Đặt mục tiêu doanh nghiệp tư nhân đóng góp 15% GDP vào năm 2025, VCCI muốn nhận thêm việc
VCCI muốn được giao thêm nhiệm vụ tại Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
VCCI đề nghị ghi rõ mục tiêu có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp vào năm 2025. |
Đến năm 2025, doanh nghiệp tư nhân đóng góp 15% GDP, có 10 tập đoàn tư nhân quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp
Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.
“Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế của đất nước”, VCCI viết trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo VCCI, năm 2025 là một điểm mốc cực kỳ quan trọng, chỉ còn cách mục tiêu năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao có 5 năm và cách mục tiêu năm 2045, gia nhập nhóm các quốc gia phát triển là 20 năm (theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII).
Nhưng đây cũng là lý do cộng đồng doanh nghiệp mong chờ một nghị quyết Chính phủ về phát triển doanh nghiệp cả nhiệm kỳ, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển doanh nghiệp cần bám sát và hướng đến tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu quan trọng này trong các nhiệm kỳ tiếp theo.
Cụ thể, VCCI đề nghị cân nhắc sử dụng một số mục tiêu cụ thể, đưa vào Nghị quyết.
Một là, doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP. Hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP.
Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ.
Hai là, thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Cụ thể, đến năm 2025, chuyển đổi ít nhất 10% số hộ kinh doanh có đăng ký chính thức sang thành doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Ba là, doanh nghiệp phát triển theo hướng phát triển bền vững: Đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.
Bốn là, tăng cường tỷ lệ nội địa hoá, năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất: Tỷ lệ nội địa hoá các ngành tăng thêm 10% tới năm 2025.
Năm là, tăng cường chất lượng nhân lực: Đến năm 2025, tỷ lệ lao động có kỹ năng tăng 10 bậc so với hiện tại theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF (hiện Việt Nam xếp hạng 93/141 quốc gia); tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.
Sáu là, phát triển kinh tế số: doanh thu từ kinh doanh số của các doanh nghiệp tăng trung bình ít nhất 10% mỗi năm. Số lượng doanh nghiệp có chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ tăng trung bình 10% mỗi năm.
Bảy là, đẩy mạnh khai thác ưu đãi của các FTA: Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA đạt 40-45%.
Hiện nay, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan trung bình theo các FTA của Việt Nam khá khiêm tốn, năm vừa qua chỉ đạt 32,7%. Cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan, bởi đây là khía cạnh lợi ích dễ hiện thực hóa nhất của các FTA từ góc độ doanh nghiệp.
Bổ sung nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước sửa đổi điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 2%
Để thực hiện các mục tiêu trên, VCCI cho rằng, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp đặc biệt trông vào nhóm giải pháp “tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước” mà Dự thảo đưa ra.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, việc tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi 2% theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP là khá khó khăn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế gần như không tiếp cận được. Trong khi đây là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch, doanh nghiệp rất mong chờ và kỳ vọng có thể tiếp cận được vốn tín dụng.
“Đề nghị bổ sung nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để sửa đổi quy định về điều kiện tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi 2% này để chính sách thực sự đến được với doanh nghiệp”, VCCI kiến nghị.
Liên quan đến Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI cũng đề nghị cần có cơ chế tăng quy mô vốn cho Quỹ ngoài việc tiếp nhận và quản lý nguồn vay từ ngân sách, thiết lập các chế độ phù hợp để kêu gọi các nguồn tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác từ các tổ chức, cá nhân…
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vay vốn của Quỹ dễ dàng hơn như điều kiện yêu cầu tài sản thế chấp, hạn mức vay, lãi suất… Vấn đề các doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu tài sản thế chấp nên Quỹ cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong nhóm giải pháp “Khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước”, VCCI đề nghị bổ sung thêm cho Bộ Công thương nhiệm vụ “hỗ trợ thiết lập các kênh phân phối ổn định, thông suốt, tin cậy đặc biệt đối với các sản phẩm nông sản”; kịp thời xử lý các vướng mắc nhằm giảm bớt, tiến tới khắc phục các bất cập trong hoạt động logistics xuất khẩu, đặc biệt đối với nông sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long và biên giới với Trung Quốc; triển khai thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ liên quan đến theo dõi chặt chẽ các yêu cầu, điều kiện, thủ tục xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, thông tin và hướng dẫn kịp thời cho nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản; Thúc đẩy, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế đối với nông sản Việt Nam (phối hợp với Bộ Công thương)...
Đặt trọng tâm vào nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, VCCI đề nghị được giao thêm việc
Về dài hạn, VCCI vẫn tiếp tục đặt trọng tâm vào nhóm giải pháp “hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính”, đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý nhà nước tạo môi trường thuận lợi và thủ tục nhanh chóng, thuận tiện cho các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI đề xuất xem xét giao thêm một số nhiệm vụ.
Cụ thể, VCCI muốn nhận nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tham vấn góp ý chính sách pháp luật; tập hợp và phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, phản ánh và báo cáo kịp thời cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan.
Đẩy mạnh hoạt động định hướng, vận động xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Tăng cường kết nối doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp tham gia xây dựng và triển khai các quy hoạch, các liên kết kinh tế vùng và địa phương.
Ngoài ra, với các nhiệm vụ liên quan tới kích cầu, mở rộng thị trường trong nước, quốc tế, việc triển khai cần có sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI và các hiệp hội.
Trong một số trường hợp nhất định, sự tham gia của Nhà nước là không thích hợp với thông lệ và quy tắc quốc tế (ví dụ trong ứng phó với các biện pháp phòng vệ…).
Vì vậy, các nhiệm vụ được đề nghị bổ sung thêm có nội dung chủ động triển khai, phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu dùng nội địa ở tầm quốc gia, khu vực, ngành hàng; tổ chức, hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia vào chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình bình ổn giá, giảm giá, kích cầu tiêu dùng theo từng ngành hàng, từng thời điểm…;
VCCI cũng mong muốn được tham gia vào các cơ chế song phương và đa phương quan trọng trong khu vực và trên thế giới; phân tích, đánh giá nhu cầu, xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ về thông tin, đào tạo năng lực, tư vấn… cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng các cam kết ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do, tận dụng các lợi thế từ các hiệp định này để có được nguồn cung nhập khẩu giá tốt, thu hút các đơn hàng quốc tế quay trở lại Việt Nam, và có vị thế tốt hơn trong cạnh tranh với các đối thủ ở thị trường nước ngoài...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét