Cơ quan chức năng đã hoàn thành trả giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu cho 4/7 doanh nghiệp đầu mối.
Bộ Công thương cho biết, đã có 4 doanh nghiệp đầu mối đã được trả giấy phép xuất nhập khẩu. |
Trước phản ánh về việc hàng loạt cửa hàng xăng dầu nghỉ bán và có nguy cơ phải đóng cửa, đe dọa nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan để bàn giải pháp.
Vụ Thị trường trong nước cho biết, dù thế giới có nhiều biến động và nguồn cung trong nước gặp khó do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng, song, thị trường xăng dầu trong nước vẫn ổn định.
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, trên cả nước mới chỉ có số ít cửa hàng báo không đủ nguồn hàng. Vừa qua, cơ quan này cũng đã chủ trì đoàn thanh tra 23 doanh nghiệp đầu mối và tước giấy phép 7 đơn vị. Đến nay 4 doanh nghiệp đầu mối đã được trả giấy phép.
Bộ trường Nguyễn Hồng Diên cho rằng, không chỉ là tạm rút giấy phép mà tới đây sẽ đối chiếu theo các quy định rút vĩnh viễn giấy phép đối với các doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh hiện hành. Đồng thời, với việc rút giấy phép của các doanh nghiệp vi phạm thì sẽ nghiên cứu, xem xét cấp cho các doanh nghiệp khác có đủ điều kiện, năng lực.
Bộ Công thương nêu, thực tế, số lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam không lớn chỉ từ 20%, cao lắm mới 28% nhu cầu trong nước, trong khi Việt Nam có tới 36 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Vì vậy, 7 hay 10 doanh nghiệp vi phạm bị rút giấy phép trong thời hạn nhất định thì cũng không ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu, tới nguồn cung của cả nước.
Tại Hà Nội, nguồn cung xăng dầu vẫn được đảm bảo ở mức cao nhất. Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có 492 cửa hàng kinh doanh xăng dầu 8 doanh nghiệp đầu mối. Nhu cầu xăng dầu 1 tháng của thành phố là 146.500 m3, khả năng đáp ứng là 170.000m. 8 tháng thành phố xử lý 139 vụ xử phạt 1,8 tỷ đồng. Hiện các cửa hàng kinh doanh xăng dầu bình thường, hiện có 24 cửa hàng đóng cửa do các lý do không liên quan đến nguồn cung.
Đối với giá bán xăng dầu, người đứng đầu ngành Công thương cho biết: "Kể cả những lúc giá được xem là lên cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam thì mức giá bán lẻ vẫn thấp hơn so với khu vực và thế giới. Gần đây, các mức thuế đã được điều chỉnh như giảm ¾ mức thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu xăng dầu..., đã giúp hạ nhiệt giá bán trong bối cảnh giá thế giới vẫn cao".
Cụ thể, trong 5 kỳ điều hành gần đây, do giá xăng dầu thế giới giảm dần, cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu MFN với xăng dầu, nên giá xăng dầu trong nước đã giảm mạnh. Giá xăng RON95 từ lúc cao điểm gần 33.000đồng/lít cuối tháng 6, hiện đã xuống dưới 26.000 đồng/lít.
Từ hai tháng trở lại đây, hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn đều bảo đảm đủ nguồn cung tới 72% lượng xăng dầu trong nước theo yêu cầu. Hai đơn vị này cũng cam kết, trong thời gian còn lại của năm 2022 sẽ bảo đảm đủ nguồn cung tới 80% nhu cầu của cả nước. Chính như vậy, Việt Nam đã có khả năng đáp ứng 80% nhu cầu và chỉ có 20% là nhập khẩu.
Cụ thể, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng, dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn quý 3 dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,3 triệu m3/tháng) và quý 4 dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,46 triệu m3/tháng).
Về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Trước thực tế đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu thị trường trong nước từ nay tới cuối năm luôn được bảo đảm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét