Quý II/2022, Vietjet đạt doanh thu vận chuyển hành khách tăng 15% so với trước dịch
Nhu cầu đi lại của hành khách trong nước và quốc tế phục hồi mạnh, Công ty CP hàng không Vietjet (HoSE: VJC) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022.
Với 53 đường bay nội địa, doanh thu nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 (giai đoạn trước đại dịch Covid-19), Vietjet đã đạt doanh thu vận tải hành khách trong quý II/2022 là 11.355 tỉ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ trước đại dịch), lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỉ đồng.
Về doanh thu hợp nhất, trong quý II/2022, Vietjet đạt 11.590 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỉ đồng.
Lũy kế sáu tháng đầu năm, doanh thu vận tải hành khách của hãng đạt 14.696 tỉ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 16.112 tỉ đồng, lần lượt tăng so với cùng kỳ năm 2019 trước dịch.
Trong quý II vừa qua, Vietjet đã khai trương nhiều đường bay quốc tế mới, phục vụ nhu cầu giao thương kinh tế, du lịch của người dân các nước (Ảnh: H.T) |
Với những kết quả trên, sáu tháng đầu năm, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 76 tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 426 tỉ đồng.
Sáu tháng qua, để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao sau đại dịch, hỗ trợ phục hồi du lịch và kinh tế các địa phương, Vietjet đã tăng tần suất khai thác trên nhiều chặng bay, thực hiện 52.500 chuyến bay, vận chuyển 9 triệu lượt hành khách, tăng 54% và 92% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số chuyến bay tăng 8% so với giai đoạn trước dịch 2019.
Riêng quý II/2022, hãng khai thác gần 33.000 chuyến bay, vận chuyển 6 triệu lượt hành khách, tăng cao hơn so với trước đại dịch. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong quý đạt hơn 11 nghìn tấn.
Thúc đẩy và đi đầu việc mở cửa, giao thương giữa Việt Nam với các nước sau đại dịch, Vietjet đẩy mạnh phát triển các đường bay quốc tế mới, trong đó tiên phong phát triển và mở rộng 17 đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ, đất nước với 1,4 tỉ dân, tới Delhi, Mumbai, Ahmedabad, Hyderabad, Bangalore; khai trương các đường bay mới từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đi Busan (Hàn Quốc), từ Hà Nội đến Nagoya và Fukuoka (Nhật Bản)…
Vietjet là hãng hàng không đi tiên phong mở các đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ (Ảnh: H.T) |
Bên cạnh đội tàu bay A320, A321 tiên tiến, Vietjet đã đưa vào khai thác đội tàu bay thân rộng A330 hiện đại, thế hệ mới với công nghệ kiểm soát tiếng ồn, nhằm đem đến cho hành khách những trải nghiệm bay an toàn, thoải mái, giảm tần suất cất, hạ cánh tại các sân bay.
Vietjet đã ra mắt website và ứng dụng (App) mới, đồng thời cung cấp cho khách hàng những gói sản phẩm mới như “Bay trước, Trả sau”, giúp khách hàng giải quyết vấn đề tài chính; sản phẩm Sky Holidays đặt vé kết hợp với các gói nghỉ dưỡng và dịch vụ lưu trú tại các khách sạn trên khắp Việt Nam…
Trong đó, sản phẩm “Bay trước,Trả sau” được Tạp chí danh tiếng The Global Economics Times Anh quốc trao giải Sản phẩm Fintech mới tốt nhất 2022 - Best New Fintech Product và được đánh giá là sản phẩm không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn mang ý nghĩa nhân văn, hỗ trợ phục hồi hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống của người dân sau đại dịch.
Trong bối cảnh nhiều hãng hàng không trên thế giới gặp khó khăn về nhân sự sau đại dịch nhưng Vietjet vẫn đảm bảo được chính sách tốt cho người lao động và liên tục tổ chức các lớp đào tạo cho tất cả nhân viên.
Học viện Hãng không Vietjet (VJAA) đã tổ chức hơn 650 khóa học cho gần 15.000 học viên là các phi công, tiếp viên hàng không, nhân viên điều phái bay, nhân viên kỹ thuật, nhân viên khai thác mặt đất… Học viện đã hợp tác với các đối tác lớn trong nước và trên thế giới để triển khai các chương trình đào tạo phi công cơ bản.
Vietjet cũng được tổ chức uy tín quốc tế AirlineRatings, bình chọn là “Hãng hàng không mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng toàn cầu - Value Airline of the Year” và “Top 10 hãng hàng không chi phí thấp tốt nhất thế giới – Top 10 Best Low-cost Airlines’ năm 2022.
Ngoài ra, Vietjet đã hoàn thành tái chứng nhận An ninh Thông tin ISO27001 của TUV NORD (Đức), đáp ứng bộ tiêu chuẩn Quản lý an toàn An ninh thông tin ISO27001:2013.
Tại Triển lãm hàng không quốc tế (Farnborough Airshow), diễn ra tại Anh từ 18 đến 22/7, Vietjet đã đạt được thỏa thuận với Boeing về tái cấu trúc, với nguồn vốn quốc tế, tiếp tục thực hiện hợp đồng 200 tàu bay Boeing 737. Đây là nỗ lực lớn của Boeing và Vietjet góp phần cho mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Những kết quả của quý II và sáu tháng đầu năm 2022 có sự đột phá về doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 429 tỉ đồng, tương đương 85,2% kế hoạch 6 tháng do chi phí xăng dầu tăng cao.
Vietjet thu nộp ngân sách đạt khoảng 2.300 tỉ đồng gồm các khoản thuế, phí thu hộ trực tiếp và gián tiếp trong 6 tháng đầu năm. Kết quả tích cực của các hãng hàng không, đi đầu là Vietjet, đã góp phần cơ bản vào lợi nhuận đột phá của các cảng hàng không, ACV, và các dịch vụ liên quan trong 6 tháng đầu năm 2022.
Vietjet sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chi phí chặt chẽ, tiếp tục đẩy nhanh các dự án chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa chi phí hoạt động, đồng thời khai thác các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ bao gồm giảm 50% chi phí hạ cất cánh, chính sách thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay giảm còn 1.000 đồng/lít... để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch và trong những tháng còn lại của năm 2022, cùng các địa phương và cả nước đi vào thời kỳ thích ứng để phát triển, hội nhập.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét