Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

Lực cản từ tư duy đẩy khó cho doanh nghiệp

Khi doanh nghiệp vẫn là đối tượng bị kiểm soát trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách, công chức thực thi, thì môi trường kinh doanh rất khó đạt được tiêu chí thuận lợi, an toàn.

Sau 2 năm bầm dập bởi Covid-19, doanh nghiệp đang rất cần được hỗ trợ, tạo thuận lợi để hồi phục và phát triển. Ảnh: Đ.T

Những câu hỏi khó

“Tôi vừa đi công tác một số địa phương, có nơi 6 tháng đầu năm không cấp được một giấy phép xây dựng nào thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Đây có phải là một điều bình thường không? Theo tôi là không”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt vấn đề.

Trước đó, ông và một số chuyên gia kinh tế được đề nghị chia sẻ những khuyến nghị cho việc hoạch định chính sách giai đoạn 6 tháng cuối năm, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, khó lường.

Vốn là chuyên gia về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh, nên cách tiếp cận của ông Cung luôn từ hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Chuyến đi hơn 1 tháng, tới nhiều tỉnh, thành phố đã cho ông thấy một bức tranh “còn rất khó khăn” của doanh nghiệp.

Đó là chi phí hoạt động sản xuất - kinh doanh đang tăng cao, do tác động từ giá cả nguyên vật liệu, chi phí logistics... Đặc biệt, chi phí lao động ở các tỉnh phía Nam tăng đột biến do nguồn cung khan hiếm...

“Nhưng các chi phí này còn có thể tính toán được. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi, có cách nào để thực hiện các dự án nhanh hơn không, ít nhất là được như các quy định về thời gian; hay tại sao vẫn quy định đó, thủ tục đó mà trước kia họ làm được, giờ lại khó khăn thế...”, ông Cung chia sẻ.

Không chỉ ông Cung nhận được những câu hỏi khó. TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cũng cảm nhận điều khác biệt từ những câu hỏi của doanh nghiệp.

“Trước đây, doanh nghiệp hay hỏi về thị trường, sản phẩm, cạnh tranh trong các ngành, lĩnh vực; nhưng hiện tại, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi về các cân đối vĩ mô, về chỉ số lạm phát, tăng trưởng GDP, USD Index, đến động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)... Đặc biệt, các doanh nghiệp quan tâm đến các quan điểm của các bộ, ngành và Chính phủ trong điều hành kinh tế”, ông Bình chia sẻ.

Sau 2 năm bầm dập bởi Covid-19, giới kinh doanh tiếp tục cảm nhận rõ những biến số cho kịch bản phục hồi và tăng trưởng của doanh nghiệp không chỉ đến từ các yếu tố của thị trường, của xu hướng phát triển, mà còn phụ thuộc rất lớn tình hình kinh tế vĩ mô và chất lượng điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Lấn cấn từ tư duy thực thi

Cuối cùng, HĐND TP.HCM cũng thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện.

Kể từ ngày 1/8/2022, mức thu phí sẽ như nhau với hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM hay ngoài thành phố; giảm 50% mức phí với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng đường thủy nội địa… TP.HCM miễn thu phí với nhiều nhóm hàng hóa đặc thù cũng như nhóm hàng vận chuyển ra vào cảng bằng đường thủy nội địa theo Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy...

Nếu doanh nghiệp không thấy thuận lợi, an toàn cho các hoạt động đầu tư mới, không cảm thấy an toàn khi tiến hành đổi mới, sáng tạo, thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng thế nào sau khi các động lực trong quá khứ không còn.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) rất vui khi chia sẻ thông tin trên. “Chúng tôi vui vì sự cầu thị, đồng cảm của HĐND TP.HCM”, ông Hiệp nói.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng chưa an tâm, vì một số khái niệm chưa rõ, ví dụ như thế nào là hàng hóa được vận chuyển ra vào cảng bằng đường thủy nội địa để được hưởng mức giảm phí 50%. “Không có nhà máy nào nối với cảng hoàn toàn bằng đường thủy cả”, ông Hiệp lý giải băn khoăn.

Theo tính toán của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, việc giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thủy và giảm mức thu đối với hàng mở tờ khai tại các địa phương khác sẽ khiến Thành phố giảm gần 900 tỷ đồng mỗi năm. Song, lợi ích mà nền kinh tế nhận được từ động thái chính sách này lớn hơn rất nhiều.

“Các doanh nghiệp không chỉ nhìn thấy các khoản chi phí được cắt giảm, mà quan trọng là sự thống nhất, công bằng trong thực thi chính sách. Đây mới là mấu chốt cho các quyết định đầu tư lâu dài của doanh nghiệp”, ông Cung nói.

Cũng phải nhắc lại, để có được sự thay đổi này, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã mất 2 năm kiên trì gửi ý kiến, kiến nghị tới không chỉ các bộ, ngành, địa phương liên quan, mà tới tận Quốc hội, Chính phủ.

Trở lại địa phương nửa năm không có nổi một giấy phép xây dựng được cấp, ông Cung kể, đã đặt câu hỏi với chính lãnh đạo địa phương rằng, điều đó có bình thường không.

“Câu trả lời tôi nhận được cũng là không, nhưng họ chia sẻ, buộc phải thận trọng để đảm bảo nguyên tắc tuân thủ đúng, đủ các quy định của pháp luật, chấp nhận chậm cho doanh nghiệp, làm khó doanh nghiệp”, ông Cung chia sẻ.

Nguyên nhân được giải thích là hệ thống quy định đang trong tình trạng hoàn thiện, sửa đổi, nên có nhiều quy định mới, nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, cần có thời gian để đảm bảo tuân thủ đủ, đúng.

Hơn thế, nhiều công chức nhắc đến tình trạng không ít quy định được hiểu khác nhau giữa cấp thực thi ở cơ sở và các cơ quan thanh tra, kiểm tra cấp trên, buộc họ phải tham vấn thận trọng trước khi đề xuất phương án xử lý...

Nhưng đáng nói là, tư duy sợ sai, sợ thiếu quy định để quản lý đang xuất hiện trở lại, chi phối khá lớn các đề xuất chính sách mới. Cuộc tranh luận giữa doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và Bộ Công thương về Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến là ví dụ điển hình.

Ông Cung cho rằng, Dự thảo Thông tư trên đang vi phạm Luật Đầu tư, khi đưa ra hàng loạt điều kiện kinh doanh cho các mô hình kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng tiện lợi.

“Cho dù đại diện Bộ Công thương giải trình các quy định đó không phải là điều kiện kinh doanh, nhưng với cách quy định nếu doanh nghiệp không tuân thủ các tiêu chí, yêu cầu sẽ bị phạt, thì đó là cách thức giới hạn quyền kinh doanh của doanh nghiệp, đó là điều kiện kinh doanh. Đây là một biểu hiệu cụ thể của tư duy coi doanh nghiệp là đối tượng để quản lý, chứ không phải là đối tượng để hỗ trợ như các bộ, ngành vẫn luôn nói”, ông Cung thẳng thắn.

Trong bối cảnh này, việc triển khai các dự án, hoạt động đầu tư quen thuộc cũng khó khăn, chứ chưa nói đến mô hình, ý tưởng kinh doanh mới...

“Nếu doanh nghiệp không thấy thuận lợi, an toàn cho các hoạt động đầu tư mới, không cảm thấy an toàn khi tiến hành đổi mới, sáng tạo, thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng thế nào sau khi các động lực trong quá khứ không còn”, ông Cung đặt vấn đề.

Câu hỏi này cũng đang được đặt ra trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khi vốn đăng ký mới đang có dấu hiệu suy giảm.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét