Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

Công nghệ, bảo hiểm, dược phẩm là 3 ngành có mức tăng lương cao nhất 2022

Công nghệ, bảo hiểm, dược phẩm là 3 ngành có mức tăng lương cao nhất 2022

Theo Báo cáo kết quả khảo sát lương, thưởng, phúc lợi Talentnet-Mercer năm 2022, nhóm ngành Tài chính-Phi ngân hàng có mức thưởng cao nhất, tăng 1,7 lần so với năm 2021 ở mức 43% lương cơ bản năm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Talentnet chia sẻ: “Thu hút và giữ chân nhân tài chưa bao giờ là bài toán cũ đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên “đề bài này” sẽ được thay đổi liên tục theo bối cảnh kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh mới, người lao động không chỉ mong muốn lương cao hay công việc ổn định, họ mong mỏi một chính sách toàn diện, bình đẳng giữa tất cả nhân viên nhưng cũng được cá nhân hóa theo đúng nhu cầu của họ. Chính vì thế, doanh nghiệp càng hiểu rõ về thị trường lao động, cập nhật xu hướng nhân sự khu vực và tái thiết kế được những chính sách lương thưởng hiệu quả và bền vững sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp có được một chiến lược nhân tài thức thời hơn”.

Bà Thanh Hương – Phó Tổng giám đốc Talentnet chia sẻ tại sự kiện công bố Báo cáo lương, thưởng Talentnet – Mercer 2022.

Doanh nghiệp Việt giảm lương, doanh nghiệp nước ngoài tăng nhẹ

Xu hướng tăng lương của thị trường Việt Nam có đấu hiệu tăng trở lại do tình hình kinh tế hồi phục hậu Covid. Theo báo cáo, năm 2022, ngân sách tăng lương của các doanh nghiệp đa quốc gia tăng nhẹ 0,2% so với năm ngoái. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam lại giảm 0,3%. Dự đoán xu hướng tăng lương năm 2023 của các DN đa quốc gia và DN Việt Nam sẽ không có sự chênh lệch và đều tăng trưởng so với 2022 và ở mức 7,1%.

Báo cáo kết quả khảo sát 2022 cũng chỉ ra top 3 nhóm ngành có mức lương tăng lương cao là Công nghệ cao (tăng 8,88%), Bảo hiểm (tăng 8,2%) và Dược phẩm (tăng 7,6%), phản ánh rõ nét nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam đặc biệt sau đại dịch Covid-19 khi mối quan tâm của người tiêu dùng và doanh nghiệp nghiêng về việc bảo vệ sức khỏe và ứng dụng công nghệ.

Trong khi đó, nhóm 3 ngành có mức tăng lương thấp nhất vẫn là Dầu khí (tăng 3,6%), Sản xuất (6,1%) và Bán lẻ (tăng 6,2%). Cả hai ngành Bán lẻ và Sản xuất đang thuộc nhóm ngành nghề có tỷ lệ nghỉ việc cao nhưng mức tăng lương vẫn chưa cạnh tranh so với các ngành nghề khác.

Tài chính tiếp tục là ngành thưởng nhiều nhất năm 2022

Theo kết quả khảo sát 2022, mặt bằng chung mức trả lương ở các công ty Việt Nam thấp hơn các công ty đa quốc gia là 31%, trong khi nếu so sánh tổng thu nhập thì khoảng cách này thu hẹp lại với 22% do các doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt hơn trong việc bổ sung các chính sách cổ phần, cổ phiếu… vào các hoạt động nhân sự nhằm giữ chân nhân tài. 

Về tỉ lệ thưởng, tương tự năm 2020 và 2021, các doanh nghiệp trong lĩnh vực Tài chính bao gồm: ngân hàng và phi ngân hàng (gồm các công ty cho vay tiêu dùng, quỹ đầu tư, chứng khoán, quản lý quỹ,…) là nhóm ngành có tỷ lệ thưởng dự kiến cao nhất trong năm 2022, tỷ lệ thưởng dao động từ 43% đến 20,8% lương cơ bản năm. Lĩnh vực có mức thưởng dự kiến cao thứ 3 là nông nghiệp, với tỷ lệ thưởng là 20.3% lương cơ bản năm. Đáng chú ý, tỷ lệ thưởng của nhóm phi ngân hàng tăng 1,7 lần so với năm 2021, nằm ở mức rất cao 43% lương cơ bản năm vì nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao hậu Covid.

Trong khi đó, nhóm ngành có tỷ lệ thưởng dự kiến thấp nhất là bán lẻ (10,9%), tái tạo năng lượng (14,2%) và vận tải & hậu cần (15,4%). Vận tải & hậu cần cũng là ngành có tỷ lệ thưởng nằm trong nhóm thấp nhất năm 2020 và 2021.

96% người lao động muốn doanh nghiệp theo đuổi phát triển bền vững

Tại sự kiện, bà Godelieve van Dooren, Giám đốc Điều hành thị trường phát triển khu vực Đông Nam Á, Mercer chia sẻ, người lao động đang tìm kiếm những trải nghiệm mới trong công việc. Cụ thể, thay vì những nhu cầu về mặt tâm lý như công việc có ý nghĩa, được cống hiến, được ghi nhận hay đạt được những thành tựu nhất định, người lao động gần đây đang đòi hỏi những nhu cầu toàn diện hơn về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, sức khỏe tài chính. Họ mong muốn một công việc lành mạnh toàn diện và sẵn sàng nghỉ việc nếu công việc đó không cho phép họ theo đuổi lối sống hạnh phúc. Ví dụ, theo khảo sát của Mercer, 42% người lao động sẽ nghỉ việc nếu doanh nghiệp không cho phép làm việc từ xa lâu dài.

Bà Godelieve van Dooren chia sẻ, người lao động hiện tại mong muốn ‘lifestyle contract’, đòi hỏi doanh nghiệp tôn trọng những nhu cầu toàn diện về sức khỏe, hạnh phúc và sự phát triển bền vững.

Khảo sát của Mercer cũng cho thấy 96% người lao động muốn doanh nghiệp theo đuổi chương trình phát triển bền vững và có xu hướng lựa chọn làm việc cho các công ty ưu tiên sự bền vững gấp 2 lần các công ty bình thường. Tuy nhiên, chỉ có 25% lãnh đạo cho rằng doanh nghiệp của họ đang thực sự quan tâm đến ESG hay phát triển bền vững. Điều này cũng hối thúc phòng nhân sự có những thay đổi cần thiết để tạo nên những sáng kiến ESG gắn liền với định vị giá trị nhân viên (Employee Value Proposition).

Khảo sát lương, thưởng Talentnet – Mercer 2022 ghi nhận sự gia tăng về số lượng vị trí và người lao động tham gia so với năm 2021, với hơn 3.300 vị trí đến từ hơn 483.000 người lao động trên khắp Việt Nam và có thêm một ngành mới tham gia khảo sát: ngành tái tạo năng lượng.

Năm 2022 cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng doanh nghiệp tham dự, nhiều hơn 15 doanh nghiệp so với năm 2021. Điều này chứng tỏ, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư hơn vào chiến lược nguồn nhân lực thông qua xây dựng chính sách lương, thưởng hợp lý, hấp dẫn sau hai năm đại dịch COVID-19.

Tìm hiểu thêm về báo cáo khảo sát tại đây: https://bit.ly/3RCtt0I

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét