Chất lượng quyết định lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang EU
Doanh nghiệp Việt không nên quá lo lắng mất lợi thế cạnh tranh khi EU tăng tốc đàm phán FTA với các quốc gia trong ASEAN, việc cần làm là nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa.
Gạo của Lộc Trời đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất mà thị trường châu Âu yêu cầu và vào được hệ thống bán lẻ tại Pháp. |
Thương mại 2 chiều Việt Nam - EU tăng tốc mạnh mẽ kể từ khi Hiệp định Thương mại tựu do Việt Nam-EU (EVFTA) đã đi vào thực thi vào tháng 8/2020.
Trong năm thứ hai thực thi EVFTA (từ tháng 8-2021 đến 7-2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực. Trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu đạt 16,4 tỷ USD, tăng 0,2%.
9 tháng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công thương), EVFTA có hiệu lực hơn 2 năm, được đánh giá là FTA được tận dụng tốt nhất trong những năm đầu thực thi, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được thảo thuận, gỡ vướng để doanh nghiệp 2 nước thực thi được hiệu quả, nhuần nhuyễn hơn.
"Chúng tôi đã và đang tiếp tục phối hợp với phía EU thảo luận, xử lý những vướng mắc gỡ khó cho doanh nghiệp thực thi FTA này thông qua nhiều cuộc họp với các Ủy ban hàng hóa, hải quan... từ đó đã phần nào xử lý được các vấn đề nổi cộm", ông Khanh nói.
Thương mại tăng trưởng mạnh nhưng theo đánh giá của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp Việt hiểu biết đầy đủ về các FTA trong đó có EVFTA hiện còn khiêm tốn. Do đó, dư địa để tìm hiểu sâu, hiểu kỹ để tận dụng EVFTA hiệu quả hơn nữa còn rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng xuất khẩu, nhất là với các khối ngành hàng mà thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu lớn như nông thủy sản, hàng dệt may, giày dép, điện tử, máy tính...
Thực tế, dù đã có nhiều ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang EU như dệt may, điện thoại, thủy sản nhưng thị phần của các ngành hàng này tại EU vẫn còn rất nhỏ, trong đó thủy sản mới hơn 4%, cà phê 6%, gạo mới đạt 2%, dệt may hơn 4%...
Với đặc điểm thương mại song phương có sự bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp, lại là một trong không nhiều quốc gia có FTA với EU (trong ASEAN hiện chỉ có Singapore và Việt Nam đã ký FTA với EU), nhưng trong tương lai, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia trong ASEAN trong xuất khẩu hàng hóa sang EU, nhất là nhóm hàng điện tử, linh kiện, dệt may và hoa quả nhiệt đới do EU đang đẩy nhanh đàm phán FTA song phương với Thái Lan, Indonesia, Philippines.
Ông Khanh cho rằng, cũng không quá lo ngại việc bị mất lợi thế cạnh tranh nếu một số quốc gia trong khu vực đang đàm phán FTA với EU bởi nếu tính từ khi khởi động đàm phán cho tới khi kết thúc, ký kết và phê chuẩn hiệp định để đi vào thực thi là khoảng thòi gian không thể ngắn, có thể lên tới gần chục năm, như Việt Nam mất 8 năm.
"Việc cần làm là các ngành sản xuất của Việt Nam cần tranh thủ để tận dụng được cơ hội của quốc gia đã có FTA với EU để thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hóa, tăng tận dụng ưu đãi nhờ đáp ứng quy tắc xuất xứ, đầu tư chuẩn hóa sản xuất theo hướng giảm phát thải, xanh sạch và bền vững, sản phẩm thân thiện...để kéo người tiêu dùng châu Âu mua hàng từ Việt Nam nhiều hơn", ông Khanh lưu ý.
Nêu kinh nghiệm từ một số doanh nghiệp thâm nhập thị trường EU nhanh nhạy và bài bản, ông Khanh dẫn chứng, các doanh nghiệp có thể học hỏi kinh nghiệp từ Lộc Trời trong việc đầu tư vùng sản xuất, chế biến để xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU, hay Phúc Sinh, Vĩnh Hiệp xuất khẩu cà phê...
Trong thời gian tới, lạm phát có thể gây khó khăn cho xuất khẩu, do các thị trường trong EU thắt chặt hi tiêu, nhưng đặt trong bối cảnh sản xuất nội khối của EU chững lại do khó khăn về đầu vào, thiếu nguyên nhiên liệu, việc Việt Nam có FTA đang là một lợi thế đáng kể, tạo cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét