Mua bán - sáp nhập (M&A) là con đường nhanh nhất để doanh nghiệp đạt tốc độ phủ sóng cao nhất so với các đối thủ.
Hòa Phát sẽ không chỉ làm “vua thép”, mà muốn chơi lớn với bất động sản. Trong ảnh: Khu liên hợp gang thép Hòa Phát. |
“Chơi lớn” bằng M&A
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã trải qua một mùa đại hội đồng cổ đông với nhiều tin vui. Đó là việc “lão tướng” Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn trở lại danh sách tỷ phú của Forbes Việt Nam, với tổng tài sản 2,2 tỷ USD, tăng gần 1,7 lần so với lần đầu tiên lọt vào danh sách năm 2018. Tin vui còn nằm ở tuyên bố của vị chủ tịch này: Hòa Phát sẽ không chỉ làm “vua thép”, mà muốn chơi lớn với bất động sản.
Cuộc chơi đa ngành của Hòa Phát sẽ tiếp tục với mảng bất động sản, đánh vào phân khúc ưu tiên là sản phẩm nhà ở. Bên cạnh việc tìm quỹ đất xây dựng dự án khu đô thị trong dài hạn, Hòa Phát sẽ xem xét M&A những dự án khả thi. Bằng chứng là năm qua, Hòa Phát đã liên tục đi địa phương tìm các dự án giá vốn thấp để M&A.
Cách “chơi” đa ngành thông qua chiến lược M&A của Hòa Phát không có gì lạ, bởi quan điểm của chủ tịch tập đoàn này là trung thành với việc tìm các dự án để M&A và chỉ M&A khi chắc chắn có lợi nhuận.
Hòa Phát từng có kinh nghiệm làm bất động sản công nghiệp. Nhưng 10 năm trở lại đây, mảng này chỉ đóng góp 1-10% trong tổng doanh thu mỗi năm của Tập đoàn, riêng trong năm 2020, chiếm chưa tới 1%. Hiện tên tuổi này đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 3 khu công nghiệp gồm Phố Nối A (600 ha, vừa được duyệt chủ trương mở rộng thêm hơn 92 ha) và Yên Mỹ II (giai đoạn I là 97,5 ha) tại Hưng Yên; Hòa Mạc - Hà Nam (131 ha).
Hòa Phát đang sở hữu trực tiếp hai công ty con trong mảng bất động sản là Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Hòa Phát. Ngoài ra, doanh nghiệp còn nắm giữ gián tiếp một số công ty con như Công ty TNHH Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phát Hưng Yên, Công ty cổ phần Golden Gain Việt Nam, Công ty cổ phần Xây dựng Long Việt, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Hòa Phát Sài Gòn.
Không muốn làm vua một cõi
Nhắc đến chiến lược đa ngành, không thể bỏ qua “ông lớn” Vingroup. Năm 2018, để thâm nhập lĩnh vực sản xuất ô tô, phục vụ tham vọng đưa tên tuổi ra thế giới, VinFast (thuộc Vingroup) đã thâu tóm General Motors Việt Nam, với tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng.
Đến năm 2020, VinFast tiếp tục mua lại Trung tâm thử nghiệm xe Lang Lang (Bang Victoria, Australia). Đây là một trong những trung tâm thử nghiệm xe hơi lâu đời và hiện đại của GM Holden. Sau thương vụ này, GM Holden đóng cửa, rút khỏi thị trường Australia. Việc sở hữu Lang Lang sẽ giúp VinFast đẩy nhanh quá trình tự chủ trong công nghiệp xe hơi, tiến gần mục tiêu ra mắt các mẫu xe có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Vingroup cũng mua lại BQ - thương hiệu smartphone của Tây Ban Nha để rút ngắn thời gian thâm nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại. Cụ thể, báo cáo tài chính của Vingroup cho biết, tháng 2/2019, Công ty VinTech đã mua 51% phần vốn góp của Mundo Reader - công ty chủ quản của BQ - thông qua việc mua phần vốn góp phát hành thêm và mua lại từ các thành viên khác, với tổng giá trị khoảng 40 triệu USD.
Trong ngành sữa, hầu hết các tên tuổi trên thị trường đều có chiến lược M&A ngành dọc để tăng vị thế trong và ngoài nước. Vinamilk là tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất khi liên tiếp thực hiện những thương vụ M&A, liên doanh với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh thâm nhập thị trường.
Dù bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk khẳng định, trong năm nay, Công ty chưa có kế hoạch M&A, nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội, có thể trong hoặc ngoài ngành nếu thấy gia tăng giá trị cho Công ty.
Dấu ấn của Vinamilk trong các thương vụ M&A khá dày. Đầu năm 2020, sau thời gian dài theo đuổi, Công ty chính thức nắm 75% cổ phần của GTNFoods, qua đó nắm quyền chi phối tại Sữa Mộc Châu.
Trong khi đó, thương hiệu nội địa khác như VitaDairy, NutiFood cũng đang phát triển nhanh. Ngành sữa đang dần “lộ diện” một cuộc đua tranh mới trong một cấu trúc mới của thị trường hậu dịch bệnh.
Có thể nói giờ đây, trên thị trường sữa Việt Nam, “đại gia sữa” trên thế giới như Nestle, Abbott, FrieslandCampina đã phải thận trọng trước các tên tuổi trong nước.
Giới chuyên môn cho rằng, ngành sữa đang thay đổi cấu trúc sau dịch bệnh Covid-19. Trong đó, VitaDairy đang trở thành tay chơi đáng để tâm trên thị trường này khi mới chi khoảng 10 triệu USD mua lại một trang trại trên hòn đảo ở Australia để tham gia lĩnh vực sữa tươi non.
Khát vọng lớn mạnh
Những động thái M&A nói trên thể hiện cho khát vọng lớn mạnh của doanh nghiệp Việt, bởi thời mà doanh nghiệp dễ dàng đạt mức tăng trưởng 2 con số đã qua. Trước đây, doanh nghiệp chỉ cần đưa được sản phẩm ra thị trường và đầu tư đổi mới, cải tiến là đã có thể tăng trưởng nhanh. Nhưng cách làm đó không còn phù hợp khi các đổi thủ lớn nhỏ đều làm thế. M&A là con đường nhanh nhất để doanh nghiệp đạt tốc độ phủ sóng nhanh nhất so với các đối thủ.
Mặc dù vậy, để có thêm tiếng nói trên thị trường khu vực và thế giới, các doanh nghiệp cần phải nhìn ra đối thủ ngoại là ai. Các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia thường so sách với đổi thủ ngoại để nắm bắt xu hướng của thế giới, có tầm nhìn bao quát và đi xa hơn. Có tư duy như vậy thì doanh nghiệp mới có động lực để phát triển đúng tiềm năng.
Hội thảo “M&A - Sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt”
Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam được thế giới biết đến qua những tên tuổi của các tập đoàn tư nhân như Vingroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, TH Group, Masan, NovaGroup... Các doanh nghiệp Việt đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ trong những thương vụ M&A lớn với tư cách là bên mua mà trước đây hầu như là lãnh địa riêng của các nhà đầu tư nước ngoài. Dự báo năm 2021, với sự tiếp diễn của Covid-19 vẫn khiến hoạt động giao thương quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục thể hiện ưu thế trong các thương vụ M&A lớn.
Để có thêm những góc nhìn thực tế về sự trỗi dậy của các doanh nghiệp Việt thông qua hoạt động M&A nhằm tái cấu trúc, mở rộng hệ sinh thái, Báo Đầu tư và NovaGroup phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “M&A - Sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt”. Hội thảo dự kiến có sự tham dự của hơn 250 khách mời đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các quỹ đầu tư, các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế... Hội thảo sẽ diễn ra vào sáng thứ Sáu, ngày 7/5/2021, tại Novaland Gallery (179 - Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét