Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực thực thi tròn 2 năm, được cộng đồng doanh nghiệp tận dụng nhanh, hiệu quả, giúp xuất khẩu tăng mạnh.
Nông sản là một trong những mặt hàng được xuất khẩu nhiều sang EU. Ảnh: Đức Thanh |
Xuất khẩu tăng
EVFTA đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020 đã tạo ra những thuận lợi thương mại đáng kể để nhiều ngành hàng tăng tốc xuất khẩu vào thị trường 27 nước thành viên EU với quy mô dân số gần 500 triệu dân.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 14,2% so với năm 2020, đạt 40,12 tỷ USD. Xuất khẩu sang hầu hết thị trường lớn trong khối EU đều ghi nhận tăng trưởng so với năm 2020, trong đó Hà Lan và Đức là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch lần lượt là 7,69 tỷ USD, tăng 9,8% và 7,29 tỷ USD, tăng 9,7%.
Sáu tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 23,82 tỷ USD, tăng 22,6% và nhập khẩu đạt 7,88 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ 2021. Xuất siêu sang EU gần 16 tỷ USD.
Tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo Hiệp định tăng cao, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này đã tăng trên 32% - cao hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) đánh giá, EVFTA là hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất so với những hiệp định khác. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đã bắt đầu thể hiện tính tích cực hơn và lợi ích của Hiệp định đem lại cũng rõ rệt hơn.
EVFTA bước sang năm thứ 2 có hiệu lực, là động lực đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu sang EU. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã tận dụng tốt EVFTA, tăng tận dụng ưu đãi thuế quan nhờ thỏa mãn quy tắc xuất xứ hàng hóa theo cam kết trong Hiệp định. Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như gạo (100%), giày dép (98,02%), thủy sản (76,9%), nhựa và sản phẩm nhựa (70,63%).
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T cho biết, sản lượng rau quả xuất khẩu của Công ty sang EU đang tăng khá mạnh, đặc biệt với nhóm hàng trái cây tươi như chôm chôm, thanh long. Trước đó, doanh nghiệp đã có hoạt động xuất khẩu thường xuyên sang EU, nhưng nhờ EVFTA, thương mại thuận lợi hơn, ưu đãi thuế quan tốt hơn trước rất nhiều, giúp doanh nghiệp có thêm giá trị gia tăng.
EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…) được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Theo đại diện Bộ Công thương, phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay đang có mức thuế trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Bởi vậy, mức cam kết này của EU được đánh giá là tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả nhưng chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia.
Năm 2021, EU là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ tư của Việt Nam, với trị giá gần 200 triệu USD.
Áp lực chuẩn hóa sản xuất
Là FTA được tận dụng nhanh và hiệu quả, nhưng theo các chuyên gia, phải sau 3 năm thực thi, biên độ ưu đãi, mức ưu đãi mà doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mới đủ lớn để tạo động lực xuất khẩu mạnh hơn.
Song cũng cần lưu ý, dù có lợi thế từ EVFTA, nhưng về chất lượng, hàng Việt xuất sang EU không có sự nhân nhượng nào, vẫn bị “thổi còi” nếu không đạt các tiêu chuẩn do thị trường và nhà nhập khẩu yêu cầu.
Nửa đầu năm 2022, EU đã đưa ra 40 cảnh báo đối với hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam, trong số này có 9 loại rau quả tươi và chế biến bị EU cảnh báo về mức độ an toàn. Mới đây, lô chôm chôm Việt Nam bị tiêu hủy tại Hà Lan bởi phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép.
Đặc biệt, xu hướng chuyển đổi nhập khẩu hàng tiêu dùng xanh, đáp ứng tiêu chuẩn về lao động và môi trường ngày càng rõ nét tại EU. Các sản phẩm công nghiệp như sắt thép, phân bón, xi măng, nhôm… có nguy cơ đối mặt với thuế carbon cao.
Với ngành dệt may, mỗi năm xuất khẩu sang EU trên 4 tỷ USD (thời điểm trước dịch), cũng đứng trước áp lực chuyển đổi sản xuất xanh khi Chiến lược Dệt may bền vững và tuần hoàn với tầm nhìn đến năm 2030 yêu cầu hàng dệt may xuất khẩu vào EU phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Tất cả thông tin trên đều phải có các chứng nhận kỹ thuật số. Một số tiêu chuẩn chính sẽ được áp dụng từ đầu năm 2024.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh, các nhãn hàng tại EU đánh giá sự phát triển trên cơ sở tuân thủ của doanh nghiệp gia công về môi trường, xã hội và trách nhiệm đối với người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại… Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi, thích ứng với các quy định mới.
Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên lưu ý, doanh nghiệp cần đón đầu xu hướng này, giá trị thu được trong quá trình xuất khẩu sang EU sẽ lớn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, EU là thị trường rất khó tính với nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, thậm chí có cả những tiêu chuẩn nhà nhập khẩu tự đặt ra, buộc doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ, có những chuyển đổi mô hình sản xuất, chế biến để đi đường dài.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét