Lương thấp, áp lực lớn là nguyên nhân chính khiến một lượng lớn giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Thực tế này đòi hỏi ngành giáo dục phải sớm có giải pháp khắc phục.
Mấy năm trước, một chuyên gia giáo dục từng là giảng viên của một trường đại học top đầu Việt Nam đột ngột quyết định rời bỏ công việc giảng dạy đại học để chuyển sang làm biên tập viên sách và truyền cảm hứng văn hóa đọc trong cộng đồng.
Anh cho biết, việc từ bỏ vị trí giảng viên đại học ngoài lý do muốn tìm một cơ hội mới, thì một phần vì thu nhập không tương xứng.
Quan sát công việc của giáo viên hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên đang phải làm nhiều công việc không hợp lý, trong đó có cả việc đi bán một số dịch vụ trong trường học để thu tiền hoặc áp lực sổ sách, thi đua quá lớn. Khi giáo viên phải làm những công việc không chính đáng, không thoải mái, sẽ bào mòn động lực làm việc của họ.
“Nghề giáo bị chi phối rất nhiều bởi cảm xúc. Người thầy chỉ có thể dạy tốt khi họ cảm thấy hạnh phúc, có sự bình an trong tâm hồn. Còn nếu mất đi cảm giác hạnh phúc khi lên lớp thì người thầy sẽ ngày càng cảm thấy mỏi mệt”, một chuyên gia giáo dục cho hay.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thay mặt Chính phủ đã gửi báo cáo tới đại biểu Quốc hội về hoạt động giáo dục năm 2022. Theo báo cáo của người đứng đầu ngành giáo dục, năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc, chuyển việc.
“Trong bối cảnh cả nước đang thiếu khoảng 100.000 giáo viên mầm non, phổ thông, thiếu giáo viên một số môn học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn tiếng Anh, tin học đối với cấp tiểu học và môn âm nhạc, mỹ thuật đối với THPT, thì việc hàng loạt giáo viên nghỉ học đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động dạy và học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu.
Bàn về nguyên nhân nhiều giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, tư lệnh ngành giáo dục cho rằng, một trong những lý do dẫn đến tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.
Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn.
PGS-TS. Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) kể câu chuyện, trong một dịp trao đổi với giáo viên ở một trường học của tỉnh Hà Nam, bà đặt câu hỏi, có giáo viên nào phải làm nghề “tay trái” để đủ sống không, thì toàn bộ giáo viên có mặt trong cuộc họp hôm đó cho biết, họ đều phải làm thêm một công việc khác để nuôi sống gia đình.
GS-TS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, nếu như trước đây nhiều người muốn xin vào ngành giáo dục, thì hiện nay lại có một lượng lớn giáo viên bỏ hẳn nghề hoặc chuyển từ trường công ra trường tư. Đây cũng là điều có thể lý giải, bởi môi trường giáo dục ngoài công lập có nhiều điểm hấp dẫn, rõ nhất là chế độ đãi ngộ.
Để hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
Bộ này cũng đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập của họ không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát các văn bản, thể chế, chính sách, trong đó vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách để giải quyết được đời sống cho giáo viên, với tinh thần “có thực mới vực được đạo”.
Còn theo GS-TS. Đinh Quang Báo, vấn đề lương, đãi ngộ của giáo viên phải là vấn đề mang tính vĩ mô. Quốc hội cần phải có quyết sách cụ thể giải quyết vấn đề này, còn nếu tiếp tục duy trì lương, đãi ngộ như hiện nay, giáo viên không đủ sống, thì hiện tượng bỏ việc, chuyển việc sẽ không thể giải quyết.
PGS-TS. Chu Cẩm Thơ bổ sung kiến nghị: “Ngoài việc tăng lương thì cần phải cải tổ quy trình công việc để giảm tải lao động của giáo viên trong những công việc không cần thiết. Đồng thời, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Giáo viên sẽ thực sự hạnh phúc và gắn bó với nghề nếu như công việc của họ được quan tâm đầu tư về tư liệu sản xuất để yên tâm làm việc”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét