dịch COVID).
Đối với An Khang, sau khi đạt quy mô 500 nhà thuốc vào cuối năm 2022, MWG đã tạm ngưng mở rộng để tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí để hướng đến vận hành có lợi nhuận.
Ngoài ra, MWG cũng thu hẹp các chuỗi mới, chấm dứt những thử nghiệm mà không có tiềm năng tăng trưởng đủ lớn trong tương lai.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét