Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Ngành đường… chưa ngọt

Hơn một năm kể từ khi áp thuế với đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan, đã có khoảng thời gian biên lợi nhuận ngành đường được cải thiện. Tuy nhiên, 5 tháng gần đây, đầu ra của ngành đường lại gặp khó.

Tình hình sản xuất đường trong nước lại không ghi nhận nhiều thuận lợi.  Ảnh: Đức Thanh

Lại “đắng”

Số liệu cập nhật trên Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) cho thấy giá đường giao kỳ hạn đã rơi xuống mức thấp nhất một năm vào những ngày cuối tháng 7 khi rơi xuống còn khoảng 17,5 UScent/pound, giảm hơn 14% so với thời điểm giữa tháng 4 đang neo ở vùng giá cao nhất 5 năm gần đây.

Triển vọng nguồn cung mạnh mẽ cùng lo ngại suy thoái kinh tế và việc Chính phủ Brazil trì hoãn việc tuân thủ các mục tiêu về nhiên liệu tái tạo làm hụt nhu cầu về nhiên liệu sinh học đã tác động lên diễn biến mặt hàng này. Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), cán cân cung - cầu đường niên vụ 2021 - 2022 dự báo thặng dư nhẹ 237.000 tấn, thay vì mức thâm hụt 1,92 triệu tấn trong dự báo đưa ra hồi tháng 2/2022. Triển vọng đường niên độ tới cũng được đánh giá tương đối khả quan với mức dư cung khoảng 2,77 triệu tấn.

Trong khi đó, tình hình sản xuất trong nước lại không ghi nhận nhiều thuận lợi, ở cả khâu sản xuất và tiêu thụ. Sau niên độ 2020/2021 ghi nhận sản lượng mía sản xuất thấp nhất trong 20 năm, với 17 nhà máy đã ngừng sản xuất và phá sản, sản lượng đã tăng hơn 11% từ mức đáy. Toàn ngành đã ép được 7,5 triệu tấn mía, sản xuất được gần 741.700 tấn đường trong niên vụ 2021 - 2022. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tình trạng vật tư nông nghiệp tăng giá gây trở ngại lớn cho nỗ lực phục hồi vùng nguyên liệu. Đầu ra của ngành đường gặp “bế tắc” 5 tháng gần đây cũng đang đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng mía đường.

Ở thời điểm hiện tại, đã hơn 1 năm trong lộ trình kéo dài 5 năm Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan phân loại theo 6 mã HS với mức thuế 47,64%. Tuy vậy, thực tế đã có sự dịch chuyển và gia tăng bất thường đối với lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia thuộc ASEAN.

Theo dự thảo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) công bố hồi giữa tháng 7, tổng lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar tăng lên tới gần 14.000% trong tháng 2/2021 ngay trước khi Bộ Công thương tiến hành áp dụng biện pháp chống bán phá giá và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 3 với mức tăng gần 2.600%.

Với việc xác định tồn tại thiệt hại rõ ràng của ngành sản xuất trong nước, bản dự thảo trên cũng nêu ra một số kiến nghị như áp dụng biện pháp chống lẩn tránh đối với các doanh nghiệp sản xuất đường từ đường thô và không chứng minh được chính xác nguồn gốc nguyên liệu hoặc không nộp được các chứng từ, tài liệu chứng minh lô hàng không sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ Thái Lan.

Trữ tồn kho chờ chính sách

Theo báo cáo tài chính Công ty cổ phần Mía đường Sơn La vừa ban hành, giá trị tồn kho của doanh nghiệp mía đường này đã tăng lên 468,5 tỷ đồng, tăng 89% so với thời điểm cách đây 1 năm và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. Tồn kho tăng lên chủ yếu do tăng trữ gấp đôi lượng thành phẩm. Tồn kho tại Mía đường Kon Tum tại thời điểm ngày 30/6 cũng tăng lên 83 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần lượng tồn kho 1 năm trước.

Cùng đó, theo khối phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS), các doanh nghiệp cũng đang có tâm lý đợi ban hành thuế chống lẩn tránh phòng vệ thương mại từ 5 quốc gia thuộc ASEAN.

Trong 10 năm qua, Thái Lan là nhà sản xuất đường lớn thứ 4 và xuất khẩu đường đứng thứ 2 trên thế giới. Theo dự báo, sản lượng đường quốc gia này tiếp tục tăng 2,6% lên 10,5 triệu tấn trong năm 2022.

Việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan cùng xu hướng khá tích cực của giá đường thế giới đã giúp nhiều doanh nghiệp đường cải thiện về doanh thu và biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn đầu.

Như tại Công ty Đường Quảng Ngãi - đơn vị sở hữu nhãn hiệu sữa đậu nành Vinasoy, doanh thu và lợi nhuận gộp năm 2021 riêng mảng đường đã tăng lần lượt tăng 59% và 107% so với năm 2020. Ngoài việc đưa vào dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE vào tháng 7/2021, Ban lãnh đạo Công ty cũng thừa nhận chính sách thuế đã giúp giảm tác động cạnh tranh không lành mạnh của đường Thái Lan. Mảng đường cũng là động lực tăng trưởng chính của Công ty năm 2021 khi các trụ cột như sữa đậu nành, nước khoáng đi xuống. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2022, lợi nhuận của Đường Quảng Ngãi gần như đi ngang trong bối cảnh giá đường giảm.

Tại Mía đường Sơn La và Mía đường Kon Tum, doanh thu quý IV niên độ tài chính 2021-2022 (từ 31/3 đến 30/6) cũng ghi nhận sự đi lùi của doanh thu ở mảng đường, lần lượt giảm 17% và gần 40% so với quý cuối của niên độ tài chính liền trước. Cả hai doanh nghiệp đều báo lãi ròng giảm trong quý.

Tuy nhiên, tính chung cả năm, doanh thu Mía đường Sơn La vẫn tăng 8%. Biên lợi nhuận nhích nhẹ cũng đã giúp công ty này lãi ròng 188 tỷ đồng, tăng 14,6% so với niên độ 2020-2021. Mía đường Kon Tum dù hụt gần 29% doanh thu, nhưng biên lợi nhuận gộp cả niên độ cải thiện từ mức 11,2% lên 15,8% đã giúp lợi nhuận sau thuế tăng 40% lên hơn 8 tỷ đồng, tương ứng mức tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) được cải thiện lên 4,7%.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đã xuất hiện tình trạng các nhà máy dù có nỗ lực giảm giá bán đường để có tiền thanh toán mía cho nông dân và đầu tư cho vụ mía kế tiếp, nhưng cũng không đẩy sản lượng tiêu thụ được. Nguyên nhân một phần bởi nguồn cung dồi dào từ nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu và nền kinh tế phục hồi chậm dù đã có yếu tố hỗ trợ cho việc gia tăng tiêu thụ đường khi xuất hiện thời tiết nắng nóng tại một số địa phương thời gian qua.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét