Nếu không có cơ chế để mở rộng các nguồn thu khác thì khi tự chủ đại học, gánh nặng học phí sẽ đè lên vai của sinh viên, phụ huynh.
Một số ý kiến lo ngại khi tự chủ đại học đồng nghĩa với việc đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm, sức ép chi phí sẽ khiến các trường buộc phải tăng quy mô tuyển sinh, tăng học phí. Nếu không có cơ chế để mở rộng các nguồn thu khác thì gánh nặng học phí sẽ đè lên vai của sinh viên, phụ huynh.
Nghịch lý
Hiện nay, cả nước có tổng cộng 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2 điều 32 Luật Giáo dục đại học (không tính các trường đại học thuộc khối công an, quân đội; các trường đại học quốc tế).
Nếu không có cơ chế để mở rộng các nguồn thu khác thì khi tự chủ đại học, gánh nặng học phí sẽ đè lên vai của sinh viên, phụ huynh. |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số 36 trường đại học tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có 11 trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư (nhóm 1), tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) và 25 trường tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3).
Từ 2018 đến 2021, tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đa phần tăng lên, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh ở mức tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý.
Đối với 23 trường tự chủ theo nghị quyết 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%, thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.
Thu nhập của giảng viên, người lao động đã tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước. Lương, thu nhập tăng thêm và phúc lợi trung bình tăng 20,33% so với trước tự chủ.
Một số cơ sở giáo dục đại học thu nhập tăng thêm đáng kể so với lương cơ bản, trong đó Trường đại học Hà Nội tăng thêm 100%, Trường đại học Kinh tế TP.HCM tăng thêm 75%, Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội tăng thêm 70%, Trường đại học Kinh tế quốc dân tăng thêm 60%...
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguồn thu của các trường đại học hiện nay chủ yếu vẫn là từ học phí. Các nguồn thu từ dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp.
Cũng bởi thế mà nhiều người e ngại, khi thực hiện tự chủ đại học, đồng nghĩa với việc nguồn tài chính từ ngân sách giảm dần, các trường phải “tự bơi” và gánh nặng tài chính sẽ đè lên vai sinh viên.
Đứng trước viễn cảnh có thể gặp khó khăn về rào cản học phí, nhiều sinh viên khi được hỏi cho biết họ rất áp lực và lo lắng.
Khảo sát vừa qua của Đại học Quốc gia TP HCM về tác động của Covid-19 với 39.000 sinh viên cho thấy trên 52% các em đề nghị có chính sách hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn.
71,7% sinh viên của trường Đại học Quốc tế lo lắng về khả năng đóng học phí, con số này của trường Khoa học Tự nhiên là 57,6%.
PGS.TS. Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban kế hoạch tài chính, Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định, mặt trái của việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học.
Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của đất nước cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng học phí.
Hiện nay, với cùng một mức chi trả học phí, người học bắt đầu giảm lựa chọn học các ngành khoa học cơ bản để theo học các ngành mang tính "hot", bởi vì cơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn.
Làm sao để cân bằng lợi ích?
Bắt đầu từ năm học 2022-2023, nhiều trường đại học sẽ áp dụng tăng học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.
Dù lộ trình tăng học phí đã được báo trước song việc các trường công lập đồng loạt tăng học phí, đặc biệt là việc một số trường tự chủ tài chính tăng kịch trần đã và đang thu hẹp cơ hội học tập của một bộ phận học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh có điều kiện kinh tế trung bình.
Theo TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, hiện đang có sự nhầm lẫn về quan điểm ở cả cấp quản lý và cơ sở giáo dục đó là lẫn lộn giữa tự chủ đại học và tự túc nguồn lực, đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Tự chủ đại học không đồng nghĩa với việc các trường đại học phải tự túc về mặt nguồn lực, kinh phí. Đối với các trường công lập thì nguồn lực được cấp chính là từ ngân sách nhà nước.
Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại, cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng đào tạo, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.
TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để có thêm nguồn lực, các trường cần xem lại tính hiệu quả trong hoạt động của mình.
Trên thực tế, vẫn có những trường đại học dù nguồn lực đầu tư không nhiều nhưng sử dụng rất hiệu quả; nhận hỗ trợ ít từ ngân sách, học phí cũng không tăng nhiều nhưng chất lượng đào tạo lại tăng mạnh.
Trong bối cảnh nhiều trường chưa đa dạng được nguồn thu để giảm gánh nặng lên việc tăng học phí, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và đào tạo đồng tình với ý kiến cho rằng trường đại học cần cải thiện năng suất và hiệu quả quản lý, khi đó giảm chi phí, giảm áp lực lên sinh viên.
Còn theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, ở những nền giáo dục đại học phát triển lành mạnh, tài chính của trường đại học phải bao gồm từ nhiều nguồn, trong đó từ người học (tự đóng hoặc vay tín dụng) thường chiếm tỷ lệ nhỏ hơn các nguồn khác cộng lại. Các nguồn này chủ yếu là từ ngân sách nhà nước.
TS. Lê Trường Tùng cũng cho rằng, giáo dục đại học là một dịch vụ vừa mang tính “công ích” và mang tính “tư ích”, về nguyên tắc, ai hưởng lợi thì cần tham gia chi trả.
Tuy nhiên, nghịch lý tại Việt Nam hiện nay là nhấn mạnh quá yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ trong bối cảnh các nguồn thu khác hạn chế. Điều này sẽ dẫn đến một nền giáo dục đại học được xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, để tháo nút thắt tự chủ đại học, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, Chính phủ chỉ đạo để các bộ, ngành, đặc biệt với Bộ Tài chính - làm sao có lộ trình từng bước nâng tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đại học.
Thống kê cho thấy, chi đầu tư cho giáo dục đại học tính trên GDP chiếm ít nhất 1% GDP ở nhiều quốc gia. Với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tỷ trọng chi cho lĩnh vực này cũng gấp nhiều lần so với Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, cần có lộ trình tăng trong một vài năm tới, ít nhất bằng với mức trung bình các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng cũng như Luật số 34.
"Đổi mới cơ chế phân bổ cơ chế tài chính, chứ không phải cắt giảm ngân sách. Khi đổi mới cơ chế tài chính, việc đầu tư sẽ tập trung vào những nơi làm hiệu quả nhất. Chúng ta phân bổ theo cơ chế cạnh tranh, theo năng lực và kết quả hoạt động", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét