Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

Không ai dại bỏ thêm tiền khi không có thêm quyền lợi

Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã khó, thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước là cổ đông thiểu số càng khó hơn, vì cổ đông hiện hữu cũng không mua vì không ai dại bỏ thêm tiền khi không có thêm quyền lợi.

“Cần phải có giải pháp mạnh mới có thể thoái vốn tại doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước”, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế.

Nếu là cổ đông nắm cổ phần đa số, liệu ông có mua lại phần vốn nhà nước, đặc biệt là vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 35% hay không?

Tôi mua để làm gì, trong khi tôi là cổ đông đa số. Thậm chí, nếu phần vốn tôi sở hữu ít hơn vốn nhà nước, thì tôi liên danh, liên kết với các cổ đông khác để có tổng số cổ phần trên 65% là tôi có quyền quyết định tất cả mọi hoạt động của doanh nghiệp, kể cả kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh; đầu tư; vay nợ; phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu... thì tôi mua vốn nhà nước làm gì nữa.

Với những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ, đặc biệt là sở hữu dưới 35% vốn điều lệ thì có bán vốn, cổ đông hiện hữu cũng không mua vì không ai dại bỏ thêm tiền khi không có thêm quyền lợi.

Đó là cổ đông hiện hữu, còn nhà đầu tư ngoài doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

Trước đây có thể bán được vốn tại những doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước cho cổ đông bên ngoài doanh nghiệp, nhưng đó là những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và nhà đầu tư cũng chủ yếu nhìn vào đất đai mà doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng. Người ta đầu tư vào doanh nghiệp không hẳn nhìn vào hiệu quả, tương lai của doanh nghiệp, mà nhìn vào đất đai, trông chờ doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giá cổ phiếu tăng là bán kiếm lời.

Nhưng bây giờ, đất đai được quản lý chặt chẽ và ngày càng chặt hơn khi Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai hiện hành, đặc biệt là sẽ tách đất đai ra khỏi doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp, chỉ có đất thuê trả tiền thuê hàng năm, chứ không còn đất thuê trả tiền một lần, nên với những doanh nghiệp làm ăn không có gì nổi trội thì việc bán nốt số cổ phần nhà nước sẽ rất khó.

Vậy theo ông, làm cách nào để bán được?

Chỉ có sử dụng giải pháp mạnh, nói dễ hiểu là phải “ép hạ” mới bán được vốn nhà nước tại những doanh nghiệp này. Chưa cần sử dụng các công cụ khác, trước mắt sử dụng Luật Kiểm toán Nhà nước, bởi theo quy định, đối tượng kiểm toán nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, doanh nghiệp dù chỉ có 2-3% vốn nhà nước vẫn là đối tượng được kiểm toán nhà nước vì đang quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Hàng năm, hoặc định kỳ, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công, hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của doanh nghiệp.

Nếu thực hiện theo đúng Luật Kiểm toán Nhà nước, tôi bảo đảm sẽ bán được toàn bộ vốn nhà nước tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không muốn đầu tư. Bởi không cổ đông, nhà đầu tư nào lại muốn tiền của mình, vốn của mình, doanh nghiệp của mình bị các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ, trong khi Nhà nước chỉ là cổ đông thiểu số, vì vậy, họ sẽ bỏ tiền ra “ôm” hết để tránh phiền toái.

“Ép hạ” như vậy liệu có phi thị trường không, thưa ông?

Không hề, bởi cơ quan quản lý nhà nước làm theo pháp luật. Tài chính công, tài sản công, dù chỉ là một đồng cũng phải giám sát, kiểm soát chặt chẽ, bởi đây là tài sản, là mồ hôi, công sức của người dân, để thất thoát là có tội với dân.

Vấn đề là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, nhưng không được gây phiền hà, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp và đặc biệt không được lợi dụng hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm toán để tiêu cực, gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Nhà nước cần phải “bán cả lố” cổ phần còn lại tại doanh nghiệp, không bán lẻ, nhưng bán vốn phải theo giá thị trường, thuận mua vừa bán, nếu thấy cần thiết thì dù có rẻ một chút cũng bán, không nhất thiết phải bán tối thiểu bằng với vốn đã đầu tư (giá trị phần vốn nhà nước trong sổ sách kế toán). Bởi khi đã được tư nhân hóa hoàn toàn, doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu hoạt động, quản trị, điều hành, hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm, đóng thuế... cuối cùng người hưởng lợi chính là Nhà nước.

Còn thêm cách nào nữa không, thưa ông?

Ngoài kiểm soát chặt chẽ vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, phải giao trách nhiệm thoái vốn cho đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện nay, đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều là công chức, viên chức tại các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Tôi không bàn về trình độ của những người này, nhưng chắc chắn họ không có kinh nghiệm quản lý, điều hành, quản trị doanh nghiệp vì họ chưa từng kinh doanh.

Đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phải là doanh nhân, không có tố chất doanh nhân, nên không có khả năng trở thành “đối trọng” với các cổ đông khác trong doanh nghiệp để bảo vệ lợi ích của Nhà nước và họ cũng không có động lực làm việc đó.

Thậm chí, họ cũng không muốn thoái toàn bộ vốn nhà nước, vì nếu thoái hết vốn hoặc họ sẽ quay trở về cơ quan cũ với mức lương công chức, viên chức chỉ bằng số lẻ so với thu nhập tại doanh nghiệp. Nếu họ không quay trở lại cơ quan cũ, mà vẫn muốn ở lại doanh nghiệp thì sau khi thoái hết vốn không đầy một tuần trăng, đa số họ sẽ phải ra đường. Vậy thì hà cớ gì mà họ nhiệt tình thoái vốn nhà nước, cứ “lửng lơ cá vàng” như hiện nay, đại diện vốn nhà nước là công chức, lương bổng cao ngất ngưởng do doanh nghiệp trả và không ai đuổi được họ. Vì vậy, cần phải ra hạn định, trong vòng 6-12 tháng phải thoái hết vốn, nếu không hoàn thành sẽ rút về, cử người khác làm đại diện vốn nhà nước.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét