Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Không rõ mục tiêu gỡ rào cản, các bộ khó làm hài lòng doanh nghiệp

Không rõ mục tiêu gỡ rào cản, các bộ khó làm hài lòng doanh nghiệp

Mặc dù các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vẫn đang được các bộ, ngành hoàn tất, nhưng tác động mong muốn của doanh nghiệp là gỡ rào cản dường như chưa rõ nét.

Doanh nghiệp mong mỏi  được gỡ bỏ những rào cản trong kinh doanh liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính... Ảnh: Đức Thanh

Các bộ thi nhau cắt giảm quy định kinh doanh

Thời điểm hết hạn góp ý cho nhiều dự thảo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong giai đoạn tới mà một số bộ, ngành gửi lấy ý kiến đã cận ngày, nhưng ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn chưa thể gửi đi bản góp ý như dự định.

“Tôi vẫn không thể hiểu nổi cách tiếp cận của nhiều bộ, ngành về việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh. Nếu coi việc giảm từ 3 bộ hồ sơ xuống còn 2 bộ hồ sơ là một nội dung cắt giảm, thì ý nghĩa của việc này là gì ngoài các khoản chi phí tiết kiệm được?”, ông Cung băn khoăn khi đọc Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải giai đoạn 2022-2025.

Thực ra, mục tiêu là giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp cũng được xác định khá rõ trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh của các bộ, ngành. Trong phương án của Bộ Giao thông - Vận tải ở phần nội dung về lĩnh vực thủy nội địa, mức tiền tiết kiệm được tính toán là từ gần 300.000 đồng đến hơn 4 triệu đồng/năm.

Chẳng hạn, nếu đơn giản hóa thủ tục Phê duyệt đánh giá an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài theo hướng Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị là từ 3 bộ xuống còn 2 bộ hồ sơ, thì chi phí tiết kiệm được là 271.499 đồng/năm.

Với thủ tục xác nhận hàng năm giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa, cũng theo hướng giảm số bộ hồ sơ doanh nghiệp phải nộp từ 3 xuống còn 2 bộ, thì chi phí tiết kiệm được 4.072.477 đồng/năm...

Chỉ riêng việc cắt bỏ chế độ báo cáo liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đăng kiểm, cụ thể là báo cáo danh sách ô tô hết niên hạn, báo cáo danh sách ô tô sắp hết niên hạn, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được 191 triệu đồng/năm…

Trong phương án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi phí tiết kiệm được khi bãi bỏ quy định về thực hiện chế độ báo cáo cũng khá đáng kể.

Ví dụ, việc bỏ báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế tàu cá, tàu kiểm ngư và tình hình đăng kiểm tàu cá, tàu kiểm ngư sẽ tiết kiệm trên 74 triệu đồng/năm; bỏ báo cáo tình hình cập nhật, quản lý thông tin về tàu, chủ tàu, thiết bị giám sát tàu cá tiết kiệm được trên 42 triệu đồng/năm…

Doanh nghiệp cần tiết kiệm không chỉ tiền

Các khoản tiết kiệm được mà các bộ, ngành đã tính toán chắc chắn là phần mà doanh nghiệp được hưởng lợi, dù các con số thực sự rất nhỏ so với chi phí hoạt động của doanh nghiệp và khá cảm tính.

Đáng nói là, các con số này không phải là điểm chính mà ông Cung và nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề khi tham gia ý kiến cho các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh của các bộ, ngành.

“Khi xem xét các phương án này, tôi mong nhìn thấy cơ hội mở rộng hơn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nhiều của cái hơn cho xã hội…”, ông Cung phân tích.

Đáng tiếc là, ông chưa nhìn thấy mục tiêu này trong phương án của Bộ Giao thông - Vận tải.

Thậm chí, khi nhắc tới đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải về việc đơn giản hóa thành phần hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính thiết lập khu neo đậu, cụ thể là bỏ quy định nộp bản sao văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền, ông Cung lo lắng nhiều hơn.

“Việc này là đương nhiên phải bỏ, thực hiện ngay, chứ không thể được tính là một phần của phương án đề xuất được thực hiện trong lộ trình 2023-2025, vì việc thiết lập khu neo đậu không yêu cầu thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư”, ông Cung phân tích.

Ngay trong lý giải về đề xuất này, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã thấy rõ bất cập khi doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện hoạt động đầu tư này. Nghĩa là, nếu việc thống nhất các quy định chậm trễ, rào cản kinh doanh sẽ lại xuất hiện.

Liên quan nội dung này, phương án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được chờ đợi nhiều hơn khi cắt bỏ 26 sản phẩm nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (theo mã HS) thuộc danh mục sản phẩm nhập khẩu phải kiểm dịch; cắt giảm thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, động vật thủy sản, tùy theo mục đích nhập khẩu… ngay trong năm 2022. Đi cùng với đó, đương nhiên là việc bãi bỏ các thủ tục hành chính tương ứng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tính toán khá chi tiết các khoản chi phí tuân thủ tiết kiệm được. Con số rất lớn, có thủ tục lên tới hàng chục tỷ đồng/năm.

Điều quan trọng, theo các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc thay đổi tiêu chí và cách thức kiểm tra chuyên ngành đối với nhiều sản phẩm đã không chỉ gỡ hàng loạt rào cản đang làm khó cho doanh nghiệp, mà còn tạo động lực mới cho các doanh nghiệp trong ngành trong kế hoạch phát triển tiếp sau.

Cũng phải thẳng thắn, những phương án thay đổi này được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp như VASEP đeo đuổi tới gần 7 năm, cũng có tên trong danh mục việc cần làm trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, danh mục kiểm tra chuyên ngành của các Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 02/NQ-CP về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng năm của Chính phủ.

Nếu các giải pháp này được thực hiện sớm hơn, động lực sẽ đến với doanh nghiệp sớm hơn.

Cần rõ mục tiêu cắt rào cản cho doanh nghiệp

Cũng phải thừa nhận, các bộ, ngành đang rất nỗ lực thực hiện yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh.

Năm nay, Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 54/1.044 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, như đơn giản hóa 30 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng; 9 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải; 4 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm. Bộ đang tiếp tục xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 11 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Tính chung các bộ, ngành, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng số quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa là 641 quy định. Năm 2021, con số này là 1.101. Trong đó, có 113 yêu cầu kinh doanh; bãi bỏ 455 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hoá 507 thủ tục hành chính và 26 chế độ báo cáo.

Nhưng khi bàn sâu về các phương án, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia (CIEM) cảm thấy phân vân trong đánh giá, nhận định tác động.

“Quy định về kinh doanh thì có nhiều trong hệ thống pháp luật, từ luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư, nhưng không phải quy định nào cũng tạo ra rào cản cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nếu các quy định được cắt bỏ không thuộc nhóm tạo rào cản, thì doanh nghiệp sẽ khó cảm nhận được tác động và cũng không tạo nên hiệu ứng trong thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh”, bà Thảo nói.

Thực tế, các quy định về điều kiện kinh doanh, về kiểm tra chuyên ngành, về thủ tục hành chính là những quy định chứa đựng “rào cản”, khó khăn cho doanh nghiệp, nếu có tập trung cắt giảm, sẽ có hiệu ứng rất lớn.

Có thể thấy rõ điều này khi tiến hành cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì đi theo một ngành nghề bị loại ra khỏi danh mục là cả một hệ thống quy định về tiêu chí, thủ tục, quy trình liên quan. Khi đó, cánh cửa gia nhập thị trường vào một ngành nghề, lĩnh vực sẽ được mở rộng. Tác động này sẽ rất khác nếu nội dung cắt giảm chỉ là hồ sơ, thủ tục hoặc là việc cập nhật những quy định đã được bãi bỏ từ các văn bản khác.

Đây cũng là đề xuất của ông Cung khi cho rằng, thời điểm này cần quyết liệt thực hiện các nội dung của Nghị quyết 02/2022/NQ-CP, với các nhiệm vụ rất cụ thể như cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...

Tình hình đăng ký doanh nghiệp 8 tháng năm 2022

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2022 là 101.325 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2022 là 3.638.409 tỷ đồng (tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.136.256 tỷ đồng (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2021).

Số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 2.502.153 tỷ đồng (tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2021), với 35.110 lượt doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021).

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 11,2 tỷ đồng, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2021.

15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, đáng chú ý là những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi của các ngành liên quan đến lĩnh vực: dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 51,7%); hoạt động dịch vụ khác (tăng 50,8%); dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 43,6%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 37,0%)...

Doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu vẫn thuộc nhóm ngành dịch vụ với 74.663 doanh nghiệp, chiếm 73,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 25.274 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 24,9% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản lại ghi nhận 1.388 doanh nghiệp thành lập mới, không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét