Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Lượng khách đã tăng nhưng còn quá thấp

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Lượng khách đã tăng nhưng còn quá thấp

Sau gần một năm khai thác, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển được gần 7,2 triệu hành khách, lượng khách ngày càng tăng nhưng vẫn quá thấp so với mục tiêu đề ra.

Lượng khách tăng khoảng 15%

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Metro Hà Nội (Metro Hanoi) cho biết, từ 6/11/2021 đến hết 28/10/2022, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước (đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông) đã vận chuyển được gần 7,2 triệu hành khách an toàn.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành thử trước khi chính thức được khai thác thương mại. Ảnh: Đ.T

Hiện nay, đường sắt Cát Linh-Hà Đông mỗi ngày có trên dưới 10.000 người đi vé tháng. Ngày bình thường có trên 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần (thứ Bảy và Chủ Nhật) dao động từ 26.000-28.000 khách, lượng khách đi trải nghiệm đã bão hòa. Khách đi lại thường xuyên là 5.000-6.000 người.

Khung giờ cao điểm của tuyến buổi sáng từ 7 giờ đến 8 giờ 30, buổi chiều 16 giờ 30 đến 18 giờ. Khi đi vào vận hành, tuyến đường sắt đô thị này đã góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên hành lang của tuyến.

Đặc biệt, từ ngày 1/9/2022, đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã chuyển sang giai đoạn 2 của năm đầu khai thác, giờ bình thường chạy tần suất 10 phút chuyến với 6 đoàn, cao điểm chạy giãn cách 6 phút/chuyến với 9 đoàn tàu với lượng khách tăng khoảng 15%.

Số lượng hành khách tăng do tuyến đường sắt này đã đi vào hoạt động một thời gian và người dân nhận thấy tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường, văn minh lịch sự… nên dần hình thành văn hóa Metro.

Đặc biệt, hành khách sử dụng Metro làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể tiếp chuyển loại hình xe buýt được kết nối rất tiện lợi ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Bên cạnh đó, các hoạt động đời sống, kinh doanh đã mở cửa trở lại và cách tiếp cận về phòng chống dịch COVID-19 đã linh hoạt, số lượng học sinh, sinh viên đi học trở lại; giá nhiên liệu tăng cũng là một trong các yếu tố khiến nhu cầu khách đi lại cao hơn.

Bước đầu tuyến đường sắt đã phát huy hiệu quả, góp phần chống ùn tắc trong giờ cao điểm trên hành lang tuyến. Công tác vận hành theo đúng kịch bản tốt nhất trong số các kịch bản mà Metro Hanoi đã đưa ra.

Tăng cường kết nối giao thông

Việc ngày càng có người di chuyển bằng tàu điện trên cao cho thấy hành khách đã nhận ra sự ưu việt của loại hình vận tải mới này. Tuy nhiên, số lượng hành khách thực tế vẫn quá thấp so mục tiêu đề ra. 

Bởi lẽ, theo công suất thiết kế, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể vận chuyển 217.000 hành khách/ngày đêm, tương đương khoảng 80 triệu hành khách/năm, đáp ứng 55-60% lưu lượng hành khách đi lại trên tuyến.

Trong 3 năm đầu đi vào vận hành, Hanoi Metro đặt mục tiêu mỗi năm vận chuyển từ 30-40 triệu khách/năm, năm tiếp theo là 50-60 triệu hành khách, và có thể đạt 80-90 triệu hành khách/năm trong trung hạn. Thế nhưng, với số lượng 26.000-32.000 khách khách/ngày như hiện nay, có thể nói dự án chưa phát huy hiệu quả.

Nếu xét về hiệu quả kinh tế, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, doanh thu của Hanoi Metro khi vận hành chính thức tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí vận hành, quản lý tuyến đường sắt này khiến doanh nghiệp lỗ ròng 64 tỷ đồng. Nếu tính lũy kế cả năm 2020, doanh nghiệp đang lỗ tổng cộng 160 tỷ đồng. 

Theo các chuyên gia giao thông, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa hiệu quả là do tính kết nối quá kém. Mặc dù Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã bố trí trên 50 tuyến xe buýt kết nối với 12 nhà ga trên tuyến nhưng theo phản ánh từ người dân, phương tiện xe buýt cũng chưa thực sự tiện lợi, thường chậm trễ vì gặp ùn tắc trên đường. Các tuyến buýt nhanh (BRT) cũng gần như bị vô hiệu hóa trong giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, do thiếu mặt bằng, thiếu cơ sở hạ tầng nên các ga của tuyến đường sắt trên cao vẫn chưa có địa điểm để các phương tiện dừng đón khách, trung chuyển khách. Các điểm trông giữ phương tiện cá nhân tại các ga dọc tuyến cũng chưa cố định và thuận lợi.

Trước mắt, để tăng hiệu quả tuyến đường sắt này, Sở Giao thông Hà Nội đang tiếp tục tăng cường tiếp cận đường sắt đô thị bằng cách tạo không gian đi bộ thông thoáng, tăng cường điểm trông giữ xe quanh nhà ga, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội đã quy hoạch và đang triển khai gồm: Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên); Tuyến số 2 (sân bay Nội Bài - Trần Hưng Đạo); Tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông); Tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai); Tuyến số 4 (Đông Anh - Mê Linh); Tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc); Tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi); Tuyến số 7 (Mê Linh - Dương Nội); Tuyến số 8 (Sơn Đồng - Dương Xá).

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; mua sắm 13 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác là 35km/giờ.
Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD) sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. 
Tuyến đường sắt này được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội vào ngày 6/11 và đưa vào vận hành, khai thác miễn phí 15 ngày đầu. 
Vé tàu được ngân sách Thành phố Hà Nội trợ giá gồm các loại: vé lượt (8.000-15.000 đồng/lượt, tính theo quãng đường đi), vé ngày (30.000 đồng/vé, không hạn chế lượt đi), vé tháng phổ thông (200.000 đồng/vé/30 ngày), vé tháng ưu đãi (100.000 đồng/vé dành cho học sinh, sinh viên), vé mua theo hình thức tập thể (30 người trở lên, 140.000 đồng/vé) và vé miễn phí (người có vé xe buýt miễn phí).

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét