Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

Vẫn cần hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp đang thiếu vốn, vì thế, bên cạnh giải pháp phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng, vẫn cần đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2% đã được Quốc hội quyết định.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Vừa qua, tại nghị trường, ông đã nhấn mạnh thực tế, doanh nghiệp đang thực sự khát vốn. Nhiều dự án đang bị đình trệ vì không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vậy theo ông, các cơ quan quản lý nhà nước và cả cơ quan làm chính sách nên vào cuộc thế nào để giảm bớt khó khăn này?

Về quan điểm, tôi rất chia sẻ với thông điệp của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, đó là không điều hành, chuyển trạng thái một cách đột ngột, mà theo quy luật thị trường, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính xác, hiệu quả hơn nữa.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần phải đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu.

Hiện nay, tâm lý lo ngại của thị trường, của doanh nghiệp là có, vì thế, rất cần có thông điệp rõ ràng về chính sách để định hướng cho thị trường, chứ không thể để thị trường đi xuống mãi được. Dòng vốn tín dụng thì đã rất là hẹp, mà nguyên tắc thì không thể lấy tín dụng đầu tư trung và dài hạn được. Vừa rồi, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế - PV) cơ bản giải quyết được những bất cập của Nghị định 153. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước cần phải có các động thái để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư đã bị mất trong thời gian vừa qua để khôi phục sớm lại hai thị trường này nhằm cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có nói, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rất đơn giản. Sắp tới, Bộ đề xuất sửa hai luật này và các nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch và cũng tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp việc phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đại biểu, đây có phải là giải pháp khả thi để “lấy lại lòng tin” như đại biểu nói ở trên?

Tôi nghĩ, những vấn đề của thị trường vừa qua không hẳn do quy định của luật đơn giản, mà do kiểm soát chưa tốt, nên đôi lúc bị lách và bị lạm dụng. Cũng có thể phải sửa luật, nhưng đó là dài hạn, còn cấp bách, cần phải có động thái cụ thể hơn. Sửa luật phải có lộ trình, phải được đưa vào chương trình, phải đánh giá tác động, tóm lại là phải thực hiện qua nhiều khâu và cần thời gian khá dài. Còn cấp bách thì có chính sách đặc thù (đã có tiền lệ) là có thể dùng nghị quyết của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý.

Khả năng cao là cuối tháng 12/2022 hoặc đầu tháng 1/2023, Quốc hội sẽ có kỳ họp bất thường, nếu Chính phủ thấy cần Quốc hội có những nghị quyết đặc thù để hỗ trợ thêm cho thị trường vốn, cho doanh nghiệp thì nên tranh thủ cơ hội đó để đề xuất.

Theo nhận định của ông, tiếp cận vốn có phải là khó khăn lớn nhất ở thời điểm này của doanh nghiệp?

Doanh nghiệp có khó khăn về vốn, đó là thực tế. Nhưng vốn thì cũng không phải quá thiếu, mà điều quan trọng là cần nắn dòng vốn vào đúng chỗ cần thiết để đảm bảo sự ổn định. Hiện nay, nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai do thiếu vốn, các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ. Xử lý vi phạm là cần thiết, nhưng cũng cần phân biệt rõ, những dự án đang được triển khai mà có hiệu quả thì cần được tạo điểu kiện để tiếp cận vốn phù hợp, chứ để dở dang nhiều quá thì kinh tế không phát triển được.

Nhưng với tín dụng thì cho vay dự án nào vẫn phụ thuộc vào ngân hàng thương mại, chứ không phải vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước, thưa ông?

Đúng là vẫn phụ thuộc vào ngân hàng thương mại, vì thế mới cần có định hướng để các ngân hàng chia sẻ cái khó của quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.

Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng, các tổ chức tín dụng cần chia sẻ khó khăn chung của nền kinh tế, chấp nhận thu hẹp biên lãi ròng bằng cách nâng cao năng lực quản trị tài chính và đẩy mạnh đầu tư để cắt giảm chi phí và đảm bảo ổn định lãi suất cho vay.

Ngân hàng cần chia sẻ với doanh nghiệp là quan điểm đã được Ủy ban Kinh tế nêu tại nhiều kỳ họp, nhưng hiện nay, ngay cả khi Quốc hội đã quyết định cấp bù lãi suất, thì kết quả cũng rất hạn chế. Đó là dư nợ được hỗ trợ lãi suất 2% mới đạt 9.820 tỷ đồng trên tổng số nguồn lực chi cho chính sách này là 40.000 tỷ đồng, khiến nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai do thiếu vốn, các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ…

Đúng là gói hỗ trợ lãi suất 2% đang khá chậm. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có nêu lý do là nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì điều kiện tiếp cận. Ngoài ra, vẫn còn tâm lý e ngại của các ngân hàng thương mại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất (gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009), đến nay, một số ngân hàng thương mại vẫn chưa được quyết toán đầy đủ số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Nhưng, theo tôi, bên cạnh việc sớm có giải pháp phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán để cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế, thì vẫn cần đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ lãi suất 2%, bởi đây vẫn là công cụ tốt để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét