Doanh nghiệp khó khăn vì bất cập trong hoàn thuế giá trị gia tăng
Những bất cập trong hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) suốt 2 năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quay vòng vốn, phục hồi sau đại dịch.
Tại buổi đối thoại với cơ quan thuế, hải quan ngày 25/11 do Bộ Tài chính phối hợp cùng Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, không ít doanh nghiệp đã bức xúc về vấn đề chậm trễ trong hoàn thuế GTGT.
Ông Tomoki Kawasaki, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (Khánh Hoà), cho biết, việc chậm hoàn thuế GTGT của công ty kéo dài đến nay đã 2 năm gây khó cho doanh nghiệp.
Một điểm mâu thuẫn nữa đó là doanh nghiệp này chưa có giấy phép về điện lực vì theo quy định của ngành điện, giấy phép chỉ được cấp khi dự án đi vào hoạt động. Trong khi đó, dự án của công ty đang trong giai đoạn đầu tư, thời gian đầu tư phải mất 4-5 năm mới có thể đi vào hoạt động.
Trong khi đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2022 có hiệu lực từ ngày 12.9.2022 quy định rõ về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nghị định đã có nhưng cơ quan thuế địa phương vẫn chậm với lý do chờ Thông tư hướng dẫn của Tổng cục thuế. Việc chậm hoàn thuế khiến Vân Phong phải tự huy động nguồn vốn để bù đắp lại khoản chưa được hoàn thuế GTGT, phát sinh chi phí lãi vay cũng như thua lỗ vì chênh lệch tỉ giá.
Giải đáp vấn đề này, ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay đã có dự thảo hướng dẫn sửa đổi, bổ sung quy định để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Dự thảo thông tư đang xin ý kiến và đi đến bước cuối cùng trước khi ban hành. Tuy nhiên Tổng cục Thuế đã có công văn hướng dẫn thực hiện, các cục thuế tỉnh thành có thể thực hiện hoàn thuế ngay cho doanh nghiệp mà không cần phải chờ có thông tư.
Đại diện đến từ Công ty CP cao su Đà Nẵng lại nêu câu chuyện doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp cao hơn nội địa nên hầu như tháng nào cũng thực hiện hoàn thuế GTGT. Vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện là trong quá trình thực hiện bảng kê hoàn thuế ở phần hóa đơn điện tử, người bán hàng thực hiện hủy hóa đơn mà không báo cho phía doanh nghiệp. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
“Việc yêu cầu nhập liệu bảng kê hoàn thuế rất cầu kỳ, trong khi chi tiết đầu vào đã được thể hiện trên hoá đơn. Do đó không cần thiết kê khai, mất thời gian cho doanh nghiệp”, đại diện này nói.
Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2022. |
Chia sẻ riêng với phóng viên Báo Đầu tư, một doanh nghiệp xuất khẩu nêu bức xúc: “Doanh nghiệp chậm nộp thuế thì bị phạt 0,03% /ngày. Vậy nhưng khi cơ quan chức năng chậm hoàn thuế thì ai sẽ đứng ra trả lãi vay ngân hàng và các đơn hàng xuất khẩu cho đối tác bị hủy do không có vốn cho các doanh nghiệp”.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết đã nhận được công văn số 5806/TCT-KK hướng dẫn bổ sung số hiệu tài khoản thanh toán của người trả tiền, tên, địa chỉ của người chuyển tiền trên báo có trong Chứng từ thanh toán ngân hàng được xét khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với thanh toán qua ngân hàng và công văn số 5018/TCT-KK về việc tài khoản thanh toán tiền hàng xuất khẩu… mà chứng từ thanh toán chưa có đầy đủ thông tin tài khoản chuyển tiền thanh toán thì tạm chưa xét hoàn thuế, chờ người nộp thuế bổ sung thông tin.
Tuy nhiên, các ngân hàng đã có trả lời về tính pháp lý bất cập, không khả thi phù hợp của hai công văn trên.
Cụ thể, theo thông lệ quốc tế không có quy định nào về yêu cầu các điện báo có thanh toán Thư tín dụng (L/C) và nhờ thu (DP) phải thể hiện đầy đủ tên và thông tin số tài khoản của người chuyển tiền, người mua. Các điện báo có hiện nay đều là điện SWIFT, các trưởng thông tin trên điện sẽ theo định dạng tiêu chuẩn của Hiệp hội Viễn thông liên Ngân hàng và Tài chính quốc tế (SWIFT), tùy thuộc phương thức thanh toán giữa hai bên mua, bán mà có loại điện phù hợp.
Các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính sớm xem xét hướng giải quyết khúc mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh thủ tục hoàn thuế giúp doanh nghiệp thuận lợi quay vòng vốn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét