Thách thức duy trì chuỗi cung ứng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang là thách thức lớn của nước ta trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Việc duy trì liên tục chuỗi sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh là một thách thức rất lớn đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. |
Trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tổng hợp ý kiến từ 11 Hiệp hội ngành hàng và đề xuất các Bộ, ngành, địa phương nhằm gỡ khó cho hoạt động sản xuất.
Lo tuột mất đơn hàng
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp, doanh nghiệp chế biến chế tạo, đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng xuất khẩu.
Theo Cục Công nghiệp, do tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới, từ đó gây ra sự đứt gãy của chuỗi sản xuất.
Đối với mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da – giày, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)
Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác, khiến việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình.
Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics... và đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong các ngành nghề liên quan.
Việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng trong các ngành sản xuất trong nước do đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội cũng như kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp ở vùng dịch đang phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng rất cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như thép và các nguyên phụ liệu trong các ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm… Bên cạnh đó, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.
Chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giá cước container và vận chuyển bằng tàu biển tăng gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 7-8 lần so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và chưa hạ nhiệt đang trở thành một trong những thách thức rất lớn với doanh nghiệp cả ở chiều xuất lẫn nhập khẩu.
Hỗ trợ phục hồi sản xuất
Theo ý kiến của các Hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp, cần tiến hành một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để ổn định kinh tế, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, Bộ Y tế cần xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng chống Covid-19, trong đó bổ sung mức ưu tiên đối với đối tượng lao động trong ngành vận tải – đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các đối tượng khác trong ngành logistics (như đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu…).
Xem xét cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng (tuy nhiên vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm theo quy định của pháp luật về lao động) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng, đặc biệt là đối với những đơn hàng xuất khẩu trong các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử.
Các địa phương xem xét miễn, giảm hoặc gia hạn thời hạn tăng tiền thuê đất, thuê hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tài chính tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp
Bộ Tài chính xem xét tiếp tục có các chính sách ân hạn, giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí trong một thời hạn nhất định để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cũng như tiếp tục các chính sách ưu đãi về thuế, phí để kích cầu tiêu dùng trong một số ngành hàng (như chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước).
Đối với ngành da giày, do trung tâm sản xuất lớn nằm ở phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai..., dịch bệnh lan rộng, hiện nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, không có doanh thu, nên các doanh nghiệp kỳ vọng gói hỗ trợ mới sẽ có thời hạn dài hơn từ 1-2 năm để doanh nghiệp đủ sức phục hồi.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Lefaso, hỗ trợ thiết thực nhất với doanh nghiệp giày dép vẫn tập trung vào hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Ví dụ, không phải là hoãn, giãn các loại phí (phí công đoàn, bảo hiểm, thuế) nữa mà doanh nghiệp đề nghị thời gian phải dài hơn, hoặc có thể miễn giảm một phần nào đó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét