BAF, FNF huy động cả ngàn tỷ đồng trái phiếu; FLC sẽ "cứu" cổ phiếu; Hoàng Anh Gia Lai bị phạt
Fuji Nutri Food bán thành công lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng; BAF huy động 600 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu. FLC 'cứu' cổ phiếu. Tiếp tục kiện toàn bộ máy, Bamboo Airways có ông Dương Công Minh làm cố vấn.
BAF dự kiến phát hành 600 trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo cho IFC - Thành viên Ngân hàng Thế giới (WB). |
Fuji Nutri Food bán thành công lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng; BAF thông qua phương án huy động 600 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu
Tuần qua, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đã thông qua phương án cũng như hồ sơ đăng ký phát hành trái phiếu trị giá 600 tỷ đồng.
BAF dự kiến phát hành 600 trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - Thành viên Ngân hàng Thế giới (World Bank). Với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.
Uớc tính BAF có thể thu về 600 tỷ đồng nếu phát hành thành công. Thời gian phát hành dự kiến trong quý 3 và 4/2022.
Trái phiếu từ đợt phát hành có kỳ hạn tối đa 7 năm. Trong 6 năm đầu, lãi suất sẽ cố định ở mức 5.25%/năm. Vào lần đáo hạn thứ nhất của năm cuối cùng, BAF sẽ mua lại một nửa số trái phiếu mà trái chủ đang sở hữu. Khi đó, lãi suất trái phiếu sẽ được nâng lên 10.5%/năm.
Toàn bộ số tiền huy động được từ đợt phát hành sẽ được BAF dùng để tăng vốn điều lệ và hỗ trợ vay vốn tại các công ty con để đầu tư xây dựng các dự án trang trại chăn nuôi. Tiêu biểu nhất trong đó là dự án Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Hải Đăng tại CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh với quy mô 10. 000 con nái sinh sản ra 120.000 heo con/năm, ngoài ra còn có trang trại chăn nuôi khép kín 60.000 con heo thịt.
Cũng tuần qua, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ, Công ty bất động sản Fuji Nutri Food (FNF) - một doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực bất động sản - công bố đã chào bán thành công lô trái phiếu 1 ngàn tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng.
Ngày đáo hạn của lô trái phiếu là 12/08/2023. Các thông tin liên quan như lãi suất, tài sản đảm bảo, mục đích huy động vốn hay bên phát hành chưa được công bố.
Lô trái phiếu của FNF không áp dụng việc hoán đổi tự nguyện và Công ty có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu trước hạn tại bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành (12/08/2022) theo hình thức gửi thông báo bằng văn bản cho trái chủ, hoặc khi xảy ra vi phạm theo quy định.
Mục đích phát hành lô trái phiếu 1 ngàn tỷ đồng là để góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Fuji Nutri Food và Công ty cổ phần Địa ốc Ngân Hiệp. Trong ảnh: Dự án Khu Du lịch Hồ Tràm 1 do Công ty cổ phần Địa ốc Ngân Hiệp làm chủ đầu tư đang được xây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Mục đích phát hành là để góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Fuji Nutri Food và Công ty cổ phần Địa ốc Ngân Hiệp. Công ty cổ phần Chứng khoán VPS là đơn vị đứng ra thu xếp cho thương vụ gọi vốn trên. Tài sản bảo đảm là tất cả các quyền tài sản của Fuji Nutri Food tại hợp đồng kinh tế trên, bên nhận là VPBank.
Fuji Nutri Food được thành lập từ ngày 18/09/2019 với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư Bất động sản An Nhiên, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản và quyền sử dụng đất. Sau đó, Công ty đổi tên thành Fuji Nutri Food như hiện nay với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bán buôn thực phẩm và trồng cây nông nghiệp.
Tháng 10/2020, Fuji Nutri Food tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng và bổ nhiệm ông Lý Trường An (sinh năm 1988 và là nguyên Tổng Giám đốc) thành Chủ tịch HĐQT thay cho bà Võ Thu Thảo. Ông An cũng là đại diện pháp luật cho rất nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, như CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản Bình An (chủ đầu tư dự án Galaxy 9 Residence), CTCP Thương mại đầu tư An Nhi, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Tân Sơn Bình, CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản Đại Phát, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Citi Land…
Tuy nhiên đến cuối năm 2020, Công ty bổ sung thêm hạng mục tư vấn bất động sản và quyền sử dụng đất nên về cơ bản, có thể xem Fuji Nutri Food là một công ty có hoạt động trong lĩnh vực này.
FLC lên tiếng về lộ trình 'cứu' cổ phiếu
Sau khi bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cảnh báo nâng lên diện đình chỉ giao dịch với cổ phiếu FLC vì chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay, Tập đoàn FLC đã có báo cáo với Ủy ban Chứng khoán và HoSE về lộ trình khắc phục các vi phạm này.
Theo đó, FLC cho biết đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt để kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 từ 21/7/2022. Sau gần 1 tháng tích cực triển khai, việc kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 cơ bản đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã thống nhất.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh vụ việc cá nhân của một số cựu lãnh đạo FLC chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng, việc kiểm toán các báo cáo tài chính này cần được thực hiện kỹ lưỡng, cẩn trọng nhằm đảm bảo tính chính xác, toàn diện, minh bạch", FLC cho biết.
Ngày 15/8, Tập đoàn đã đề nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán hướng dẫn, hỗ trợ FLC giải quyết vướng mắc về kiểm toán các báo cáo tài chính. Trên cơ sở sự hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán và sự hỗ trợ của Kiểm toán An Việt gần đây, FLC kỳ vọng có thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 trong tháng 9/2022.
Theo FLC, ngay sau khi phát hành báo cáo này, HĐQT sẽ triệu tập họp đại hội đồng cổ đông năm 2022, dự kiến tổ chức vào tháng 11. Tại cuộc họp này, HĐQT sẽ trình thông qua nội dung lựa chọn đơn vị kiểm toán soát xét các báo cáo tài chính năm 2022. Sau đó, FLC sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị được lựa chọn và dự kiến công bố các báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét vào tháng 12.
Ông Doãn Hữu Đoàn (phải) giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT FLC thay ông Đặng Tất Thắng xin từ nhiệm từ ngày 17/8/2022. |
Trước đó, FLC công bố Phó chủ tịch HĐQT mới thay ông Đặng Tất Thắng kể từ ngày 17/08/2022, đó là ông Doãn Hữu Đoàn.
Ông Đoàn là một trong ba thành viên HĐQT được bầu bổ sung tại đại hội bất thường ngày 02/07 năm nay, hai người còn lại là ông Lê Thái Sâm và ông Lê Bá Nguyên. Trong đó, ông Nguyên đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và là anh vợ của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản trị và lãnh đạo cấp cao, Bamboo Airways có ông Dương Công Minh làm Cố vấn
Theo thông báo từ HĐQT Hãng hàng không Bamboo Airways, doanh nhân Dương Công Minh đã nhận lời trở thành Cố vấn cao cấp HĐQT của Hãng.
Ông Dương Công Minh là một doanh nhân kỳ cựu có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản. Ông là nhà sáng lập và lãnh đạo cấp cao của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tên tuổi như Công ty cổ phần Him Lam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)…
Doanh nhân Dương Công Minh (bên phải) trở thành Cố vấn cao cấp HĐQT của Bamboo Airways. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, việc ông Dương Công Minh trở thành Cố vấn cao cấp HĐQT của Hãng có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cải tổ, kiện toàn bộ máy quản trị và lãnh đạo cấp cao của Bamboo Airways, hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn một cách bền vững trong giai đoạn phát triển mới.
Trước đó, ngày 13/8, Bamboo Airways đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường, qua đó bầu bổ sung ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm, ông Nguyễn Mạnh Quân, ông Doãn Hữu Đoàn là thành viên HĐQT thay thế các thành viên đã miễn nhiệm.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng được HĐQT bầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, ông Doãn Hữu Đoàn giữ chức vụ Phó chủ tịch Thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Hoàng Anh Gia Lai bị phạt vì cho cổ đông cá nhân vay tiền
Hoàng Anh Gia Lai bị Ủy ban chứng khoán phạt hành chính 245 triệu đồng do ba lỗi, đứng đầu là vi phạm quy định giao dịch với cổ đông.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với tổng số tiền 245 triệu đồng.
Trong đó, công ty này bị phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông. Theo Ủy ban chứng khoán, năm 2021, công ty có khoản cho vay với bên liên quan là cổ đông cá nhân.
Theo quy định, công ty đại chúng sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 150 triệu đồng nếu vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này, không ký kết hợp đồng bằng văn bản khi tiến hành giao dịch với người có liên quan.
Trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, Hoàng Anh Gia Lai cho Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức vay hơn 100 tỷ đồng. |
Trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận các khoản cho vay với các bên liên quan là cá nhân với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, công ty cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Nguyên Đức vay hơn 100 tỷ đồng trong năm trước.
Theo báo cáo quản trị, ông Đức cũng là cổ đông cá nhân lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai với sở hữu 34,5%.
Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai cũng bị phạt 120 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định và công bố thông tin không đầy đủ nội dung. Các quyết định xử phạt này liên quan đến việc công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 và giao dịch giữa công ty với người có liên quan.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai là hơn 19.000 tỷ đồng, nợ phải trả khoảng 14.614 tỷ và vốn chủ sở hữu 4.640 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty tăng dư nợ vay, chủ yếu tăng mức vay tại Sacombank và được cấp mới ngắn hạn gần 500 tỷ tại VPBank.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét