Những thách thức trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tiếp tục được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội.
Trong ngắn hạn, ngành dệt may chưa thể khắc phục được vấn đề về quy tắc xuất xứ theo quy định của EVFTA, CPTPP |
Xuất khẩu chỉ tăng mạnh trong giai đoạn 2019 - 2026
Việc hội nhập sâu rộng với 15 FTA đang thực thi, bao gồm nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... giúp Việt Nam mở rộng thị trường, thiết lập quan hệ đối tác thương mại với nhiều đối tác chưa có quan hệ FTA, còn dư địa hợp tác lớn.
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ thừa nhận, vẫn còn không ít thách thức trong thực thi hiệu quả các FTA. Thách thức đầu tiên là xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác FTA được dự báo chỉ tăng mạnh giai đoạn 2019 - 2026. Lý do là giai đoạn này, hàng hóa của Việt Nam có giá thấp hơn so với trước khi tham gia các FTA tại thị trường các nước thành viên.
Khi mức độ cắt giảm thuế quan trong FTA càng cao, nguy cơ các nước gia tăng hàng rào thuế quan và phi thuế quan để bảo hộ nền sản xuất trong nước càng cao. Theo đó, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với thực tiễn gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại, chống trợ cấp, tự vệ, chống bán phá giá từ các nước đối tác. Điều này gây cản trở cơ hội tiếp cận và phát triển thị trường, kim ngạch xuất khẩu có nguy cơ giảm trong giai đoạn tiếp theo.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam phải thực hiện cam kết miễn giảm thuế sâu theo các FTA. Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật còn ít, chưa hiệu quả, chưa bảo vệ được sản xuất trong nước.
Thật ra, không phải chờ đến lúc này, mà những năm gần đây, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước, xuất khẩu hàng hóa tăng cao, hàng Việt đã phải đối diện ngày một nhiều các vụ kiện phòng vệ. Tính đến cuối năm 2021, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra từ nước ngoài, nhiều nhất là Mỹ, EU, Ấn Độ, Australia…
Còn nhớ, vài năm trước, ngành sợi bị sụt giảm xuất khẩu nặng nề tại nhiều thị trường chủ lực như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bởi các mã hàng xuất khẩu của ta bị áp thuế cao. Cụ thể, xuất khẩu xơ sợi sang Ấn Độ năm 2020 giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 11 trong các thị trường xuất khẩu xơ sợi của Việt Nam, chỉ còn 41,1 triệu USD, giảm tới 66,6% so với năm 2019.
Thách thức tiếp theo được đề cập nằm ở năng lực cạnh tranh còn hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam. Quy mô xuất khẩu dẫu ngày càng lớn, xuất khẩu sang các thị trường có FTA tăng cao, nhưng 3/4 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đang do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nắm giữ.
Hạn chế trong tận dụng ưu đãi thuế quan
EVFTA, CPTPP là 2 FTA thế hệ mới, nhưng với quy định ngặt nghèo về quy tắc xuất xứ, một số ngành xuất khẩu lớn như dệt may, da giày vẫn khó đáp ứng. Dù đã có một số doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, một số dự án đầu tư sản xuất nguồn nguyên liệu trong nước cho dệt may…, song trong ngắn hạn chưa thể giúp Việt Nam khắc phục được vấn đề này.
Bà Võ Hồng Anh, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho hay, doanh nghiệp Việt có thể hợp tác với các nước đối tác CPTPP. Ví dụ, doanh nghiệp xuất khẩu nguyên vật liệu hoặc sản phẩm sơ chế, sau đó thực hiện gia công hoàn thiện sản phẩm tại nước bạn nhằm thỏa mãn quy tắc xuất xứ.
- Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam
Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 6 tỷ USD. Nhưng tổng thể, mức độ tận dụng các cam kết từ Hiệp định của doanh nghiệp chưa cao.
“Hiệu quả tận dụng cơ hội từ CPTPP của các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng được cải thiện, tuy nhiên, do chưa có chiến lược bài bản rõ ràng, mức độ sẵn sàng chưa cao, nên doanh nghiệp chưa tận dụng tốt các ưu đãi từ CPTPP”, Báo cáo đánh giá.
Với EVFTA - FTA được đánh giá có mức độ thực thi nhanh nhạy và hiệu quả - trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang EU 32,077 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu sang EU 21,76 tỷ USD, tăng 47,4%. Tính trong 2 năm thực thi EVFTA (từ ngày 1/8/2020 đến 31/7/2022), khoảng 18,7 tỷ USD hàng xuất khẩu được cấp C/O mẫu EUR.1 đi 27 nước EU, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Là doanh nghiệp tận dụng tốt hạn ngạch thuế quan để xuất khẩu gạo thơm sang EU, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An thừa nhận, Việt Nam đứng top đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới, nhưng lượng gạo Việt xuất sang EU còn khiêm tốn. Theo cam kết EVFTA, EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan với 80.000 tấn gạo mỗi năm, nhưng các doanh nghiệp chưa sử dụng hết.
Năm 2021, lượng gạo của Việt Nam xuất sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020. Gạo Việt mới chiếm 3,1% tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, quan trọng nhất là phải hiểu rõ thị trường đặt ra tiêu chuẩn gì để tổ chức lại sản xuất cho phù hợp nhu cầu và tiêu chuẩn của họ.
Với dệt may, chỉ cần dùng vải Hàn Quốc là doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ. Vì vậy, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) và Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) đã ký kết hợp tác chiến lược và đặc quyền về dự án vải tái chế. Điều này sẽ giúp hai bên tăng khối lượng và tỷ trọng các sản phẩm mặt hàng dệt kim có nguồn gốc tái chế, sản phẩm thời trang xanh thân thiện với môi trường, phù hợp với đòi hỏi tại nhiều thị trường.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét