Nhiệt điện Ô Môn II sẽ giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động
Khi nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II đi vào hoạt động sẽ sản xuất bình quân khoảng 6.300 GWh mỗi năm, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.
Ông Shino Moroo, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành của Marubeni Asian Power Singapore phát biểu tại lễ ký. |
Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí” giữa Công ty TNHH Điện Ô Môn II và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vừa được ký kết.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II có quy mô công suất thiết kế khoảng 1.050 MW, cấu hình lựa chọn là 2-2-1 (2 turbine khí, 2 lò hơi thu hồi nhiệt và 1 turbine hơi) đảm bảo hiệu suất tối ưu, độ tin cậy và khả năng linh hoạt cao trong quá trình vận hành,
Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ khoảng 1,35 tỷ m3 khí/năm. Về tiến độ thực hiện dự án, nhà máy sẽ hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2026-2027, bảo đảm phù hợp với tiến độ chung của Chuỗi Dự án khí-điện Lô B.
Chủ đầu tư dự án là Liên danh giữa Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng - WTO (Việt Nam).
Ông Shino Moroo, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Marubeni Asian Power Singapore (phụ trách phát triển và quản lý các dự án điện của Tập đoàn tại châu Á - Thái Bình Dương) cho biết: "Marubeni đã có hơn 50 năm hoạt động trong ngành năng lượng tại Việt Nam, đóng góp hơn 5 GW vào hệ thống điện quốc gia".
Việc ký kết thỏa thuận khung hợp đồng bán khí sẽ là cơ sở quan trọng để hai bên tiếp tục hoàn tất các thỏa thuận chi tiết khác cho dự án. Đồng thời, mong muốn được tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để sớm ký kết hợp đồng mua bán khí cho dự án - một yếu tố quan trọng để đi đến quyết định đầu tư cuối cùng của dự án khí Lô B.
"Dự án này sẽ là một dự án điển hình cho các dự án IPP thế hệ mới. Tiến độ của chuỗi các dự án điện Lô B – Ô Môn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành điện Việt Nam tận dụng mỏ khí trong nước. Chuỗi Dự án này được phát triển dựa trên lịch sử hợp tác lâu đời và thành công giữa Việt Nam và Nhật Bản", ông Shino Moroo nhấn mạnh.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác này cũng là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác bền vững, lâu dài giữa Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng và Tập đoàn Marubeni. Hai bên sẽ cùng thực hiện mục tiêu đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Trước đó, vào tháng 2/2021, lãnh đạo Thành phố Cần Thơ đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II cho nhà đầu tư là liên danh Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng và Tập đoàn Marubeni. Liên danh đã được Bộ Công thương đánh giá là có năng lực, kinh nghiệm và đặc biệt là năng lực tài chính ổn định, đảm bảo thu xếp đủ vốn cho Dự án.
Liên doanh Marubeni và WTO đã được Thủ tướng phê duyệt Chủ trương đầu tư cuối năm 2020 và được trao Giấy chứng nhận đầu tư sau đó.
Trong tương lai, khi nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II đi vào hoạt động sẽ sản xuất bình quân khoảng 6.300 GWh mỗi năm, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia.
Bên cạnh đó, nhà máy còn giải quyết việc làm cho hơn 1000 lao động. Trong đó, giai đoạn thi công nhà máy sẽ tuyển dụng khoảng 1000 lao động và giai đoạn vận hành dự án dẽ tuyển dụng khoảng 250 lao động.
Công ty TNHH Điện Ô Môn II mới được thành lập vào ngày 21/02/2023, tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, bởi liên danh giữa Tập đoàn Marubeni, Nhật Bản và Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO).
Marubeni là tập đoàn hàng đầu về thương mại và đầu tư Nhật Bản, với tổng số vốn ước đạt 8,255 tỷ JPY. Năm 2022, doanh thu của tập đoàn khoảng 8,508 tỷ JPY, lãi ròng 424 tỷ JPY. Tại Việt Nam, Marubeni bắt đầu hoạt động kinh doanh từ năm 1991, với nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm xuất nhập khẩu hàng hóa như thuỷ sản, cà phê, các sản phẩm hóa dầu.. cũng như kinh doanh cơ sở hạ tầng.
Đến nay, Marubeni đã tham gia đầu tư, thực hiện nhiều dự án điện BOT/IPP trên thế giới với tổng công suất khoảng 37 GW. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, Marubeni đã tham gia đầu tư và xây dựng nhiều dự án điện với tổng công suất khoảng 5,000 MW.
Trong khi đó, Tổng công ty WTO là đơn vị chuyên về đầu tư, sản xuất, kinh doanh đa ngành, với những ngành nghề chính bao gồm Bất động sản, Sản xuất công nghiệp và Năng lượng sạch. Tổng công ty có vốn điều lệ lớn và sở hữu đến hơn 15 công ty thành viên trực thuộc.
Trong lĩnh vực điện, WTO hiện đang điều hành, quản lý và đầu tư nhiều dự án thủy điện như Tà Thàng (Lào Cai), Bắc Mê (Hà Giang), dự án Mỹ Lý – Nậm Mô (Nghệ An); dự án năng lượng tái tạo như: dự án điện mặt trời Hồng Phong 1A (150 MW) và Hồng Phong 1B (100 MW) tại Bình Thuận; dự án điện gió Hoà Thắng 1.2 (100 MW) tại Bình Thuận, dự án điện gió Cà Mau 1 tại Cà Mau.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét