Hơn 630 thương nhân cam kết đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ
Sau 7 ngày kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, đến nay đã có hơn 630 lượt thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu ký kết đảm bảo đủ nguồn cung cho cửa hàng bán lẻ.
Hơn 630 thương nhân cam kết đảm bảo đủ nguồn cung cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. |
Tổng cục Quản lý thị trường vừa có báo cáo về kết quả tình hình triển khai, giám sát và ký biên bản cam kết đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo báo cáo, tính đến hết ngày 15/11/2022, trên địa bàn cả nước, lực lượng Quản lý thị trường đã ký cam kết với tổng số 633 lượt thương nhân, trong đó số lượt thương nhân đầu mối đã ký cam kết là 224 lượt; số lượt thương nhân phân phối đã ký cam kết là 409 lượt (bao gồm ký cam kết với cả các công ty con, chi nhánh của thương nhân đầu mối).
Lực lượng của ngành đã thực hiện việc ký biên bản cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với thương nhân đầu mối; công ty con, chi nhánh của thương nhân đầu mối; thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý.
Cơ bản, hầu hết các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu đều thực hiện việc ký cam kết này (trong đó tỷ lệ thương nhân đầu mối; công ty con, chi nhánh của thương nhân đầu mối ký biên bản cam kết đạt 100%). Tuy nhiên vẫn còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại trong quá trình trao đổi thông tin, thực hiện ký biên bản cam kết với các thương nhân.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, một số thương nhân đầu mối cam kết đảm bảo việc cung ứng xăng dầu, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc thương nhân.
Đối với hệ thống phân phối của thương nhân (tổng đại lý, thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu, đại lý) dựa trên sản lượng tiêu thụ bình quân 9 tháng liền kề trước đó để cung cấp cụ thể từng khách hàng cho từng mặt hàng xăng dầu.
Một số thương nhân phân phối có thực hiện ký cam kết, nhưng không cam kết thực hiện đầy đủ nội dung, hoặc không thực hiện ký cam kết nội dung “chủ động nguồn hàng, đảm bảo việc cung cấp đầy đủ nguồn cung xăng dầu, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc công ty, hệ thống phân phối xăng dầu của công ty” với lý do thương nhân phân phối không chủ động được nguồn hàng trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương và lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình.
Trước đó, Bộ trưởng Công thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, tiến hành ký biên bản cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với tất cả các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn.
Còn trong Công điện mới nhất hôm 17/11, Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trên toàn quốc được yêu cầu giám sát thực hiện cam kết, nghiêm túc xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường và cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố yêu cầu các thương nhân đầu mối; công ty con, chi nhánh của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hoạt động trên địa bàn có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung biên bản cam kết đã ký về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Liên quan đến việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới phức tạp, cung trong nước vẫn bị đứt gãy, Bộ Công thương vừa đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét để 5 thương nhân đầu mối được tiếp tục nhập xăng dầu.
Bao gồm: Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM, Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu.
5 doanh nghiệp này trước đó bị phạt vi phạm hành chính và tạm thời tước giấy phép 1 tháng do vi phạm quy định, không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối.
Mặc dù từ 6/9, 5 doanh nghiệp này được Bộ Công thương tạm dừng áp dụng hình thức phạt bổ sung tước giấy phép, họ vẫn chưa được hải quan cho phép tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu.
Do đó, để đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường, Bộ Công thương đề nghị Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) xem xét để các thương nhân đầu mối trên được tiếp tục kinh doanh, phục vụ sản xuất và đời sống người dân trong mọi tình huống, đảm bảo hệ thống kinh doanh xăng dầu hoạt động ổn định.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét