Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Doanh nghiệp xuất khẩu sang EU ngắm đích mới

Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thay đổi, đầu tư thêm trang thiết bị mới để chế biến, sản xuất các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường EU.

Nhà máy sản xuất, chế biến gạo Trung An tại Hậu Giang Ảnh: ĐT
Nhà máy sản xuất, chế biến gạo Trung An tại Hậu Giang. Ảnh: ĐT

Gần 30% hàng xuất EU hưởng ưu đãi thuế quan

22,5 tỷ USD là lượng ngoại tệ mà Việt Nam đã thu về nhờ xuất khẩu một lượng hàng hóa lớn và đa dạng sang thị trường EU trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Con số này được xem là ấn tượng trong bối cảnh đại dịch vẫn đang làm hạn chế thương mại toàn cầu.

Cú hích cho kết quả trên chính là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sự nhanh nhạy nắm bắt những điều kiện, cam kết EVFTA của các doanh nghiệp Việt thể hiện ở con số gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU đã được hưởng ưu đãi thuế quan.

Số liệu của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, ước tính, đã có gần 4 tỷ USD giày dép xuất sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA tính từ thời điểm FTA này có hiệu lực. Theo cam kết trong EVFTA, 100% các dòng hàng giày dép được cắt giảm thuế quan về 0% với lộ trình tối đa 7 năm. Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế của EVFTA với hàng xuất khẩu lên đến 29,09%. Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, như sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD, tăng 56,91%; gạo đạt 5,2 triệu USD, tăng 3,73; sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 70,5 triệu USD, tăng 33,75%; rau quả đạt 63,8 triệu USD, tăng 12,5%.

“Rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đã tận dụng được các lợi thế của EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và hưởng ưu đãi thuế quan”, Bộ Công thương khẳng định.

Điều này cho thấy, việc tận dụng những cơ hội từ EVFTA của cả phía Việt Nam và EU tốt hơn so với những hiệp định khác mà Việt Nam ký kết trước đây, thể hiện ở cả kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU và kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam.

Bên cạnh những mặt hàng truyền thống, danh sách hàng hóa xuất sang EU ngày càng mở rộng. Ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sức đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU cho biết, ngoài dệt may, da giày, điện tử, thì mặt hàng xuất khẩu tăng khá mạnh thời gian qua là nông, lâm, thủy sản, nhất là rau quả, đồ gỗ đã có tăng trưởng đột biến. “Nếu không có EVFTA, không thể nào đạt được kết quả đáng khích lệ như vậy”, ông Thảo khẳng định.

Theo Đại diện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, TS. Casrten Schittek, hàng Việt Nam xuất sang EU tăng mạnh trong một năm sau khi EVFTA có hiệu lực. “Điều này giúp chúng tôi có thêm lựa chọn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát khiến hàng hóa từ các quốc gia khác bị gián đoạn”, ông Casrten Schittek nói.

Ngắm đích mới

EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, chỉ sau 5 tháng thực thi, hiệp định này tạo cú hích đáng kể cho tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam - EU năm 2020, với tổng kim ngạch 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang EU 35,1 tỷ USD và tiếp tục tăng 18% trong 7 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, nửa đầu năm 2020, thời điểm chưa thực thi EVFTA, xuất khẩu hàng hóa nước ta sang các thị trường EU đều giảm mạnh, quý II giảm 4,97% so với quý I/2020.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) kỳ vọng: “Với kết quả sau một năm thực thi EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn tự tin khi EU mở cửa, không chỉ về thuế mà cả hàng rào phi thuế quan cũng được gỡ bỏ, từ đó thương mại song phương sẽ tiến đến đích mới”.

Nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, bảo vệ môi trường theo quy định từ EU và tìm kiếm cơ hội thâm nhập sâu hơn thị trường này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thay đổi, có sự chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư thêm các trang thiết bị mới để chế biến, sản xuất các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Mới đây, lô hàng 6 tấn vải thiều đã cập cảng Rotterdam (Hà Lan) sau 5 tuần vận chuyển bằng đường biển nhờ áp dụng công nghệ bảo quản hiện đại, nghiêm ngặt, có thể giúp vải thiều tươi trong vòng 8-9 tuần. Đây là lần đầu tiên container vải tươi Việt Nam xuất khẩu sang EU - một dấu mốc rất quan trọng để sau này các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư một cách bài bản hơn và mở ra tương lai xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường châu Âu.

Theo Bộ Công thương, điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép của phần lớn doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam đã tận dụng được tối đa ưu đãi của EVFTA. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cao su, đồ gỗ, thủy sản, rau quả cũng nhanh chân tăng được lượng hàng xuất sang châu Âu. Trong bối cảnh dịch bệnh làm ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu và cước vận tải biển tăng cao, kết quả tăng trưởng xuất khẩu sang EU đạt 4,5% trong 5 tháng cuối của năm 2020 và 15,5% trong 7 tháng đầu năm 2021 là hết sức ấn tượng.

Adblock test (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét