Doanh nghiệp nhà nước vẫn thua lỗ lớn khi đầu tư ra nước ngoài
Năm 2021, vẫn có 30 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước bị lỗ với tổng số lỗ phát sinh trong năm là 335,53 triệu USD, tăng 42% so với số lỗ năm 2020.
Lãi cũng lớn
Theo báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021, mà Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội, tính đến ngày 31/12/2021, có 30 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện đầu tư ra nước ngoài.
Các doanh nghiệp này đã đầu tư vào 137 dự án, với tổng số vốn thực hiện lũy kế tính đến cuối năm 2021 là trên 6.615 triệu USD, bằng 55% số vốn đăng ký.
Unitel là một trong những dự án đầu tư ra nước ngoài thành công của Viettel |
Cũng theo báo cáo này, đáng mừng là, năm 2021, có 88 dự án đầu tư ra nước ngoài phát sinh doanh thu, với tổng doanh thu là 7.786,56 triệu USD, tăng 40% so với năm 2020.
Trong đó, 62 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 810,2 triệu USD, tăng 90% so với năm 2020. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 284,82 triệu USD, tăng 166,3 triệu USD, gấp 2,4 lần năm 2020.
Một thông tin quan trọng khác, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021, số vốn thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài là 509,75 triệu USD. Trong đó, lợi nhuận chuyển về nước là 278,56 triệu USD, chủ yếu là từ các dự án của các tập đoàn, tổng công ty lớn, như PVN (288,34 triệu USD), Viettel (147,12 triệu USD), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (35 triệu USD)…
Như vậy, lũy kế đến ngày 31/12/2021, có 62 dự án đầu tư ra nước ngoài của 14 doanh nghiệp đã phát sinh thu hồi vốn đầu tư, với tổng số vốn đã thu hồi lũy kế là 3.641,43 triệu USD (bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là 1.744,5 triệu USD), bằng 55% tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài.
PVN là đơn vị có số vốn thu hồi lớn nhất, là 2.631,62 triệu USD (chiếm 72% tổng số vốn đã thu hồi của khối các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước). Đứng thứ hai là Viettel, với 853,41 triệu USD (chiếm 23%). Số vốn đã thu hồi của 2 doanh nghiệp này chiếm 95% tổng số vốn thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp.
Đánh giá về tình hình đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cho rằng, nhiều dự án có “chuyển biến tích cực”, với doanh thu và lợi nhuận tăng so với năm 2020 (tương ứng tăng 40% và 90%). Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam cũng tăng so với năm 2020 (gấp 2,4 lần năm 2020). Kết quả thu hồi vốn về Việt Nam của các dự án tăng mạnh so với năm 2020 (tăng 261 triệu USD, gấp 2 lần năm 2020).
Điều quan trọng, bên cạnh hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài còn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội với chính quyền và nhân dân tại địa bàn dự án…, góp phần giữ vững, nâng cao uy tín, thúc đẩy quan hệ về kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao và đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư.
Nhưng lỗ cũng nhiều
Kết quả sản xuất - kinh doanh, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước là tích cực. Tuy nhiên, ở góc độ khác, cũng phải thấy rằng, bên cạnh các dự án có báo cáo có lãi, vẫn có 30 dự án bị lỗ với tổng số lỗ phát sinh trong năm là 335,53 triệu USD, tăng 42% so với số lỗ của các dự án báo lỗ năm 2020.
Trong đó, số lỗ từ các dự án trong lĩnh vực viễn thông chiếm tỷ trọng lớn nhất, với trện 293 triệu USD.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 31/12/2021, vẫn còn 44 dự án có lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 1.335,10 triệu USD. Như vậy là giảm 2 dự án nhưng tăng 164,04 triệu USD so với năm 2020.
Sự biến động về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, an toàn... tại các địa bàn đầu tư; một số lĩnh vực đầu tư có độ rủi ro cao (tìm kiếm thăm dò dầu khí, khai thác khoáng sản...); các cơ chế, chính sách, pháp luật tại quốc gia đầu tư thay đổi, thậm chí còn chưa minh bạch, nội dung thiếu nhất quán; khả năng dự báo và xây dựng dự án đầu tư còn hạn chế, chưa lường hết các vấn đề phát sinh... là những yếu tố được Chính phủ cho rằng đã ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả của dự án. Chính vì vậy, Các dự án đầu tư ra nước ngoài có lỗ phát sinh, lỗ lũy kế tiếp tục tăng.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội thúc đẩy quan hệ ngoại giao cấp Nhà nước giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước (như tại Lào, Campuchia, Myanmar) để kiến nghị nước sở tại có chính sách ưu đãi, đầu tư nhất quán, minh bạch, tạo môi trường đầu tư ổn định, an toàn cho các doanh nghiệp Việt Nam…
Bên cạnh đó, Chính phủ cho rằng, cần chú trọng hơn về tái cấu trúc hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong tổng thể thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài, thu lợi nhuận về nước của doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét