Sức chống chịu thấp, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân càng trở nên thách thức
Sức chống chịu của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, mỗi khi có bão là liêu xiêu, nên mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2025 chỉ đạt được nếu có hành động quyết liệt.
PGS, TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ II |
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ II diễn ra sáng 2/4/2023 trở thành sự kiện đầu tiên bàn đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vào ngày 31/3.
Câu hỏi làm thế nào để đạt được 1, 5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 đã được đặt ra với nhiều góc cạnh.
Phát biểu khai mạc “Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần II” với chủ đề “Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế”, PGS, TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam đã nhắc tới Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 BCHTW Khóa XII của Đảng đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân và khẳng định phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, cũng tại Nghị quyết số 10-NQ/TW được ban hành vào năm 2017, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đã được nhắc tới, nhưng đến giờ vẫn chưa đạt được khi đến năm 2022, số doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp vào khoảng 800 ngàn. Thực tế này khiến các mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 càng trở nên thách thức.
Và điều quan trọng hơn, theo TS. Cấn Văn Lực, khu kinh tế tư nhân vẫn đang trong hành trình tiến tới trở thành động lực của nền kinh tế, chứ chưa thực sự là động lực.
“Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm dần; đa số là hộ kinh doanh, chiếm 94% về số lượng, đóng góp 31% GDP; doanh nghiệp tư nhân đóng góp 14-15% GDP – chưa nhiều lắm. Khu vực này cũng vẫn còn nhiều hạn chế về măng lực về tài chính, quản trị, dịch vụ chưa được tốt, cấu trúc ngành nghề chưa hợp lý, liên kết rời rạc”, ông Lực phân tích.
Mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu khá cao, nhưng chủ yếu là liên kết ngược, nghĩa là chủ yếu là nhập để xuất còn tỷ lệ nội địa hóa thấp.
“Có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi cho rằng, sức chống chịu của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, nên cứ mỗi khi có bão là liêu xiêu”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ quan điểm.
Nguyên nhân một phần vì đa phần trong khu vực kinh tế tư nhân là hộ kinh doanh, các doanh nghiệp tư nhân thì năng lực quản trị còn yếu, thua xa doanh nghiệp các nền kinh tế trong ASEAN... Đây là lý do vị chuyên gia này đặt nhiều kỳ vọng vào sự dịch chuyển trong năng lực nội tại của doanh nghiệp song song với những cải thiện về môi trường kinh doanh từ phía Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng chia sẻ quan điểm này, nhưng cũng thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp tư nhân đang rất nỗ lực để vượt khó khăn do dịch bệnh. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không dám triển khai dự án mới, vì thiếu vốn, chỉ tập trung giữ được lao động...
“Đến hôm nay, tôi nói thật, cũng không biết vì sao có thể vượt qua 3 năm qua với vô vàn khó khăn. Chúng tôi đã cố gắng và nỗ lực vượt qua, xác định cần cố gắng và nỗ lực tiếp tục. Song, doanh nghiệp cần sự dẫn dắt của vĩ mô, để tiếp tục có sự kỳ diệu như đã làm được sau dịch bệnh”, bà Nga nói.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần II với chủ đề “Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế |
Tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại đang có thêm nhiều thách thức, tăng trưởng GDP gần như thấp nhất trong 11 năm qua, chỉ cao hơn năm 2020 - năm đỉnh dịch bệnh. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số gia nhập và tái gia nhập.
Những động thái chính sách từ đầu năm đến nay của Chính phủ, như rà soát, tháo gỡ khó khăn pháp lý, cắt giảm thủ tục hành chính và mới nhất là giảm lãi suất ngân hàng, đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều. Tuy nhiên, theo bà Bạch Lan Phương, CEO Công ty CP Thương mại UNIK, quan trọng nhất là môi trường kinh doanh minh bạch, thể chế rõ ràng. Vì hiện tại, như nhiều doanh nghiệp chia sẻ, các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vẫn "ở trên ti vi, báo đài" nhiều hơn thực tế.
“Các chuyên gia cứ đặt câu hỏi là sao hộ kinh doanh không chuyển lên doanh nghiệp. Vì làm doanh nghiệp rất nhiều thủ tục, quy trình phức tạp, khó tuân thủ một cách minh bạch. Cũng như cây lúa, để phát triển được thì cần thổ nhưỡng tốt, nếu giống tốt mà trồng ở vùng đất bạc màu cũng không thể phát triển được. Để doan nghiệp tư nhân phát triển được, để doanh nghiệp dám lớn, cần môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch”, bà Phương nói.
Và bà cũng thẳng thắn cho rằng, Nhà nước cần phải có hành động thực tiễn để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, chứ khu vực doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, đang teo tóp.
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đang lo ngại về tình trạng này, khi doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đối mặt với cạnh tranh gay gắt, đang kém ưu thế hơn nhiều trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhất là chế biến, chế tạo.
“Chính phủ cần có chiến lược phát triển kinh tế tư nhân thực sự, cần có hành động thực sự, để kinh tế tư nhân thực sự là trụ cột của nền kinh tế”, TS. Nghĩa khuyến nghị.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét