Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Hút vốn xanh vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Việt Nam đang hội tụ đủ yếu tố để trở thành điểm đến của tài chính xanh, nhưng để hướng dòng vốn này đến việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thì cần thêm nhiều giải pháp, nỗ lực.

“Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố của một điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư và nguồn vốn xanh, bền vững của các quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định tại Hội nghị quốc tế “Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN)” diễn ra cuối tuần qua.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, bên cạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nhằm phục vụ các mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, với trọng tâm là cơ cấu lại các DNNN và tận dụng các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh là hết sức cấp thiết, nhưng đòi hỏi việc huy động nguồn lực rất lớn để triển khai các dự án thân thiện môi trường, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng... Để đáp ứng đủ vốn cho việc thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngoài nguồn lực quan trọng của các doanh nghiệp trong nước, việc hợp tác với các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết.

Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan này đã đề ra định hướng thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển doanh nghiệp thuộc quản lý của Ủy ban. Trong đó, ưu tiên phát triển, hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ số, công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại Trung Quốc về giải pháp huy động các nguồn lực phục vụ cơ cấu lại DNNN, ông Hui Xie, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Ủy ban Giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc) cho biết, “đảm bảo phát triển bền vững” là cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Nghị quyết Đại hội Đảng của cả 2 nước. Để huy động các nguồn lực phục vụ tái cơ cấu DNNN, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, cũng như thúc đẩy triển khai phát triển bền vững tại các DNNN.

“Chúng tôi hướng dẫn cho DNNN giảm dần hoạt động có hại cho môi trường, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, chuyển từ ngành sử dụng nhiều năng lượng sang các ngành khác thân thiên hơn với môi trường”, ông Hui Xie chia sẻ và cho biết, nhờ đó, lượng năng lượng do các DNNN sử dụng trong năm 2021 đã giảm so với trước đây.

Bên cạnh các biện pháp vận động và giám sát, Trung Quốc cũng thúc đẩy việc cơ cấu lại và giảm số lượng DNNN thông qua loại bớt các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, không cần thiết. Đến cuối năm ngoái, 93% DNNN của Trung Quốc đã giảm bớt hoạt động kinh doanh không cốt lõi. Trong giai đoạn 2012 - 2021, lợi nhuận thu về của các DNNN tăng 7,9%, năng suất tăng 82%, hoạt động nghiên cứu và phát triển được đẩy mạnh.

Về mặt chính sách, theo ông Li Fan, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Warburg Pincus Singapore, các yếu tố cần chú ý là tính ổn định của kinh tế vĩ mô, cam kết của lãnh đạo Chính phủ. “Việt Nam có nền kinh tế vĩ mô ổn định với nhà hoạch định chính sách tiến bộ. Chúng tôi cũng được tạo điều kiện thuận lợi khi đầu tư vào Việt Nam. Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ tập trung vào các khoản đầu tư tại Việt Nam”, ông Li Fan cho hay.

Trong khi đó, ông Projesh Banerjea, Giám đốc Quỹ KKR khu vực châu Á - Thái Bình Dương phụ trách đầu tư kết cấu hạ tầng cho rằng, cần tập trung phát triển hạ tầng linh hoạt hơn. “Chúng tôi sẵn sàng và muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi sang năng lượng xanh”, ông Projesh Banerjea nói.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét