Doanh nghiệp không thể dùng phương tiện thô sơ trên "cao tốc" tới thị trường EU
Đó là chia sẻ của Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Lê Anh Tuấn khi nói về việc tận dụng "cao tốc" EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.
Phó tổng giám đốc Hapro, Lê Anh Tuấn cho biết, tuyến đường "cao tốc" nối Việt Nam với EU đã có, nhưng DN không thể đi phương tiện thô sơ trên "cao tốc" này. |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tuyến đường “cao tốc” nối Việt Nam với thị trường EU đã thông tuyến được hơn 2 năm nay, đang được các doanh nghiệp, ngành hàng tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hai năm đầu thực thi (8/2020-7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019 trước đó.
Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Còn trong 10 tháng 2022, xuất khẩu sang EU đạt xấp xỉ 40 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ 2021.
Tăng trưởng xuất khẩu sang EU đạt cao, nhưng hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của thị trường 27 nước thành viên EU. Một số mặt hàng thế mạnh như rau quả chưa chiếm đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp, cũng có rất ít hàng hóa được xuất khẩu với thương hiệu Việt vào EU. Gần nhất có Tập đoàn Lộc Trời đưa được gạo mang thương hiệu riêng “"Cơm ViệtNam Rice” sang Pháp thành công
Chia sẻ tại Tọa đàm Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Hapro cho biết, Hapro xuất khẩu nhiều nông sản sang EU, nhờ EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp cũng được hưởng ưu đãi thuế quan tốt hơn.
Trước khi EVFTA có hiệu lực và sau khi EVFTA có hiệu lực đối với các sản phẩm của Hapro xuất khẩu thực tế được lợi thế là ưu đãi hơn về thuế. Nhờ EVFTA, khách hàng quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam hơn, nhất là những sản phẩm cùng cạnh tranh về giá và chất lượng lâu nay với một số các nước nhiệt đới như Thái Lan như Malaysia, Indonesia.
“Chính phủ đã đàm phán và ký kết EVFTA thành công, đã xây dựng một con đường "cao tốc" tới EU, nhưng để đi trên con đường đó, doanh nghiệp không thể dùng phương tiện thô sơ, vì vậy phải chuẩn bị đủ nguồn lực, có phương tiện, có hàng hóa chất lượng, đủ sản lượng để mang đi xuất khẩu, thỏa mãn yêu cầu từ các nhà mua hàng”, ông Tuấn nói.
Hoàn toàn không có chuyện nguyên liệu xấu mà chế biến ra được sản phẩm tốt, mà người châu Âu họ quan tâm nhiều tới quá trình sản xuất, đất, nước, sử dụng lao động cho đến bảo quản sau thu hoạch…, những yêu cầu này nhà cung cấp bắt buộc phải đáp ứng. Do đó, những năm gần đây, Hapro đã đầu tư mạnh cho hoạt động sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, nhà cung cấp để hình thành chuỗi sản xuất.
Đơn cử, Hapro đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, xây dựng nhà máy chế biến, đóng gói gạo, hạt điều theo tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm tại huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) và tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Việc đầu tư vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, đóng gói đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp nâng cao được năng lực cung ứng.
Từ kinh nghiệm sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn EU để đón thêm đơn hàng xuất khẩu, đại diện Hapro lý giải: "Nhiều doanh nghiệp nói thị trường EU yêu cầu khắt khe về chất lượng và họ gặp khó khăn về tuân thủ các tiêu chuẩn, tiêu chí đó. Nhưng thực tế, đây không phải là rào cản của doanh nghiệp Việt khi tham gia sân chơi thương mại với thị trường EU mà các nhà cung cấp từ nhiều quốc gia khác đều phải đáp ứng như vậy".
"Người tiêu dùng châu Âu họ yêu cầu rất khắt khe về chất lượng và đây không phải rào cản cho hàng Việt Nam mà tất cả các nước khi muốn đưa hàng vào châu Âu phải như thế. Ví dụ như ta muốn xem đá bóng thì yêu cầu tối thiểu của ta phải có vé vào xem còn lại, phụ thuộc vào mức độ chi bao nhiêu thì ta được ngồi ở vị trí nào", ông Tuấn ví von.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, chưa có số liệu thống kê chính thức về số thương hiệu Việt Nam tại EU, nhưng khẳng định còn khiêm tốn.
Nhìn trong tổng thể chiếc bánh của thị trường EU với hơn 500 triệu dân, hàng Việt mới chiếm 2% thị phần, rất nhỏ bé. Rõ ràng, để tăng tốc xuất khẩu, tận dụng được ưu đãi thuế quan từ EVFTA mang lại đã là tốt, và khi xuất khẩu tăng, thể hiện ở ngoại tệ thu về lớn, cũng đồng nghĩa với việc tương lai sẽ có thêm nhiều hơn nữa các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vào thị trường EU.
Để khai thác thị trường EU hiệu quả hơn, khai thác EVFTA tối đa hơn, theo bà Thủy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng nghiên cứu kỹ về thị trường, xem thị trường có nhu cầu như thế nào, có những yêu cầu ra sao, từ đó sản xuất được những sản phẩm thị trường đang cần chứ không phải bán những thứ doanh nghiệp đang có.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy đối với việc kinh doanh tại thị trường EU, phải thấu hiểu văn hóa của thị trường cũng như các tập quán kinh doanh. Sản phẩm ngoài việc "hợp nhãn" với người tiêu dùng EU cũng cần mang những bản sắc của Việt Nam nhằm giúp định vị thương hiệu của doanh nghiệp tốt hơn ở thị trường này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét