Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam: Tăng trưởng vẫn dựa vào quy mô hơn là năng suất

500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam: Tăng trưởng vẫn dựa vào quy mô hơn là năng suất

Danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE 500) vừa được công bố cho thấy bức tranh tổng quan về quy mô, hoạt động của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

.
Nhóm nghiên cứu Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia công bố kết quả nghiên cứu về kết quả hoạt động của 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500)

Sáng ngày 10/08, tại Hội thảo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố kết quả nghiên cứu về kết quả hoạt động của 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500).

Nhóm 500 doanh nghiệp VPE 500 được lựa chọn dựa trên việc xếp hạng theo giá trị trung bình thứ hạng của 3 tiêu chí lao động; tổng tài sản; doanh thu. Đây là điểm khác biệt đối với nhiều báo cáo trước đây khi thường sắp xếp theo từng tiêu chí riêng lẻ.

Theo kết quả nghiên cứu, trong giai đoạn 2016-2020, có tổng cộng 823 doanh nghiệp vào/ra danh mục nhóm 500 doanh nghiệp được lựa chọn hàng năm. Con số này khá lớn khi nhìn sang nhóm chỉ số S&P 500 với khoảng 800 doanh nghiệp vào/ra trong 30 năm.

Trong đó, 237 doanh nghiệp giữ vị trí ổn định suốt 5 năm, chiếm 47,4% tổng số doanh nghiệp. Khoảng 18-20% số doanh nghiệp có mặt trong VPE500 của năm trước không có mặt trong năm sau đó. Tỷ lệ này tại nhóm Fortune 500 giai đoạn 1955-2014 thấp hơn (12,2%).

.
Hơn 47% doanh nghiệp giữ vị trí ổn định trong VPE500 suốt 5 năm

Xét theo từng ngành lĩnh vực, nhóm ngành dịch vụ có mức biến động lớn hơn so với nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỷ lệ rút khỏi danh mục VPE 500 của ngành dịch vụ là 38,4%, còn tỷ lệ này tại ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khoảng 32,8%. Nguyên nhân được nhóm nghiên cứu chỉ ra là bởi tính ổn định của thị trường hoặc chu kỳ đầu tư dài hơn của lĩnh vực sản xuất so với dịch vụ.

Biến động của VPE 500 là khá lớn trong danh mục giữa các năm, theo nhóm nghiên cứu, thời gian và tích lũy là hai yếu tố khá quan trọng trong định hình VPE 500. Cùng đó, mức độ tập trung của khu vực VPE 500 cao, đóng góp doanh thu, tài sản đặc biệt cao ở một số ngành thâm dụng vốn.

Kết quả nghiên cứu trên nhóm 500 doanh nghiệp này cho thấy, 70% số doanh nghiệp tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và đông nam bộ, cũng là khu vực có nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo. Ở các tỉnh xa, vẫn có một số VPE 500 gắn với thế mạnh địa phương như các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, gỗ ở Tây Nguyên, lĩnh vực chế biến thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long hay các doanh nghiệp có phạm vi hoạt động trên cả nước có xuất xứ khi thành lập tại một địa phương.

Xét theo năm thành lập, top 500 trên có nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động trong giai đoạn 2005-2010 nhờ tác động từ việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2004 cùng tác động tích cực từ việc gia nhập WTO.

 Số lượng các doanh nghiệp ngành công nghiệp dịch vụ trong VPE500 (2019) theo năm thành lập 

Đi sâu vào bức tranh hoạt động của VPE 500, nhóm nghiên cứu nhận thấy tài sản và doanh thu của nhóm VPE 500 đang tăng nhanh nhất so với nhóm doanh nghiệp nhà nước (SOE), doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như nhóm các doanh nghiệp tư nhân (VPEs). Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động của VPE 500 không cao hơn nhiều của VPE.

Theo TS. Thắng, năng suất lao động không có sự vượt trội rõ rệt ở nhóm VPE 500 cho thấy, tăng trưởng nhóm này vẫn dựa trên mở rộng nguồn lực, tăng quy mô hơn là tăng năng suất lao động.

VPE 500 có khả năng sinh lời và hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn doanh nghiệp niêm yết nói chung. Tuy nhiên, ROA, ROE của VPE 500 có xu hướng giảm trong 3 năm trở lại đây cho thấy, hiệu quả sử dụng vốn và khả năng sinh lời của nhóm VPE 500 niêm yết trên thị trường chứng khoán giảm. Đây cũng là xu thế chung của doanh nghiệp niêm yết và có thể do tác động của đại dịch COVID-19. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, VPE 500 nhìn chung không có sức chống chịu tốt hơn VPEs khi cùng phải chống chịu đối với ảnh hưởng của dịch Covid-19.

VPE 500 có mức độ công nghệ tương đối hiện đại hơn các VPEs, thể hiện qua tuổi đời của máy móc thiết bị trẻ hơn cùng tỷ lệ máy móc tự động vượt trội. VPE 500 có cơ hội về số hóa, về khả năng tiếp cận máy móc và hưởng lợi từ FDI lớn hơn nhiều so với các VPEs. Tuy nhiên, hoạt động tự phát triển công nghệ và máy móc thiết bị của VPE 500 và VPEs thông qua đầu tư R&D đều rất thấp.

Nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất này cũng có mối liên kết với khu vực FDI và doanh nghiệp khác tốt hơn cùng tỷ lệ xuất khẩu cao hơn các doanh nghiệp tư nhân khác. Dù có mối quan hệ lan tỏa về năng suất giữ VPE 500 và các doanh nghiệp khác, nhưng không nhiều, vẫn tồn tại tác động do cạnh tranh về thị trường hoặc đầu vào.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét