Công nghiệp và thương mại 10 tháng năm 2022: Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 đến nay ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...,
Bộ Công thương cho hay, số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 tới nay, ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... |
Báo cáo phát triển công nghiệp và thương mại 10 tháng 2022 vừa được Bộ Công thương công bố cho thấy sự đảo chiều về lượng đơn hàng xuất khẩu trong thời gian gần đây.
Cụ thể, Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,5 điểm trong tháng 9, thấp hơn một chút so với 52,7 điểm của tháng 8 nhưng vẫn báo hiệu mức cải thiện liên tục của các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất. Trong đó có 3 điểm nổi bật: Sản lượng tiếp tục tăng mạnh; Áp lực lạm phát đã giảm; Tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm tăng.
Đáng lưu ý, số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), một số công ty bán được lượng hàng ít hơn dự kiến khiến các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng trong tháng 10.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão gây mưa lớn nên một số ngành như khai thác khoáng sản, chế biến hải sản và một số ngành sản xuất sản phẩm khác sản lượng giảm...
Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 10 ước tính chỉ tăng 3% so với tháng trước (công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,4%) và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng, IIP ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,6%; khai khoáng tăng 5%, sản xuất và phân phối điện nước tăng 7,8%.
Chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2022 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 31,5%; sản xuất trang phục tăng 19,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 17,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 11%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 5,4%; sản xuất kim loại giảm 1,5%.
Đơn đặt hàng mới có dấu hiệu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu chủ lực thiếu đơn hàng xuất khẩu cho các tháng 11, 12 đã được phản ánh từ trước đó. Chẳng hạn, với ngành dệt may, trong tháng 9 xuất khẩu của ngành này đã giảm 1,28 tỷ USD so với tháng 8. Thậm chí, tại một số thị trường xuất khẩu lớn của ngành, dấu hiệu giảm đã xuất hiện từ tháng 8, như Mỹ giảm 3%, EU giảm 3,2% và đà suy giảm chưa dừng lại.
Phản ánh từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, tại thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp may mới nhận kế hoạch sản xuất đến giữa tháng 10, đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35% đến 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá…
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 10 tháng qua tuy có tăng trưởng 11,4% so với cùng kỳ, đạt 13,5 tỷ USD, nhưng vài tháng gần đây đơn hàng đã sụt giảm thấy rõ. Đáng chú ý, trong tháng 10/2022, thị trường xuất khẩu sụt giảm, các đơn hàng từ doanh nghiệp lớn ngành gỗ trong nước đã giảm ở mức 30 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái, 1 doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa.
Lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước.
Tình hình đơn đặt hàng mới tăng chậm lại được dự báo có thể kéo dài đến hết quý 1/2023.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét