Kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh thuế và đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm là giải pháp quan trọng để duy trì xuất khẩu tới Mỹ.
Dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang Mỹ khi được giải tỏa lo ngại về hạn chế thương mại ảnh: đ.t |
Giải tỏa lo ngại về hạn chế thương mại
Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sau khi Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận về các hoạt động tiền tệ.
Đây là tin vui với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, bởi Mỹ đang là thị trường chủ lực, có tác động lớn tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của mỗi ngành hàng nói riêng và tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nói chung.
Ngày 24/7/2021, Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra theo Mục 301 - Đạo luật Thương mại 1974 về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ.
Theo đó, trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương)
“Tuyên bố này đã giúp giải tỏa phần lớn những lo ngại của đông đảo doanh nghiệp và nhà đầu tư về việc Mỹ có khả năng áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam theo điều khoản 301, trong đó có mặt hàng dệt may”, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) chia sẻ.
Không riêng doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp thuộc ngành hàng có tốc độ tăng trưởng tốt sang Mỹ trong thời gian qua là gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng mừng rỡ trước thông tin này.
Theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu 8,205 tỷ USD, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm 2020, đứng thứ 6 về giá trị kim ngạch trong số các mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng khá lớn. Đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng lớn nhất trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ Việt Nam.
Kiểm soát chặt xuất xứ để giảm rủi ro
Trong Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ Công thương cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 72,24 tỷ USD (năm 2010) lên 264,2 tỷ USD (năm 2019) và đạt 282,6 tỷ USD vào cuối năm 2020.
Bên cạnh mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, hàng hóa sản xuất từ Việt Nam đã thâm nhập sâu vào nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Riêng với thị trường Mỹ, dù chịu không ít ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhưng trong năm 2020, xuất khẩu hàng Việt sang Mỹ vẫn tăng trưởng so với năm 2019.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, mặc dù việc tăng xuất khẩu sang Mỹ là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp, nhưng cũng kèm theo những nguy cơ, bởi một số mặt hàng tăng mạnh có thể tiếp tục gây nghi ngờ cho phía Mỹ về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại.
Thời gian qua, Mỹ đã triển khai nhiều chính sách bảo hộ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu, trong đó, tăng số vụ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Mỹ đã tiến hành điều tra 7 vụ đối với doanh nghiệp từ nhiều quốc gia.
Mỹ hạn chế quyền ưu đãi thương mại khi đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển (từ tháng 2/2020), đồng thời đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về vi phạm sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái.
Vì vậy, để xuất khẩu bền vững sang Mỹ, các ngành hàng cần tính toán nhằm tiến tới cân bằng cán cân thương mại. Hiện một số ngành còn nhiều dư địa tăng nhập khẩu từ Mỹ như bông; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, dụng cụ, phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu; thức ăn gia súc và nguyên liệu…
Với các ngành hàng xuất khẩu lớn như đồ gỗ, dệt may, sợi, giày dép…, phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ vấn đề gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh thuế.
Chẳng hạn, với ngành gỗ, xuất khẩu sang Mỹ tuy tăng tốc mạnh, nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố chưa bền vững, thậm chí rủi ro, nhất là các vấn đề liên quan đến tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu đầu vào nguồn gốc từ nhập khẩu và gian lận thương mại.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, lượng gỗ nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm đi kèm yếu tố rủi ro rất lớn, cùng với vấn đề gian lận thương mại trong khâu xuất, nhập khẩu…, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành.
Bình quân mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 2 - 2,5 triệu m3 gỗ quy tròn nguyên liệu (gỗ tròn, gỗ xẻ) từ các nước nhiệt đới (chiếm 40 - 50% tổng lượng gỗ nhập khẩu). Hầu hết số này đều là gỗ rủi ro theo tiêu chí của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 9/2020 và Quyết định số 4832/QĐ-BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, gỗ nhập khẩu từ Campuchia, Lào và các nước châu Phi có rủi ro cao.
Gỗ nhiệt đới nhập khẩu mặc dù không được sử dụng để làm hàng xuất khẩu, nhưng đây là nguồn gỗ rủi ro, do vậy, cả ngành gỗ đang chịu cáo buộc về việc sử dụng gỗ bất hợp pháp.
Các chuyên gia trong ngành gỗ nhấn mạnh, dù giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ có tăng, nhưng mức tăng này là do cung - cầu quyết định. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành phải chủ động về tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu đầu vào, tăng sử dụng gỗ trong nước. Đối với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, cần lựa chọn nhập khẩu từ những nước có quản trị tốt, đảm bảo hồ sơ nhập khẩu đầy đủ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét