Để giá trị vùng văn hóa lớn của Việt Nam ra được thế giới, để tiềm năng, lợi thế tạo đột phá cho Tây Nguyên, bài toán cần giải của chính quyền các địa phương trong vùng là liên kết.
TS. Phạm S (thứ 3 từ trái sang) đi kiểm tra dự án đường Trường Sơn Đông. |
Đặc sắc Tây Nguyên
Tây Nguyên là một trong những vùng văn hóa lớn của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ hàng ngàn năm về trước với những giá trị đa dạng, đặc sắc và độc đáo.
Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có nền văn hóa bản địa phong phú với văn hóa chữ viết, trang phục, âm nhạc dân gian, văn hóa ẩm thực độc đáo. Hiện nay, Tây Nguyên còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo, như nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần, những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Một trong những di sản nổi tiếng là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây cũng là vùng đất nổi tiếng với nhiều khoáng sản quý, với sự đa dạng của tài nguyên rừng, tài nguyên thủy năng, lợi thế gió, số giờ nắng cũng như các điều kiện đất đai, khí hậu rất đa dạng. Đây là những tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với những nét đặc thù riêng mà ít vùng có được.
Trên hết, đây là vùng đất tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch đa dạng, như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch hội nghị - hội thảo...
Tuy nhiên, đến nay, du lịch phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương, mới tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng và Đắk Lắk, Đắk Nông.
Những nút thắt trong phát triển
Cho dù sự phát triển chưa đồng đều của các đại phương trong vùng, nơi đây vẫn giữ nguyên được nét đẹp hoang sơ vốn có với rất nhiều điểm check-in đẹp, du khách có thể đắm chìm trong sự hùng vĩ của thiên nhiên và cảm nhận hơi thở của núi rừng trong lành, khí trời trong veo, thời tiết dễ chịu.
Song, bài toán khai thác tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá cho Tây Nguyên trong tương lai ngày càng trở nên cấp bách, nhất là trước yêu cầu phát triển bền vững, phù hợp với xu thế thời đại.
Trong thời gian qua, chính quyền các địa phương vùng Tây Nguyên đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo để khai phá mọi nguồn lực, tạo điều kiện để Tây Nguyên vươn lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Một là, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, do đó chi phí logistics cao nhất so với các vùng kinh tế.
Hai là, phát triển dân cư nông thôn không theo quy hoạch, phát triển đô thị chậm so với tiềm năng.
Ba là, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Bốn là, định hướng du lịch chưa bài bản, thiếu chuyên nghiệp với tầm nhìn dài hạn, còn thiếu vắng các du lịch loại hình du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Năm là, việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến môi trường, thiếu bền vững.
Sáu là, phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng khí hậu, đất đai.
Bảy là, công tác quản lý bảo vệ rừng hạn chế, mất tài nguyên rừng và làm suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng.
Để những tiềm năng tạo đột phá
Có 9 vấn đề cần được các địa phương trong vùng cùng tham gia, để khai phá tiềm năng phát triển đặc sắc của Tây nguyên.
Thứ nhất, quản lý tài nguyên, khai thác tiềm năng khí hậu, đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản.
Tập trung rà soát việc cấp phép và khai thác khoáng sản theo hướng bền vững; xác định, phân vùng kiểm soát về tác động đến môi trường đối với các khu vực: khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt đối không tác động; khu vực có thể xây dựng công trình...
Thứ hai, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Dân số toàn vùng năm 2020 khoảng 6.211.500 người; dự báo đến năm 2030, quy mô dân số toàn vùng khoảng 7.390.600 người. Để có quy mô dân số này, ngoài việc tăng dân số tự nhiên, thì tăng dân số cơ học dự báo trong thời gian tới là khá lớn. Đây sẽ là nguồn nhân lực khá dồi dào.
Nhưng vấn đề là các địa phương cần tiến hành nhiều giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết tập trung công tác giáo dục - đào tạo; phát huy tốt công tác khuyến học, khuyến tài để đào tạo nguồn nhân lực từ các cấp học phổ thông; phát hiện công chức, viên chức trẻ có nhiều triển vọng để đào tạo trình độ chuyên và lý luận; đồng thời thu hút các nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu, có trình độ quản trị giỏi ở các địa phương khác có tâm huyết với quá trình phát triển của vùng Tây Nguyên trong tương lai.
Thứ ba, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, rà soát tất cả các ngành và lĩnh vực, từ đó xác định rõ khâu nào yếu, thiếu và cần tác động khoa học công nghệ. Chú trọng đầu tư đồng bộ các nguồn lực (tài lực, nhân lực, vật lực…), xác định lấy khoa học công nghệ tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng mạnh mẽ cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện tối đa chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực; tăng cường đổi mới sáng tạo trong tất cả hoạt động kinh tế - xã hội.
Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, cần đảm bảo nguyên tắc “khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng với tầm nhìn dài hạn”.
Thứ tư, đầu tư hạ tầng giao thông để tạo đột phá trong liên kết vùng. Đối với đường hàng không, nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương (Đà Lạt) trở thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2022; Cảng hàng không Buôn Ma Thuột trở thành cảng hàng không quốc tế trước giai đoạn 2030 - 2050.
Đối với đường bộ, trước mắt, trong giai đoạn 2021 -2025, nâng cấp các tuyến quốc lộ 14, 19, 26, 27, 28, 29; giai đoạn 2025 -2050, tiếp tục đầu tư nguồn lực để xây dựng các tuyến cao tốc liên vùng Khánh Hòa - Đắk Lắk.
Đối với đường sắt, khôi phục tuyến Đường sắt Phan Rang, Tháp Chàm - Đà Lạt giai đoạn 2025 -2030 và xây dựng mới tuyến đường sắt kết nối từ Phú Yên tới các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn sau năm 2030 để khắc phục dần chi phí vận chuyển nông sản quá cao.
Đặc biệt, Nhà nước cần đầu tư nguồn lực lớn để phát triển các cửa khẩu các tỉnh Tây Nguyên với Campuchia và Lào (trừ Lâm Đồng).
Nếu tập trung nguồn lực thực hiện các dự án hạ tầng nêu trên sẽ giúp Tây Nguyên khai thác các tiềm năng phát triển về kinh tế mang tính đột phá, đặc biệt với ngành nông - lâm nghiệp.
Thứ năm, phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, thực hiện quyết liệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Một trong những nội dung phải tái cơ cấu là chuyển mạnh sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị.
Nếu chúng ta tiếp tục tổ chức sản xuất tốt, ứng dụng khoa học - công nghệ, với mũi nhọn là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ để khai thác ngưỡng đội trần năng suất cây trồng, vật nuôi, làm tốt công nghệ sau thu hoạch, thu hút các dự án chế biến nông sản để giải quyết đồng bộ phát triển vùng nguyên liệu và công nghệ chế biến một cách khoa học, thì trong tương lai, nông nghiệp Tây Nguyên sẽ nằm tốp đầu cả nước, sẽ trở thành vùng kinh tế có nhiều nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu giá trị cao.
Thứ sáu, phát triển du lịch xanh dựa trên các giải pháp đồng bộ, tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người vùng Tây Nguyên để phát triển du lịch xanh; đa dạng hóa các loại hình du lịch có lợi thế, đặc biệt là du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch văn hóa, du lịch giáo dục, du lịch nghĩ dưỡng, du lịch canh nông và du lịch dưới tán rừng…
Giá trị văn hóa ở Tây Nguyên còn được thể hiện ở những kinh nghiệm thuần dưỡng voi, ở những bài thuốc gia truyền chữa bệnh, ở kỹ thuật đúc đồng để chế tạo đàn đá và nhạc khí cồng chiêng, là các nghệ nhân điêu khắc qua các tượng nhà mồ của các dân tộc Gia Rai, Bana, Êđê, Mnông, là kỹ thuật trang trí dệt nên những hoa văn của trang phục các dân tộc, là tinh thần anh dũng, mưu trí tuyệt vời qua truyền thuyết Đam San, Xing Nhã, Đia Đon, cũng như các anh hùng thời nay như anh hùng Núp, anh hùng Nơ Trang Long...
Giá trị tinh thần còn đọng lại 200 tục lệ của người Êđê, 100 tục lệ của người Mnông và hàng ngàn tục lệ của người Gia Rai, Bana, Giẻ Triêng, Rơ Ngao, Xê Đăng, K’Ho.... qua các ứng xử trong cộng đồng, qua việc ăn, ở, mặc, giải trí, trong việc cưới, tang, lễ nghi, tín ngưỡng và tôn giáo cần được tiếp tục khai thác để phát huy giá trị du lịch văn hóa độc đáo này.
Thứ bảy, phát triển hạ tầng thủy lợi vùng Tây Nguyên nhằm đáp ứng sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tám, phát triển đô thị sinh thái thông minh phù hợp với xu hướng phát triển thời đại. Cần có giải pháp đồng bộ triển khai của các địa phương về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050; với mục tiêu phát triển các tỉnh Tây Nguyên đảm bảo tính toàn diện, hài hòa và bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường...
Thứ chín, thu hút đầu tư có chọn lọc các nhà đầu tư chiến lược, tập trung trong các lĩnh vực: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; công nghiệp chế biến nông sản; công nghiệp khái khoáng; năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; phát triển đô thị sinh thái thông minh; phát triển khu dân cư tiện ích; làng đô thị xanh; phát triển công nghiệp văn hóa, thu hút dự án giáo dục quốc tế.
Tây Nguyên là vùng đất nhiều tiềm năng. Trong thời gian qua, các địa phương có nhiều giải pháp sáng tạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả nhất định, song Tây Nguyên cần sự liên kết hiệu quả giữa các địa phương trong vùng để thực sự cất tiếng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét