Cả triệu tỷ đồng vốn và tài sản trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đang cần có giải pháp tháo gỡ để dòng tiền trong nền kinh tế chảy mạnh.
Các vấn đề, vướng mắc đối với doanh nghiệp nhà nước đều đã được nhận diện, giờ là lúc thống nhất cách gỡ. Ảnh: Đức Thanh |
Những điều khó nói của doanh nghiệp nhà nước
Rất ít lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước muốn chia sẻ nhiều về kế hoạch đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp, trừ các thông tin đã được công bố. “Doanh nghiệp nhà nước nếu không có chủ trương, không được phê duyệt, thì không thể làm được gì”, đại diện một tập đoàn nhà nước chia sẻ về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chỉ khoảng 51% kế hoạch của năm ngoái.
Đây cũng là một phần lý do vị lãnh đạo này không thoải mái nói về kỳ vọng của năm 2023, vì theo ông, đến giờ, chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư 5 năm 2021-2025 của tập đoàn vẫn chưa được phê duyệt. Thời gian của năm 2023 đã gần hết quý I, càng để chậm, việc huy động vốn cho các kế hoạch đầu tư càng trở nên khó khăn.
Đáng nói là tâm tư này không phải của một vài doanh nghiệp nhà nước. Trong báo cáo của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, những lo ngại về việc thực hiện các kế hoạch đầu tư năm 2023 tiếp tục được đưa ra. Lý do được nhắc đến nhiều, cả ở góc độ thị trường trong nước, quốc tế, ở sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhưng vấn đề chính là những vướng mắc trong quy trình, thủ tục, sự va chạm giữa các văn bản, quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp chia sẻ, doanh nghiệp nhà nước thì khó hơn vì luôn phải đi hỏi, đi xin ý kiến nhiều tầng nấc, song các văn bản nhận lại phần lớn là những viện dẫn quy định hiện hành, đồng nghĩa với việc không có cơ sở để thực hiện.
Ông Hồ Quang Trung, Phó vụ trưởng Vụ Năng lượng (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) thừa nhận thực tế này. “Tập đoàn Hòa Phát chỉ mất khoảng 2 tháng để hoàn tất báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ phải mất khoảng 2-3 năm”, ông Trung nói về khó khăn của doanh nghiệp nhà nước.
Bàn cách làm, chứ không phải là lúc nhận diện
Cách đây 1 tháng, khi tham dự Hội thảo Giám sát và thúc đẩy hoạt động đầu tư đối với các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) đã đề xuất, nên đặt mục tiêu tạo thuận lợi hơn là thúc đẩy.
“Với doanh nghiệp nhà nước, lúc này cần phải bàn cách gỡ vướng cho hoạt động đầu tư, để giải quyết ngay các vướng mắc hiện hữu. Các vấn đề, vướng mắc đều đã được nhận diện, giờ là lúc thống nhất cách gỡ”, ông Tú Anh chia sẻ quan điểm sau khi nghe hàng loạt kiến nghị từ các doanh nghiệp.
Thực tế, đầu tư vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đã tăng 13,1% trong năm 2022, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (11,2%) và cao hơn mức tăng của khu vực kinh tế tư nhân (8,9%). Năm 2021, đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cũng tăng khoảng 5%, cao hơn mức bình quân cả nước (3%), nhưng thấp hơn khu vực kinh tế tư nhân (khoảng 7,9%).
“Rõ ràng, trong phạm vi quyền hạn của doanh nghiệp nhà nước, họ đã rất nỗ lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước không thể chỉ trông chờ vào vốn tự có như các doanh nghiệp khác, muốn đầu tư mở rộng nhanh thì cần các nguồn vốn khác. Nhưng tiếp cận và khai thác hiệu quả được các nguồn vốn này đang là thách thức của doanh nghiệp nhà nước”, ông Tú Anh thẳng thắn.
Thực tế, khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp nhà nước khá hạn chế. Điều này xuất phát từ hai phía: các doanh nghiệp nhà nước ngại sử dụng đòn bẩy tài chính vì thường đi kèm rủi ro và trách nhiệm lớn; doanh nghiệp muốn sử dụng đòn bẩy tài chính thì cần quy mô vốn điều lệ đủ lớn, nhưng việc tăng vốn này không nằm trong quyền hạn của doanh nghiệp. Về phía các ngân hàng, đôi khi họ cũng khá ngần ngại vì quy trình xử lý tài sản đảm bảo của doanh nghiệp nhà nước khá phức tạp.
Đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước có một nguồn vốn lớn là nguồn đầu tư của Nhà nước thông qua trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, 2 năm qua, khoản đầu tư của trái phiếu chính phủ rất chậm. Tốc độ tăng của trái phiếu chính phủ năm 2022 chỉ bằng 41,1% so với năm 2021, năm 2021 cũng chỉ bằng 55,4% so với năm 2020. Như vậy, năm 2022, nguồn đầu tư trái phiếu chính phủ chỉ bằng khoảng 24% so với năm 2020.
“Giá như các nguồn vốn rất lớn này được khai thác tốt, thì các doanh nghiệp nhà nước có thể tập trung xử lý được các dự án lớn mà nền kinh tế đang rất chờ đợi”, TS. Nguyễn Tú Anh chia sẻ quan điểm.
Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, củng cố, phát triển tập đoàn, tổng công ty có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực có tính chất quan trọng của nền kinh tế, các dự án lớn, hiệu quả có tính lan tỏa cao. Khẩn trương làm việc với các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc; hoàn thiện báo cáo, tờ trình về tình hình, giải pháp phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, trong đó nêu rõ vướng mắc về cơ chế, chính sách hoặc tổ chức thực hiện; trình Thủ tướng Chính phủ để phục vụ Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước (dự kiến cuối tháng 2/2023).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét