IPP Air Cargo sắp bay; Tisco 2 có tin tốt; VinFast bàn giao lô sản phẩm chiến lược đầu tiên
VinFast bàn giao lô sản phẩm chiến lược đầu tiên. Tập đoàn MCC sẽ sang Việt Nam làm việc trực tiếp để xử lý vướng mắc dự án TISCO2. T&T Group hợp tác với tập đoàn nhà nước của Cuba.
IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn được đề nghị cấp phép kinh doanh
Bộ Giao thông - Vận tải vừa kiến nghị Thủ tướng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho hãng bay IPP Air Cargo.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết IPP Air Cargo vẫn dự kiến có chuyến bay đầu tiên vào tháng 11. |
Cơ quan này cho biết đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ngành liên quan và cho rằng hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng hàng không của IPP Air Cargo hiện tại phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật.
"Hãng bay này ra đời nhằm mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics, thúc đẩy tăng trưởng vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam", Bộ cho biết.
Sản lượng vận chuyển hàng hóa của IPP Air Cargo dự kiến tăng trưởng bình quân 18-20% mỗi năm.
Hiện tại, Việt Nam chưa có hãng vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Trong khi đó, có đến 47 hãng hàng không có chuyến bay chuyên chở hàng hóa bằng tàu chuyên dụng thường lệ đến Việt Nam.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất với Thủ tướng xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo.
Việc được cấp giấy phép là cơ sở pháp lý quan trọng để IPP Air Cargo có thể tham gia vào khai thác thị trường vận chuyển hàng hóa hàng không. Tuy nhiên, để có thể thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cần có chứng nhận nhà khai thác máy bay AOC sau khi được cấp giấy phép kinh doanh.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết IPP Air Cargo vẫn dự kiến có chuyến bay đầu tiên vào tháng 11. IPP Air Cargo đã hoàn tất thủ tục thuê 4 máy bay B737 800BCF, trong đó có 1 chiếc đã xuất xưởng hồi cuối tháng 7 chỉ chờ hoàn thiện thủ tục, giấy phép để về Việt Nam.
Theo kế hoạch, mạng đường bay nội địa IPP Air Cargo sẽ bắt đầu từ trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Phòng, Quảng Ninh... tới trung tâm vận chuyển hàng hóa Hà Nội, TP HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu...
Lô xe máy điện VinFast Evo200 đầu tiên đã được bàn giao đến tay khách hàng
Đây là lô xe dành cho các khách hàng đặt cọc sớm nhất. Việc bàn giao được tổ chức tại nhà máy VinFast ở huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.
Evo200 được xác định là sản phẩm chiến lược của VinFast. |
Đây là mẫu xe máy điện mới nhất và có khả năng di chuyển xa nhất trong các dòng sản phẩm thế hệ mới của VinFast. Buổi lễ bàn giao có gần 300 khách hàng và đại diện các nhà phân phối, đại lý xe máy điện VinFast từ nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc.
Trước khi nhận xe, khách mời được tham quan tổ hợp sản xuất xe máy điện và tìm hiểu quy trình khép kín, tự chủ hoàn toàn với công suất lên tới 500.000 xe máy điện mỗi năm.
Được đánh giá là mẫu xe "3 nhất": mới nhất - đi xa nhất - giá tốt nhất, Evo200 đã nhanh chóng cán mốc 18.000 đơn đặt hàng chỉ sau 48 giờ nhận đặt cọc và trở thành mẫu xe máy bán chạy nhất kể từ 21-9.
Ông Lê Hoàng Long, Phó tổng giám đốc phụ trách Kinh doanh xe máy điện VinFast cho biết Evo200 là sản phẩm chiến lược của VinFast. Việc cùng lúc tối ưu được cả về công năng lẫn giá cả là minh chứng cho trí tuệ và năng lực làm chủ công nghệ của người Việt.
Để tối ưu chi phí, đảm bảo lợi ích cho khách hàng, VinFast tiếp tục triển khai dịch vụ cho thuê pin đối với VinFast Evo200. Khách hàng có thể đặt mua xe trực tiếp thông qua hệ thống showroom/nhà phân phối VinFast trên toàn quốc hoặc các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee…
Tập đoàn MCC sẽ sang Việt Nam làm việc trực tiếp để xử lý vướng mắc dự án TISCO2
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh vừa có buổi làm việc trực tuyến với Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) về định hướng xử lý các vướng mắc, tồn tại của Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO2).
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh làm việc trực tuyến với MCC |
Tại điểm cầu phía Tập đoàn MCC có ông Trần Cương, Tổng giám đốc Tập đoàn Shanghai Baoye (đơn vị trực thuộc MCC) và đại diện Công ty BERIS Engineering & Research Corporation - công ty con của Baoye, đơn vị trực tiếp triển khai Dự án.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh vào tầm quan trọng cũng như sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với việc tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn đọng tại dự án TISCO2.
Ông đề nghị các bên cùng nỗ lực để xử lý dự án, mong muốn phía MCC trực tiếp có mặt tại Việt Nam để cùng tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng của dự án này.
Đại diện phía MCC, ông Trần Cương, Tổng giám đốc Tập đoàn Shanghai Baoye đã có những phản hồi tích cực trong buổi làm việc, đồng thời hy vọng trong thời gian tới hai bên có thể giải quyết được những bất cập cũ còn tồn tại để hướng tới các bước phát triển mới cho dự án, góp phần thúc đẩy hợp tác tích cực giao thương giữa hai phía Việt Nam - Trung Quốc.
Ông Trần Cương, Tổng giám đốc Tập đoàn Shanghai Baoye, đại diện MCC thống nhất sẽ cử cán bộ sang Việt Nam |
Kết thúc cuộc họp các bên đã đi đến thống nhất về việc MCC sẽ cử cán bộ sang Việt Nam để thực hiện kiểm đếm, đánh giá lại tình trạng trang thiết bị tại hiện trường trong thời gian sớm nhất; đồng thời, sẽ tổ chức buổi đàm phán chính thức tiếp theo trong tháng 10 tới đây thông qua hình thức gặp mặt và làm việc trực tiếp.
TISCO2 là một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương đã được Thủ tướng tích cực chỉ đạo xử lý trong thời gian qua.
Liên quan đến dự án này, ngày 31/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến khảo sát, làm việc và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.
Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được khởi công từ năm 2007, có tổng mức đầu tư ban đầu 3.800 tỷ đồng, nhưng kéo dài tới nay chưa hoàn thành và còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo các báo cáo, vướng mắc chính của dự án liên quan tới tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói).
Trực tiếp đến khảo sát hiện trường, Thủ tướng bày tỏ sự "xót ruột" và "sốt ruột" khi chứng kiến nhiều hạng mục của dự án đang bỏ hoang, nhiều vật tư, thiết bị đã hư hỏng, gỉ sét, nằm phủ bạt ngoài trời nhiều năm nay.
T&T Group hợp tác với BioCubaFarma sản xuất dược phẩm
Việc ký kết hợp tác đã được diễn ra tại Diễn đàn xúc tiến kinh doanh Việt Nam – Cuba.
T&T Group và BioCubaFarma hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vaccine phòng chống dịch bệnh |
T&T Group và BioCubaFarma hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vaccine phòng chống dịch bệnh, virus và các loại cúm khác tại thời điểm hiện tại hoặc tương lai. Bên cạnh đó, cả hai sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất các loại thuốc phòng ngừa và điều trị các loại dịch bệnh, cúm khác nhằm phục vụ nhu cầu tại Việt Nam và xuất khẩu.
T&T Group và BioCubaFarma cũng sẽ hợp tác sản xuất các sản phẩm chuyên sâu điều trị bệnh mạn tính không lây nhiễm (gồm các sản phẩm dược sinh học cải tiến cho bệnh ung thư, bệnh tim mạch, thần kinh…), các sản phẩm có nguồn gốc từ máu, các sản phẩm có nguồn gốc từ sinh học, thuốc gốc, thuốc thử chẩn đoán, thiết bị y tế, sản phẩm công nghệ nông nghiệp, thuốc tự nhiên và cổ truyền.
Ngoài ra, 2 tập đoàn sẽ đồng hành sản xuất và chuyển giao công nghệ sản phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc tự nhiên; chuyển giao các công nghệ phẫu thuật mới cho các bệnh thoái hóa thần kinh.
Cuba được đánh giá là một trong các cường quốc về công nghệ sinh học, đạt nhiều thành tựu lớn như tạo ra vaccine viêm gan B, vaccine điều trị ung thư và thuốc điều trị HIV/AIDS… Đây cũng là nước xuất khẩu vaccine sốt xuất huyết cho hơn 30 quốc gia khác nhau.
Đến nay, Cuba là nước đầu tiên ở khu vực Mỹ Latin - Caribe tự nghiên cứu thành công và đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp 3 loại vaccine ngừa Covid-19 đạt hiệu quả và độ an toàn cao (gồm Abdala, Soberana 2 và Soberana Plus). Cuba cũng được ghi nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em trong nhóm 2-18 tuổi.
Tập đoàn Công nghệ Sinh học và Dược phẩm Cuba (BioCubaFarma) là một tổ chức công nghệ sinh học do Nhà nước Cuba điều hành, được thành lập theo nghị định của Chính phủ Cuba vào năm 2012. Tập đoàn chịu trách nhiệm cho khoảng 50% các hoạt động nghiên cứu của Cuba và cung cấp 757 sản phẩm cho hệ thống y tế quốc gia Cuba.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét