Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Lê Yên Thanh, Sáng lập Phenikaa MaaS: Thay đổi tư duy khi làm kinh doanh

Lê Yên Thanh, Sáng lập Phenikaa MaaS: Thay đổi tư duy khi làm kinh doanh

Nhìn lại chặng đường đã qua, Lê Yên Thanh, sáng lập Phenikaa MaaS nhận thấy, muốn lao vào những trận chiến khốc liệt, start-up cần hoàn thiện về công nghệ, con người và tài chính.

"Làm về kỹ thuật, người ta thường thích những điều gì chắc chắn. Nhưng làm kinh doanh lại liên quan đến mạo hiểm nhiều hơn. Tôi cần phải có sự can đảm nhất định" - Lê Yên Thanh, Sáng lập Phenikaa MaaS.

“Bước đi nhanh” của tuổi trẻ

Sau khi nhận đầu tư 1,5 triệu USD từ Tập đoàn Phenikaa, BusMap - dự án khởi nghiệp khá đình đám do chàng trai 9X Lê Yên Thanh sáng lập đã đổi tên thành Phenikaa MaaS. Sau 8 năm ra mắt thị trường, ứng dụng đã có nhiều thay đổi để hoàn chỉnh và thông minh hơn so với khi mới đời đời vào năm 2013, với xuất phát điểm là ứng dụng với những tính năng cơ bản hỗ trợ người đi xe buýt tại TP.HCM. 

Bên cạnh những tính năng chính, hiện Phenikaa MaaS đã phát triển thêm nhiều tính năng mới, bao gồm mua sắm hoàn tiền, tìm kiếm và thu thập phiếu mua hàng, cập nhật thông tin thành phố, đáp ứng cao hơn nữa nhu cầu ngày càng đa dạng của người dùng. Đặc biệt, công nghệ cốt lõi của Dự án cũng thay đổi mạnh mẽ. Đội ngũ đã tự xây dựng công nghệ bản đồ của mình và kiểm soát nền tảng đó để tạo ra nhiều mô hình kinh doanh riêng lẻ khác.

Phenikaa MaaS đang trở thành ứng dụng lớn nhất về giao thông công cộng tại Việt Nam. Ứng dụng này hiện đã đạt 3 triệu lượt tải xuống, với hơn 400.000 người dùng hoạt động hàng ngày và mở rộng phạm vi hoạt động của mình đến 5 thành phố lớn, bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Bangkok, Chiang Mai (Thái Lan).

Đó là điều đáng tự hào mà ít có start-up nào có thể dễ dàng đạt được. Tuy nhiên, điều trở thành động lực cho nhà sáng lập Lê Yên Thanh là được nghe nhiều người dùng thuộc các thế hệ sinh viên chia sẻ rằng, ứng dụng đã giúp họ tiết kiệm khoản tiền đáng kể khi còn là sinh viên nhờ di chuyển bằng xe buýt và sự tiện lợi khi sử dụng.

Bắt tay vào khởi nghiệp sớm khi mới ra trường, Lê Yên Thanh đã tận dụng các thành tích và mối quan hệ có được từ thời sinh viên, cũng như kinh nghiệm tích lũy được của bản thân để có bước đi nhanh hơn và giảm thiểu việc phạm phải sai lầm. Nhưng giống như nhiều người khởi nghiệp khác, Thanh gặp phải khó khăn trong việc tuyển nhân sự.

“Tôi còn trẻ, gặp những người lớn tuổi hơn, họ thường ít tin tưởng. Tôi cần phải chứng minh năng lực bản thân và xây dựng văn hóa công ty. Văn hóa công ty hướng đến như một gia đình, mọi người sẽ tự giác nhiều hơn là bắt buộc, giúp đội ngũ vui vẻ khi làm việc với nhau”, Lê Yên Thanh chia sẻ.

Dĩ nhiên, bất kỳ start-up nào cũng sẽ gặp khó khăn về việc định dạng mô hình kinh doanh, cách tiếp cận nhà đầu tư và gọi vốn, phát triển nhân sự và sản phẩm. Với Thanh, khó khăn lớn nhất chính là xây dựng mô hình kinh doanh. Phát triển một ứng dụng miễn phí, nên ngay từ đầu, Thanh rất khó để thuyết phục nhà đầu tư về mô hình kinh doanh có hiệu quả.

Về lâu dài, để tạo doanh thu thì dễ, nhưng để mở rộng và tăng trưởng một cách chiến lược, thì cần có một mô hình thật tốt. Vậy nên, dù đạt được nhiều dấu ấn, Thanh vẫn không ngừng suy nghĩ và nghiên cứu để ứng dụng được hoàn thiện theo đúng hướng đi cốt lõi.

Tiềm năng kinh doanh đến từ tư duy thực tế

Lê Yên Thanh nổi danh từ khi còn là sinh viên. Năm 2015, Yên Thanh trở thành thực tập sinh tại Google (Mỹ) với mức lương 6.000 USD/tháng. Về sau, Google đề nghị Thanh ở lại làm việc, nhưng anh từ chối và về nước khởi nghiệp. Trong vai trò là nhà sáng lập và CEO Phenikaa MaaS, Thanh là một trong 6 đại diện của Việt Nam vừa được vinh danh trong Forbes 30 under 30 châu Á. “Khi khởi nghiệp, tôi đã thay đổi bản thân, trước tiên là ở tư duy”, Thanh chia sẻ với giới truyền thông.

Theo Thanh, khi khởi nghiệp, không chỉ cần có tư duy công nghệ, mà còn phải có tư duy thực tiễn để nhìn thấy tiềm năng kinh doanh. Ngoài ra, còn phải học thêm cách tư duy chiến lược, kiến thức tài chính để phát triển công ty. Anh cũng thay đổi cả cách đặt vấn đề, đặt câu hỏi để giải quyết những vấn đề chung.

Phenikaa MaaS đang làm việc với hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam và chính quyền địa phương để cung cấp 4 giải pháp chính gồm Smart School, Smart Mobility, Smart Port, và Smart Company - thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số trong nước.

Trong số này, Smart Port là mô hình cảng giúp các công ty vận tải hàng hóa và vận tải nội địa cắt giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Với nhận dạng mã container tự động (ACCR), nhận dạng biển số xe (ALPR), cũng như nhận dạng khuôn mặt và hành vi của người lái xe (bHub), Smart Port được kỳ vọng sẽ giúp tự động hóa các quy trình thủ công, nâng cao hiệu quả và tăng tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số của ngành giao thông vận tải.

Không những vậy, Phenikaa MaaS đang muốn bước sang thị trường Hàn Quốc, bởi đây là thị trường rộng lớn và tiềm năng trong tương lai, nhất là khi Chính phủ nước này cũng có những chiến lược dài hạn về phát triển thành phố thông minh. Phenikaa MaaS hy vọng sớm tìm được đối tác để hợp tác, triển khai các dự án giao thông thông minh tại đây.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Lê Yên Thanh nhận thấy, khởi nghiệp không phải là con đường dành cho tất cả. Ngoài quyết tâm và đam mê, người khởi nghiệp cần hoàn thiện trước về công nghệ, con người và tài chính: có kinh nghiệm và công nghệ để xây dựng được sản phẩm đúng nhu cầu thị trường; có mối quan hệ để có thể tuyển được những người cùng chí hướng; có đủ tiềm lực tài chính để duy trì. “Khi có đủ cả 3 yếu tố này, thì mới nên bắt tay vào con đường khởi nghiệp”, Thanh nói.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét