Duy trì sản xuất “3 tại chỗ” khiến năng suất lao động giảm nhiều, chi phí đầu vào tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận để giữ chuỗi cung ứng thông suốt.
Duy trì sản xuất “3 tại chỗ” khiến năng suất lao động giảm nhiều, chi phí đầu vào tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận để giữ chuỗi cung ứng thông suốt. |
Doanh nghiệp đã mệt
“Chúng tôi lo không biết sẽ duy trì sản xuất trong tình trạng này trong thời gian bao lâu nữa, vì nguồn lực có hạn, người lao động lẫn quản lý đều mệt mỏi, trong khi chi phí để sản xuất đã tăng lên rất cao”. Trên đây là ý kiến của phần lớn lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may có vốn của Vinatex đóng tại phía Nam, từ Việt Tiến, Phong Phú, Nhà Bè, Việt Thắng… tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam hôm đầu tuần qua.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, để trả đơn hàng cho khách, họ đã tổ chức làm việc “3 tại chỗ” nhưng gặp nhiều trở ngại dẫn đến việc duy trì sản xuất theo phương án này sẽ không được lâu dài.
Tác động của đợt dịch năm 2021 đến chuỗi cung ứng, về bản chất, là khác hoàn toàn so với năm 2020. Năm 2021 tác động của chúng ta là không phải về nguồn cung hay cầu, mà chính ở các nhà máy sản xuất.
Trên thực tế, các thị trường tiêu thụ của Việt Nam đã hồi phục, nhưng các doanh nghiệp đang gặp khó ở việc làm sao để đảm bảo sản xuất, bởi tình hình dịch hiện này khiến họ rất khó hoàn thành đơn hàng để giao cho khách.
Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động
Nguyên nhân do lực lượng lao động đăng ký ở lại nhà máy tham gia sản xuất “3 tại chỗ” không đồng đều, có nơi chỉ tổ chức được 10-20% trên tổng số lao động, năng suất lao động giảm mạnh. Không những thế, việc tổ chức “3 tại chỗ” đã làm gia tăng nhiều chi phí như xét nghiệm sàng lọc Covid-19, các bữa ăn hàng ngày, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho người lao động ở lại, chi bồi dưỡng thêm cho người lao động…
Đây chỉ được coi là giải pháp trước mắt trong ngắn hạn từ 3-4 tuần để có thể hoàn thành nốt các đơn hàng đã ký với khách hàng nhằm giảm thiểu thiệt hại. Hầu hết các doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng khó khăn chưa từng có và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.
Với quy mô hơn 3,6 vạn lao động, Tổng công ty CP May Việt Tiến cho biết, sản xuất lâu dài trong tình cảnh hiện nay là không thể, do doanh nghiệp đã không đủ nguồn lực.
Là doanh nghiệp từng sản xuất trong tâm dịch tại Bắc Giang, Tổng công ty May Bắc Giang LGG chia sẻ, rủi ro kinh doanh trong giai đoạn này rất lớn, bởi chi phí để duy trì sản xuất trong hoàn cảnh dịch bệnh rất tốn kém, doanh nghiệp phải thường xuyên xét nghiệm CPR cho người lao động, mà khoản chi phí xét nghiệm này không hề nhỏ, chưa kể hàng loạt các chi phí khác như biến động giá nguyên liệu đầu vào, giá đầu ra không tăng.
Ông Lưu Tiến Chung, Tổng giám đốc May Bắc Giang LGG cho biết, sản xuất trong tâm dịch, các công nhân trước khi vào làm đều phải được test chậm 2 lần bằng PCR. Với những công nhân sinh sống trong vùng dịch, vùng bị cách ly xã hội không thể đến nhà máy, LGG vẫn trả lương và duy trì các chi phí cố định khác. Điều này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao.
Chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chuỗi cung ứng
Ngành sản xuất và xuất khẩu đã đi qua chặng đường 7 tháng đầu năm 2021 với những khó khăn của đợt Covid-19 lần thứ 4, riêng tháng 7/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng ở “điểm nóng” TP.HCM đã giảm 19,4%. Tính chung 7 tháng, thì IIP của cả nước ước tính vẫn tăng 7,9%
Trước vô vàn khó khăn về sản xuất 5 tháng cuối năm, để duy trì được chuỗi cung ứng thông suốt, doanh nghiệp đang phải chấp nhận đánh đổi về lợi nhuận, bởi chi phí đầu vào đã và tiếp tục tăng quá sức tưởng tượng khi thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu hụt lao động, vận chuyển hàng hóa trong nước tăng giá, cước vận tải biển đi quốc tế tăng từ 5-7 lần…
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động, trong đợt dịch lần này, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là dệt may và da giày, trong khi cả 2 ngành này lại đang nhận được rất nhiều đơn hàng.
Tuy nhiên, quần áo, giày dép vốn là các mặt hàng nặng tính mùa vụ, nếu giao hàng chậm doanh nghiệp sẽ bị phạt theo hợp đồng. Với mặt hàng may, nếu đơn hàng bị muộn, thay vì phải chịu mức phạt cao, nhà sản xuất phải chuyển hàng bằng đường hàng không, chi phí sẽ đội lên khủng khiếp.
Trước tình hình khó khăn như vậy, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã phát ra cảnh báo: “Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Để quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình”.
Dự báo trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định của nhiều địa phương về giãn cách xã hội, đơn hàng trong nước của nhiều ngành sản xuất như ô tô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Do đó, việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn
Với mục tiêu hàng đầu là giữ được khách hàng, đảm bảo chuỗi cung ứng và việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp trong nhiều ngành xuất khẩu lớn đang gia tăng liên kết, chia sẻ nguyên phụ liệu và gia tăng mua nguyên liệu trong nước để giảm bớt khó khăn.
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai, ông Bùi Thế Kích cho biết: “Doanh nghiệp đã tìm thêm các nhà cung ứng vải, phụ liệu cho may mặc từ những nhà cung cấp trong nước, nhờ đó, có những lô hàng xuất khẩu, nguyên phụ liệu mua trong nước đạt 50-60%”.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét