Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

Liên kết tiêu thụ nông sản, doanh nghiệp muốn góp vốn cùng HTX

Việc doanh nghiệp góp vốn và cử người tham gia điều hành HTX không chỉ giúp cho HTX hoạt động tốt hơn, mà còn giúp phương thức liên kết giữa doanh nghiệp và HTX thêm chặt chẽ.

Liên kết vùng nguyên liệu còn rời rạc

Ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay, việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu. Nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Hệ thống phân phối nông sản phần lớn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh…

Nguyên nhân của  tình trạng này, theo Vụ Thị trường trong nước, ngoài do sản xuất nông nghiệp manh mún còn xuất phát từ nguyên nhận sản xuất không theo tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logicstics vừa thiếu vừa yếu; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường (đặc biệt là tư duy “rau hai luống, lợn hai chuồng” ) và khả năng hợp tác của nông dân còn yếu…

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn, thu hút được các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia kinh doanh nông sản, đầu tư xã hội cho nông lâm thủy sản chỉ chiếm 6% tổng đầu tư của xã hội. Cơ chế, chính sách ban hành nhiều, nhưng chưa đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chính sách hỗ trợ chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, mang tính cào bằng bình quân.

Đặc biệt, thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững, quá lệ thuộc vào một số thị trường (Trung Quốc là thị trường lớn nhất, hiện chiếm tới 28% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam) do thủ tục đơn giản, chi phí thấp.

Trước những thách thức trên, một trong các giải pháp mà Vụ Thị trường trong nước kiến nghị là phải đẩy mạnh kinh tế trang trại, HTX góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Trong đó, các chính sách hướng đến thúc đẩy HTX tham gia sâu vào liên kết chuỗi giá trị, giúp HTX phát triển các hoạt động có giá trị gia tăng, khuyến khích các hộ nông dân tham gia HTX.

Liên quan tới vấn đề này, tại “Diễn đàn đẩy mạnh liên két vùng - Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã” sáng ngày 26/10, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết sắp tới cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, cùng với nỗ lực của Bộ ngành liên quan, đặc biệt vai trò của HTX sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu đồng bộ căn cơ.

Theo ông Toản, cần xây dựng vùng nguyên liệu theo yêu cầu thị trường, áp dụng được công nghệ hiện đại. Tổ chức lại sản xuất cho người nông dân, doanh nghiệp, khi tham gia liên kết với người nông dân thì phải nhìn ra được nhu cầu thị trường.

Doanh nghiệp góp vốn vào HTX để tăng liên kết

Để hình thành chuỗi liên kết vùng, liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản, quan hệ doanh nghiệp và HTX rất quan trọng. Tuy vậy, mối quan hệ này trên thực tế còn lỏng lẻo, mang tính hình thức, phong trào, khẩu hiệu mà chưa đi vào thực chất, khiến cho việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản đôi lúc còn bỏ ngỏ dẫn đến tình trạng bị tư thương lợi dụng thao túng giá cả thị trường, thậm chí “bẻ gãy” chuỗi liên kết một cách dễ dàng.

Ông Lê Văn Tám, Chủ tịch HĐQT HTX Sông Hồng (Hà Nội) cho biết, hiện nay, các HTX rất mong muốn được liên kết với doanh nghiệp, siêu thị… thậm chí đi bằng chính “đôi chân” của mình để đưa sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn của các thành viên HTX về giấy tờ, cách thức kết nối với các doanh nghiệp đang khiến đầu ra cho các loại nông sản, sản phẩm chế biến sâu chưa được rộng mở.

Còn theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội),  việc đưa nông sản vào siêu thị sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp ổn định đầu ra sản phẩm, tránh điệp khúc “được mùa, mất giá”, nhưng việc này hiện đang gặp khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc thu mua Big C/GO, Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, vấn đề đặt ra lâu nay là HTX thường bán những cái có sẵn nhưng chưa chú trọng đến sản phẩm đặc thù. Có những HTX giới thiệu 15-20 mã hàng những tất cả các mã không có gì đặc thù. Do đó, HTX cần phân loại sản phẩm để đưa vào từng phân khúc phù hợp. Chẳng hạn như hàng loại một đưa vào siêu thị, HTX cần phải làm gì, bao gói ra sao, có phục vụ cả online hoặc offline... “Nếu đáp ứng được những điều trên, siêu thị chắc chắn hợp tác lâu dài với HTX”, bà Mai Phương nói.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn TH cho rằng, để cải thiện mối quan hệ này, việc liên kết giữa HTX và doanh nghiệp cần được nâng lên ở mức độ cao hơn. Theo đó, doanh nghiệp góp vốn, cử người tham gia điều hành HTX nông nghiệp, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát quá trình sản xuất của HTX, điều này không chỉ giúp cho HTX hoạt động tốt hơn, mà còn giúp phương thức liên kết giữa doanh nghiệp và HTX thêm chặt chẽ, phát huy thế mạnh của cả hai bên.

Từ kinh nghiệm của mình, TH cho hay, mỗi khi thực hiện một dự án nông nghiệp, để đảm bảo về nguồn nguyên liệu đầu vào cho dự án, tập đoàn sẽ tiến hành liên doanh, liên kết với người nông dân thông qua mô hình HTX kiểu mới. TH có thể góp vốn và cử người tham gia trực tiếp vào bộ máy quản lý của HTX hoặc tham gia với tư cách đơn vị tư vấn về quản lý, tài chính, vận hành của HTX để giúp HTX vận hành thông suốt, hiệu quả, lâu dài, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng nguyên liệu đầu vào mà các nhà máy chế biến của TH đưa ra.

Với cách làm như vây, Tập đoàn TH đã thành lập và vận hành thành công, có hiệu quả một số mô hình Hợp tác xã nông nghiệp. Với cách làm này, đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của các nông hộ, còn HTX thì tập hợp được quỹ đất đủ lớn để sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, có như vậy mới đảm bảo việc cung cấp đủ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

 Liên quan tới vấn đề này, TS. Trần Đình Thiên thẳng thẳng cho rằng, không tạo vùng lớn thì không có chuỗi nông sản. Có cơ chế liên vùng tốt thì mới đảm bảo liên kết phát triển mạnh được. Tuy vậy, những bất cập về Luật Đất đai hiện tại đang cản trở liên kết vùng. Chuyên gia này kỳ vọng sắp tới khi Luật Đất đai được sửa đổi sẽ giúp giải quyết những nút thắt đó.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét