Hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đã, đang có kế hoạch thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam, song thách thức đặt ra là khả năng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ảnh minh họa (internet) |
Hàng loạt trung tâm R&D được thành lập
Việt Nam đang là “công xưởng” sản xuất công nghệ của thế giới với hàng loạt nhà máy lớn của Samsung, LG, Intel, Foxconn, Xiaomi… Trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, nhiều tập đoàn đã thực hiện các hoạt động R&D với quy mô như những phòng thí nghiệm. Nhưng thời gian gần đây, cùng với làn sóng FDI trong lĩnh vực công nghệ và dịch chuyển sản xuất điện tử, các “ông lớn” đều đã thiết lập trung tâm R&D tại Việt Nam.
Đáng chú ý nhất là Trung tâm R&D của Samsung Việt Nam có quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD, 3.000 kỹ sư làm việc cùng lúc tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Với trung tâm này, Samsung mong muốn, năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam sẽ được nâng tầm, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), 5G…, tạo tiền đề để Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Mới đây, Panasonic cũng cho biết sẽ mở rộng đầu tư, thành lập trung tâm R&D tại Việt Nam. Ông Marukawa, đại diện Công ty TNHH Panasonic Việt Nam thông tin, Panasonic đang thành lập Trung tâm Sản xuất và Nghiên cứu phát triển các thiết bị IAQ (giải pháp chất lượng không khí trong nhà) cho thị trường châu Á tại tỉnh Bình Dương; thành lập Trung tâm Sản xuất và nghiên cứu phát triển các sản phẩm máy giặt, tủ lạnh thông minh cho thị trường châu Á tại Hưng Yên và Hà Nội.
“Chúng tôi cũng mở rộng Trung tâm Nghiên cứu phát triển IoT tại Hà Nội để phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ IoT, AI, giải pháp nhà máy số thông minh và rất nhiều phần mềm ứng dụng trí thông minh nhân tạo khác”, ông Marukawa nói.
Trong khi đó, Tập đoàn Bosch đã thiết lập Trung tâm R&D công nghệ và phần mềm đầu tiên ở Đông Nam Á, đặt tại TP.HCM từ 12 năm trước. Đến năm 2014, Bosch thành lập thêm Trung tâm R&D công nghệ ô tô tại đây. Hiện tại, Bosch có kế hoạch mở rộng quy mô mảng công nghệ phần mềm với hơn 6.000 kỹ sư R&D phần mềm vào năm 2025; mở rộng sản xuất và đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mới.
Ngoài ra, hàng loạt “ông lớn” công nghệ khác cũng đã và đang thiết lập trung tâm R&D tại Việt Nam, như LG đặt Trung tâm R&D tại Đà Nẵng, Grab mở Trung tâm R&D tại TP.HCM; Acronis tính chuyện đầu tư 100 triệu USD thành lập Trung tâm R&A tại Việt Nam; Qualcomm cũng đã thành lập phòng thí nghiệm duy nhất của mình ở Đông Nam Á, đặt tại Hà Nội…
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, thời gian qua, Nhà nước đã triển khai giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý, có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện R&D và đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, đã đầu tư mạnh mẽ, thành lập các trung tâm R&D hiện đại, quy mô lớn và đã đạt được những thành công bước đầu rất khả quan.
Tìm nguồn nhân lực chất lượng cao
Đầu tư thiết lập các trung tâm R&D sẽ là xu hướng chủ đạo khi sản xuất công nghệ cao, sản xuất điện tử đang ngày càng mở rộng tại Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, Việt Nam có đủ nguồn nhân lực cho những trung tâm R&D này không?
Ông Thiều Phương Nam, CEO Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia chia sẻ, khi Qualcomm mới vào Việt Nam và khi mở trung tâm R&D đầu tiên tại Hà Nội, Tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ sư công nghệ… Theo ông Nam, nguồn lực chất lượng cao vẫn là một bài toán với Việt Nam, đặc biệt là lao động có trình độ công nghệ và am hiểu về IoT hay AI, blockchain…
Còn với Panasonic, ông Marukawa chia sẻ: “Một trong những thách thức mà chúng tôi đang đối mặt là thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là trong mảng công nghệ thông tin, AI, thiết kế... Đây là nhân tố cốt lõi quyết định sức cạnh tranh trong tương lai cho cả Việt Nam cũng như Panasonic”.
Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn Bosch tại Việt Nam cũng cho hay, doanh nghiệp gặp thách thức lớn khi lực lượng nhân sự tuyển dụng trực tiếp từ thị trường chỉ đáp ứng được 60 - 80% về số lượng và chất lượng. Riêng ở mảng kỹ thuật cao và công nghệ ô tô, tỷ lệ này còn thấp hơn.
Theo đại diện Tập đoàn Bosch, nguồn lao động chất lượng cao là điều Việt Nam còn thiếu để hiện thực hóa mục tiêu trở thành điểm đến của những dự án mang hàm lượng công nghệ cao. Doanh nghiệp này khuyến nghị Chính phủ tiếp tục cải thiện lĩnh vực dạy nghề, đồng thời khẳng định, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ trong việc chuẩn bị lực lượng lao động nhằm đón bắt những cơ hội trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Rõ ràng, nhân lực đang là thách thức lớn cho hoạt động thu hút các dự án xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam. Nếu không sớm có giải pháp, chiến lược, kế hoạch để khắc phục điều này, thì các tập đoàn lớn sẽ từ bỏ dự án đầu tư, hoặc di chuyển sang các nước khác và Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội rất lớn để trở thành trung tâm công nghệ của châu Á và thế giới.
- Ông Thiều Phương Nam, CEO Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia
0 nhận xét:
Đăng nhận xét