Chỉ một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra gói vay tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng để triển khai gói vay trả lương ngừng việc, các doanh nghiệp đã ồ ạt gửi hồ sơ vay vốn.
Các chi nhánh của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các địa phương đã phê duyệt hồ sơ vay vốn gói 7.500 tỷ đồng cho 39 doanh nghiệp với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng để trả lương cho trên 12.000 lao động. |
Hàng chục tỷ đồng đã được giải ngân
Một tuần sau khi NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn cho vay tái cấp vốn gói 7.500 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, đã có hàng chục doanh nghiệp được tiếp cận gói vay. Tốc độ giải ngân gói vay này tăng mạnh so với gói vay trả lương ngừng việc 16.000 tỷ đồng năm 2020.
Bà Nông Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải công nghệ Mai Linh Lạng Sơn - doanh nghiệp đầu tiên trên cả nước tiếp cận được gói tín dụng 7.500 tỷ đồng cho biết, Covid-19 khiến Công ty bị ảnh hưởng nặng nề, nhu cầu đi lại của người dân giảm sút, khiến nhiều tài xế không có thu nhập, không có việc làm. Chính vì vậy, Công ty đã nộp hồ sơ xin được vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động và đã ngay lập tức được giải ngân vào ngày 21/7.
Trong khi đó, ông Lương Văn Thư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu (Bắc Ninh) cũng rất phấn khởi, vì Công ty đã được vay hơn 7 tỷ đồng lãi suất 0% để trả lương cho 1.800 lao động trong tháng 7/2021.
“Đây là sự hỗ trợ rất lớn, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất”, ông Thư cho biết.
Tại Bắc Ninh, ngoài May Đáp Cầu và một doanh nghiệp khác đã được duyệt hồ sơ cho vay, có thêm 5 doanh nghiệp nữa đã hoàn thiện hồ sơ và 6 doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục. Tổng số tiền vay mà doanh nghiệp đề xuất để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất là 63 tỷ đồng.
Tại các địa phương khác, doanh nghiệp cũng đang cấp tập nộp đơn xin vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất. Chẳng hạn, tỉnh Bắc Giang đã hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn từ gói 7.500 tỷ đồng cho 49 doanh nghiệp. Trong đó, đã có 13 doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ vay vốn trả lương cho trên 13.000 lao động, với tổng số tiền đề nghị vay hơn 44 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định đã ký hợp đồng tín dụng giải ngân gói vay này với 9 doanh nghiệp với số tiền trên 2,6 tỷ đồng để trả lương cho 395 lao động ngừng việc.
Tại Quảng Trị, Quảng Bình, khoảng 10 doanh nghiệp đã được tiếp cận gói vay 7.500 tỷ đồng này. Trong khi đó, hàng ngàn doanh nghiệp ở các địa phương khác cũng đã tiếp cận thông tin và đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ vay vốn. Được biết, tại Hà Nội, có khoảng 50 doanh nghiệp đang có nhu cầu tiếp cận gói tín dụng này, con số tại Nghệ An là 20 doanh nghiệp…
Kỳ vọng giải ngân hết 7.500 tỷ đồng
Theo thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các chi nhánh của ngân hàng này tại các địa phương đã phê duyệt hồ sơ vay vốn gói 7.500 tỷ đồng cho 39 doanh nghiệp với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng để trả lương cho trên 12.000 lao động.
Được biết, chỉ trong vòng 1 tuần triển khai gói vay trả lương ngừng việc, hỗ trợ phục hồi sản xuất, số tiền được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân đã cao hơn số tiền giải ngân gói cho vay trả lương ngừng việc năm 2020.
Cụ thể, tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành gói trả lương ngừng việc 16.000 tỷ đồng, nhưng do điều kiện khắt khe, mãi đến tháng 11/2020 mới có doanh nghiệp đầu tiên được tiếp cận gói vay này. Cho đến đầu năm nay (tức thời điểm dừng triển khai gói tín dụng 16.000 tỷ đồng để chuyển sang gói hỗ trợ mới), gói 16.000 tỷ đồng mới giải ngân được chưa đầy 42 tỷ đồng cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động (tỷ lệ 0,26%).
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư trong cuộc họp gần đây, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, kết quả triển khai gói 16.000 tỷ đồng không đạt yêu cầu, do điều kiện quá khắt khe, thủ tục rườm rà… Chính vì vậy, thủ tục gói vay 7.500 đồng được cắt giảm đến mức tối đa, song vẫn phải đảm bảo các bước rà soát.
“Với thủ tục, cơ chế thông thoáng hơn, cộng với mức độ ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh hiện nay, tôi tin rằng, gói 7.500 tỷ đồng sẽ nhanh chóng được giải ngân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Theo thông tin mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra, không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang quan tâm, tiếp cận gói vay này. Với tốc độ triển khai như hiện nay, chắc chắn, gói 7.500 tỷ đồng sẽ đạt tỷ lệ giải ngân cao trong thời gian tới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét