Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Cách thức để doanh nghiệp tránh “bẫy” lừa xuất khẩu

Có tới 52% doanh nghiệp Việt Nam từng bị lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế. Con số này cao hơn mức 46% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% toàn cầu.

Vụ 76 container hạt điều của doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Italia suýt bị đối tác lừa đảo để lại nhiều bài học

Số vụ lừa đảo gia tăng

Vụ 76 container hạt điều của 6 doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Italia, trị giá hàng chục triệu USD suýt bị đối tác lừa đảo hồi đầu năm nay là điển hình của bẫy lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trong thương mại quốc tế.

Sau gần 5 tháng được sự hỗ trợ của Chính phủ và nhiều cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã lấy lại được toàn bộ hàng hóa, không bị trả giá quá đắt về tài chính, nhưng thiệt hại tinh thần, thời gian, uy tín sau vụ việc là không nhỏ. Vụ việc này cũng là bài học trong kinh doanh xuất nhập khẩu khi mà giao thương quốc tế giữa doanh nghiệp Việt với đối tác ngoại ngày càng gia tăng.

Quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế Việt Nam đã xấp xỉ 670 tỷ USD vào năm 2021, trong đó xuất khẩu trên 336 tỷ USD, với 35 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD) và 33 thị trường xuất khẩu trị giá trên 1 tỷ USD. 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu đạt 250,8 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Việt Nam đã đứng trong Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Nhưng mặt trái của quy mô thương mại phình to là nguy cơ bị lừa đảo trong các giao dịch quốc tế gia tăng. Doanh nghiệp Việt cũng không đứng ngoài các “bẫy lừa” được giăng ngày một tinh vi.

Theo số liệu của Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu, các doanh nghiệp trên thế giới thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Tỷ lệ doanh nghiệp là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong 2 năm trước thời điểm khảo sát khá cao (năm 2020 là 47%, năm 2021 là 46%). Về phân loại lừa đảo, có 43% từ bên ngoài, 31% từ nội bộ, 26% thông đồng giữa trong và ngoài.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ Hãng kiểm toán PwC Việt Nam ghi nhận, cứ 2 doanh nghiệp được hỏi, thì 1 doanh nghiệp cho biết đã từng có trải nghiệm bị lừa đảo thương mại quốc tế. Đây là con số thực sự đáng báo động. Đáng lưu ý là, con số này cao hơn mức 46% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.

Quá tin tưởng vào môi giới xuất khẩu

Vì sao doanh nghiệp Việt dễ dính bẫy lừa trong giao dịch thương mại quốc tế, dù đã tham gia xuất khẩu không ít? Sự cả tin, thiếu hiểu biết với các tập quán kinh doanh quốc tế hay trình độ doanh nghiệp còn hạn chế?

Thực tế, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, 2 FTA đang đàm phán, doanh nghiệp Việt làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau, thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn.

Theo ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc Kinh doanh, Công ty cổ phần Phúc Sinh - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê, hạt tiêu cho biết, Phúc Sinh đã từng thoát bẫy lừa trong gang tấc với 37 container hạt tiêu trị giá khoảng 3 triệu USD. Hàng đã giao đi, nhưng khi đối tác thúc  gửi vận đơn, kiểm tra lại thông tin, Phúc Sinh thấy có dấu hiệu lừa đảo và đã có giải pháp xử lý ngay, nhờ đó không trở thành nạn nhân của lừa đảo.

Nhìn từ vụ việc 76 container hạt điều suýt bị lừa, có thể thấy, doanh nghiệp sau 2 năm chịu tác động bởi đại dịch đã quá nôn nóng xuất khẩu lượng nhân điều lớn khi được doanh nghiệp môi giới tiếp cận để kết nối mua hàng. Ở đây, do quá cả tin vào doanh nghiệp trung gian, vốn là doanh nghiệp từng có thâm niên môi giới xuất khẩu gần 15 năm, nên doanh nghiệp xuất khẩu đã đặt toàn bộ niềm tin mà bỏ qua các bước kiểm chứng lại thông tin về đối tác nhập khẩu, đồng thời lựa chọn phương thức thanh toán nhiều rủi ro (nhờ thu hộ), mà không yêu cầu nhà mua hàng đặt cọc.

Tham tán Công sứ, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italia, ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng, dù tín nhiệm đối tác trung gian tới đâu, các nhà xuất khẩu cũng không nên bỏ qua bước tự xác minh đối tác (hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính), thậm chí nên nhờ đại diện cơ quan thương mại Việt Nam tại nước sở tại kiểm tra giúp thông tin về nhà nhập khẩu.

Từ vụ việc của các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhấn mạnh, trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng, song doanh nghiệp cần kiểm tra đối tác một cách độc lập, tìm hiểu kỹ về nhu cầu thị trường. Từ trước tới nay, Italia nhập khẩu hạt điều của Việt Nam rất ít, vậy mà lần này, họ mua một lần tới 76 container, lại là hàng cao cấp nhất, thì cần phải xem xét lại. Đây chính là cái “bẫy” với doanh nghiệp.

Trong các giao dịch thương mại quốc tế, doanh nghiệp Việt cần chủ động xác minh đối tác trước khi nhờ các đơn vị khác kiểm tra. Với các hợp đồng lớn, có thể sang tận nơi để biết rõ về đối tác; nếu nhờ qua môi giới, thì phải đề nghị được giao dịch trực tiếp, không được ủy thác toàn bộ qua môi giới. Có thể nhờ Thương vụ để kiểm chứng thông tin về nhà nhập khẩu.

Thương vụ Việt Nam tại Italia

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét