Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

Tỷ phú Vượng đầu tư thêm công ty; Golden Gate bán cơm suất; Viettel Money nhận giải quốc tế

Tỷ phú Vượng đầu tư thêm công ty; Golden Gate bán cơm suất; Viettel Money nhận giải quốc tế

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư công ty mới; Hòa Phát sản xuất thêm hàng gia dụng; Golden Gate đi bán cơm suất bệnh viện; Viettel Money nhận giải quốc tế; Coteccons bước chân sang bất động sản.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty quản lý và đầu tư bất động sản

Ngày 06/10/2022, CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI (VMI JSC) được thành lập, do ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông chính cùng các cổ đông khác, trong đó có Vinhomes.

Ông Phạm Nhật Vượng góp vốn vào VMI JSC bằng hơn 243 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 16,200 tỷ đồng theo thị giá trung bình 50 phiên tính đến 13/09/2022. Như vậy, ông Vượng nắm 90% cổ phần của VMI JSC - công ty có vốn điều lệ 18,000 tỷ đồng. 

VMI JSC cũng sẽ trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn Vingroup. Ông Phạm Nhật Vượng cam kết sẽ duy trì đầu tư và nắm quyền kiểm soát lâu dài tại VMI JSC.

VMI JSC được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội đầu tư bất động sản, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp nhằm tăng thanh khoản và giá trị cho các bất động sản của Vinhomes.

Cụ thể, VMI JSC sẽ đầu tư một số lượng nhất định các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes, sau đó giá trị bất động sản đươc chia thành 50 phần và các khách hàng của VMI có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các nhà đầu tư hợp tác với VMI JSC sẽ được công ty chứng nhận quyền tài sản và được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư.

Ông Phan Thành Long, Tổng Giám đốc VMI JSC chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng với việc ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông chính của VMI JSC, người có bề dày kinh nghiệm trong đầu tư kinh doanh bất động và việc hợp tác chiến lược với Vinhomes, các tài sản đầu tư mà VMI JSC tham gia với khách hàng sẽ không ngừng gia tăng giá trị, mang lại thu nhập bền vững cho nhà đầu tư, đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường thứ cấp sôi động và minh bạch hơn”.

Hòa Phát bắt đầu sản xuất thiết bị lọc nước, lọc không khí

Tập đoàn Hòa Phát – nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á – đã mở nhà máy sản xuất máy lạnh điều hòa và một số thiết bị gia dụng khác với hy vọng sẽ tạo ra doanh thu hàng năm 1 tỷ USD vào năm 2030.

,
Ảnh phối cảnh Nhà máy Điện máy gia dụng Hòa Phát tại Hà Nam.

Tọa lạc ở khu công nghiệp Hòa Mạc thuộc tỉnh Hà Nam, nhà máy của Hòa Phát cũng sẽ sản xuất thiết bị lọc nước và lọc không khí, với công suất hàng năm 1 triệu sản phẩm. Nhà máy mới của Hòa Phát có chi phí đầu tư hơn 1 ngàn tỷ đồng (41.8 triệu USD).

Theo kế hoạch công bố, tháng 10 này, những thiết bị lọc nước đầu tiên sẽ ra mắt thị trường, tháng 11 sẽ cho ra dòng sản phẩm bếp từ, bếp hồng ngoại...

Năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đã thành lập một công ty con để lấn sân sang mảng thiết bị gia dụng. Trước đó, máy lạnh điều hòa Funiki và các sản phẩm khác của Hòa Phát cũng đạt được một số thành công tại Việt Nam. Nhà máy mới sẽ giúp “vua thép” Việt Nam triển khai phát triển sản phẩm và xuất khẩu.

Hiện mảng kinh doanh thép của Hòa Phát đã bước sang bên kia sườn dốc khi giá thép bị ảnh hưởng mạnh bởi Trung Quốc – vốn chiếm 60% sản lượng thép toàn cầu.

Vì tính chu kỳ của ngành thép, Chủ tịch Trần Đình Long đã từng tuyên bố: “Không ai làm thép mãi, Hoà Phát phải đa ngành, M&A bất động sản”.

Coteccons bước chân sang bất động sản

Cotecccons vừa trở thành nhà phát triển dự án The Emerald 68 toạ lạc ở phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, Bình Dương do Tập đoàn Lê Phong làm chủ đầu tư.

,
Sự kiện này được đánh giá là cột mốc mới của Coteccons khi lần đầu tiên lấn sân sang mảng bất động sản.

Sự kiện này được đánh giá là cột mốc mới của Coteccons khi lần đầu tiên lấn sân sang mảng bất động sản với một dự án căn hộ. Trước đó, Coteccons được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Từ khi ông Bolat Duisenov lên làm Chủ tịch HĐQT, Coteccons có nhiều sự thay đổi về định hướng.

Cụ thể, năm 2021 ông Bolat đã vạch ra chiến lược trong 5 năm tiếp theo sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động, mở rộng mảng hạ tầng, tổng thầu (EPC), thiết kế thi công.

Đặc biệt trong đó Coteccons muốn đa dạng hóa mảng kinh doanh, mở rộng ngành nghề xây dựng, hỗ trợ vốn ít nhất cho 2 dự án bất động sản.

Trước Coteccons, thị trường cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng định hướng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản như Hoà Bình, Ricons, Newtecons.

Tập đoàn Lê Phong được biết đến là doanh nghiệp đã triển khai hơn 20 dự án nhà phố thương mại, khu đô thị và căn hộ cao cấp tại thị trường Bình Dương. Với dự án The Emerald 68, ông Bùi Ngươn Phong, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Phong cam kết cùng với Coteccons hoàn thành và bàn giao đúng tiến độ vào quý I/2025. 

Golden Gate đi bán cà phê và cơm suất bệnh viện

Cụm dịch vụ Căng tin - Cà phê - Siêu thị tiện ích Benhvientot.vn (thuộc tập đoàn Golden Gate) mới đây đã có mặt tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

.
Cụm Benhvientot.vn có khả năng cung cấp 4.500 suất ăn dành cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.

Cụm Benhvientot.vn có khả năng cung cấp suất ăn dành cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Bạch Mai với công suất hàng ngày lên tới 4.500 suất ăn, đảm bảo từ 3-6 bữa ăn mỗi ngày cho người bệnh, kể cả cuối tuần, lễ, Tết.

Mỗi suất ăn tại cụm tiện ích này có giá thành dao động từ 35.000 - 55.000 đồng. Danh mục hàng hóa cũng được lựa chọn kỹ hàng từ nhà cung cấp, với mẫu mã đa dạng.

Đặc biệt, cũng tại cụm dịch vụ Benhvientot.vn, Golden Gate đã "hồi sinh" thương hiệu cà phê The Coffee Inn - đơn vị từng được công ty thâu tóm vào tháng 12/2016 nhưng không phát triển mở rộng.

Phía Golden Gate cho biết sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này đến các bệnh viện tuyến cuối tại các thành phố lớn và các địa phương có lưu lượng người khám chữa cao.

Golden Gate hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng hơn 400 nhà hàng ở hơn 45 tỉnh thành. Sau hơn 17 năm kinh doanh lĩnh vực F&B, Golden Gate đang là doanh nghiệp đầu tiên mở cụm dịch vụ căng tin - cà phê - siêu thị tiện ích trong bệnh viện tại Hà Nội.

Lãnh đạo Golden Gate cũng cho biết đã có kế hoạch mở thêm 600 nhà hàng, nâng con số tổng cộng lên trên 1.000 điểm và hướng tới doanh thu 1 tỷ USD trong vài năm tới.

Năm ngoái, Golden Gate thu về 3.318 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 1.241 tỷ, tương ứng giảm 27,2% so với năm 2020. Công ty lỗ sau thuế hơn 430 tỷ đồng, trong khi năm 2020 có lãi hơn 64 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên công ty thua lỗ kể từ năm 2008.

Gần đây, Golden Gate có thêm sự xuất hiện của cổ đông ngoại và sự phục hồi của ngành F&B. Trước đó, gần 33% vốn góp của nhà đầu tư cũ Prosperity Food Concepts và một phần nhỏ vốn góp của hai nhà đồng sáng lập công ty đã chuyển đổi sang cho nhóm cổ đông mới bao gồm Temasek; SeaTown Private Capital và Periwinkle (Singapore).

Viettel Money nhận giải quốc tế về chuyển đổi số

Viettel Money vừa trở thành quán quân giải Excellence Awards 2022, hạng mục "Vươn tầm kết nối" (Beyond Connectivity).

,
Viettel Money hiện có hơn 22 triệu người dùng.

Vượt qua gần 100 bài dự thi đến từ nhiều doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới, Viettel Money là đại diện của Việt Nam thắng giải Excellence Awards năm thứ 15, hạng mục "Beyond Connectivity - Vươn tầm kết nối".

Sự kiện do Diễn đàn chuyển đổi số thế giới Digital Transformation World (TM Forum) tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch) gần đây. Các ứng cử viên tham gia giải này còn có nhiều cái tên lớn như Nokia, Huawei, Vodafone, China Unicom...

Nhận định về giải thưởng, ông Lê Văn Đại, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel chia sẻ: "Chiến thắng cho thấy sự công nhận về vai trò của Viettel Money trong việc nỗ lực phổ cập thanh toán số, tài chính số tới toàn dân, kết nối mọi người dân sinh sống tại khắp các vùng miền trên Tổ quốc, kể cả nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa".

Chuyên đề "Viettel Money - Hệ sinh thái tài chính số hàng đầu" trình bày tại TM Forum nêu các vấn đề, thực trạng, thách thức của thị trường thanh toán số, tài chính số tại Việt Nam. Đại diện Viettel Money cũng phân tích bài toán chuyển đổi hành vi thanh toán tiền mặt sáng thanh toán không tiền mặt, từ đó đưa ra giải pháp cho phép người dân tiếp cận dịch vụ số với số điện thoại, cùng loạt tính năng tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu tài chính số.

Viettel Money hiện có hơn 22 triệu người dùng, trong đó có gần 1,4 triệu tài khoản đã kích hoạt và sử dụng Mobile Money.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét