Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

Gian nan start-up lĩnh vực nông nghiệp

Với mong muốn đưa sản phẩm của quê hương lên kệ các siêu thị trong và ngoài nước, các start-up về nông nghiệp đã rất cố gắng, nhưng gặp không ít khó khăn.

Từ ý tưởng muốn tạo ra sản phẩm bột rau má dùng thay nước rau má ép tươi, có thể kéo dài thời gian bảo quản, đảm bảo an toàn và giúp người tiêu dùng bổ sung vitamin, chị Nguyễn Ngọc Hương (Giám đốc điều hành Thực phẩm Quảng Thanh) đã cùng cộng sự khởi nghiệp với dòng sản phẩm chính là bột rau má uống liền Orama.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị Hương kể, thời gian đầu, nhóm của chị gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có công nghệ chế biến nào có sẵn phù hợp với cây rau má, nếu có thì cũng không thể áp dụng để cho ra bột rau chất lượng. Đội ngũ phải tự mày mò, học hỏi, sau đó sáng tạo thêm để ứng dụng cho cây rau má của Việt Nam.

Theo chị Hương, tốn thời gian nhất và cũng khó nhất về kỹ thuật là khâu sấy, nghiền để ra được sản phẩm giữ được chất lượng như rau tươi. Nếu sấy chưa tới, thì rau chưa đạt chuẩn về độ khô để chuyển qua khâu nghiền và sẽ có rủi ro trong quá trình sử dụng, lưu thông vì rau dễ bị ẩm mốc, không kiểm soát được yếu tố vi sinh, gây hại cho người tiêu dùng. Còn nếu sấy quá thời gian hay áp suất, rau sẽ không đạt chất lượng, phải đổ bỏ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Các Thủy, người sáng lập Công ty TNHH Tây Cát, tạo lên thương hiệu trái cây cuộn Tư Bông chia sẻ, khởi nghiệp từ năm 2013, đã nhiều lần chị nghĩ đến chuyện bỏ cuộc vì gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn vốn, không có kinh nghiệm tổ chức sản xuất và quản lý, thiếu kiến thức về tiếp cận thị trường…

“Khó khăn nhất lúc đó là về bán hàng và kiểm soát chất lượng sản phẩm, cần phải có kinh nghiệm, kiến thức thì mới làm được điều này”, chị Thủy bày tỏ.

Không chỉ gặp khó khăn khi khởi nghiệp, các start-up nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển và mở rộng quy mô. Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam cho hay, các start-up về nông nghiệp có thể giỏi về sản phẩm, nhưng để sản phẩm của họ nâng lên một tầm cao mới, quốc tế hơn, thì cần được người có kinh nghiệm hướng dẫn.

“Để mở rộng quy mô còn nhiều yếu tố khác và rất khó để làm một mình, nên các bạn phải tìm người để đồng hành. Việc mở rộng quy mô cần những người có năng lực và sự tin tưởng lẫn nhau”, bà Vân nhấn mạnh.

Là người đồng hành và hướng dẫn nhiều bạn trẻ khởi nghiệp về nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit chia sẻ, những bạn trẻ khởi nghiệp về nông nghiệp có khát vọng mãnh liệt, muốn nâng giá trị của quê hương, nâng giá trị bản địa lên. Mặc dù khát vọng, nhưng các bạn lại gặp phải bế tắc vì vẫn còn mới mẻ và thiếu kinh nghiệm.

Tuy nhiên, người đại diện thương hiệu Vinamit nhìn nhận, sau dịch Covid-19, thế giới bắt đầu quan tâm đến sức khỏe, quan tâm đến các sản phẩm từ thiên nhiên. Trong khi đó, Việt Nam còn nhiều cơ hội cho lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Ngoài ra, start-up về nông nghiệp phải đầu tư vào khoa học - công nghệ, phải tìm hiểu về công nghệ sinh học, thậm chí là công nghệ phân tử vì đó là tương lai. Phải viết nghiên cứu sản phẩm để lấy bằng sáng chế, tránh trường hợp bị “biến đổi sáng tạo”.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét