Những dự án chế biến rau quả được đầu tư quy mô, bài bản gắn với vùng nguyên liệu được các doanh nghiệp Việt chú trọng đầu tư, giúp tăng năng lực xuất khẩu ngành hàng tỷ USD này.
Thêm nhiều dự án mới
Nhà máy Chế biến rau, củ, quả B’Lao Food hơn 1,5 ha vừa được Công ty TNHH B’Lao Food khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Lộc Sơn (Lâm Đồng). Với quy mô chế biến các loại rau, củ, quả thành phẩm đạt 50.000 tấn/năm, Nhà máy sẽ giúp ngành rau quả có thêm địa chỉ tiêu thụ nông sản, tăng năng lực xuất khẩu thông qua chế biến sâu.
Ông Đặng Ngọc Cẩn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc B’Lao Food cho biết, Nhà máy được xây dựng theo hình thức tổ hợp dây chuyền sản xuất với thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại; các dây chuyền đóng gói tươi sản phẩm rau sạch, cấp đông nguyên trái, cấp đông nhanh, đáp ứng tiêu chuẩn của nhiều thị trường như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Giai đoạn I của Dự án sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2022; giai đoạn II sẽ hoàn thành vào quý III/2023.
Sau B’Lao Food, tới đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp mang vốn đến Lâm Đồng để đầu tư nhà máy chế biến rau, củ, quả xuất khẩu. Một trong số đó là Công ty Lavifood.
Cụ thể, theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, năm 2020, Lavifood đã có nhiều buổi làm việc với tỉnh, kiến nghị được cấp 20 ha đất tại khu công nghiệp để xây dựng nhà máy chế biến với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, gồm nhà sơ chế nông sản, kho mát, kho lạnh và siêu thị nông nghiệp...
Bên cạnh đó, Lavifood cũng đề xuất các giải pháp và chính sách hỗ trợ nông dân như đào tạo, tư vấn, cung cấp cây giống đầu dòng để phát triển vùng rau quả 15 ha, vùng trái cây khoảng 200 ha và liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân…
Việc mở rộng đầu tư tại Lâm Đồng là bước tiếp theo để Lavifood tiếp tục tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp tập trung vào phát triển và quản lý cây trồng bằng công nghệ cao, quản lý và kiểm soát mọi giai đoạn, từ kế hoạch đầu tư, đến hoạt động trồng, chăm sóc theo đúng quy trình canh tác, thu hoạch, tuân thủ chính xác và kịp thời các quy định về kiểm soát chất lượng cho tới khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Trước đó, năm 2019, Lavifood đã đưa vào hoạt động Nhà máy Tanifood tại huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh). Đây là một trong 5 nhà máy hiện đại nhất châu Á với tổng vốn đầu tư lên đến 1.780 tỷ đồng.
Tăng lực cho xuất khẩu
Những dự án quy mô do doanh nghiệp nội đầu tư 5 năm trở lại đây đã giúp ngành rau quả tăng năng lực xuất khẩu, đón bắt được cơ hội thị trường.
Nếu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành mới dừng ở 1,85 tỷ USD, thì đến năm 2017 đã đạt 3,53 tỷ USD và cao nhất là năm 2018 với 3,8 tỷ USD. Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, nên kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, còn 3,27 tỷ USD. Tuy nhiên, nhờ các dự án mới được đưa vào vận hành, doanh nghiệp Việt đã có thể đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu trị giá 4,2 - 4,4 tỷ USD.
Đầu tháng 4/2021, ngành rau quả đón thêm một nhà máy mới đi vào vận hành tại Lào Cai do Công ty cổ phần Thực phẩm Á châu (Ninh Bình) làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất 8.500 tấn/năm, vốn đầu tư giai đoạn I trên 42 tỷ đồng. Các sản phẩm chính của nhà máy là rau quả đóng hộp và sản phẩm sấy được cung ứng tại vùng trồng Lào Cai để xuất khẩu chủ yếu cho thị trường Mỹ, châu Âu… và cung ứng trong nước.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh, xuất khẩu rau quả chỉ bền vững và nâng được giá trị khi ngành có nhiều nhà máy chế biến sâu, gắn với vùng nguyên liệu, dây chuyền công nghệ đạt chuẩn để đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất của bất kỳ nhà nhập khẩu nào.
Hướng đi này đã được định hình rõ trong những năm gần đây, khi một loạt dự án đều được đầu tư đồng bộ, quy mô để đón bắt cơ hội thị trường và gia tăng chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp.
Đơn cử, các nhà máy của Lavifood, Nafoods, Doveco… đều được trang bị hệ thống dây chuyền sản xuất đa nhiệm, xử lý trái cây tươi, cấp đông, sấy, cô đặc, xay nhuyễn… nhờ đó, sản phẩm qua chế biến giữ được độ tươi ngon.
Chia sẻ về định hướng của doanh nghiệp, ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Lavifood cho biết, trong bối cảnh các nước không có điều kiện sản xuất nông nghiệp thay đổi mạnh mẽ về “an ninh lương thực” và cấu trúc chuỗi cung ứng, Lavifood cũng đã xây dựng chiến lược chủ động đưa Việt Nam thành vựa lương thực cao cấp của thế giới.
“Chúng tôi tập trung đầu tư phát triển công nghệ chế biến sâu theo mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao trong ngành rau, củ, quả”, ông Thành nói.
Dự kiến, đến năm 2025, Lavifood sẽ mở rộng vùng trồng lên tới 33.100 ha, sản lượng rau củ quả đạt 1 triệu tấn/năm, tổng doanh thu chạm mốc 1,5 tỷ USD/năm thông qua việc đầu tư xâydựng chuỗi nhà máy trải dài từ Hải Phòng, tới Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Lắk…
Ông Lê Thành tin rằng, nếu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, thì ngành rau, củ, quả Việt Nam sẽ nâng cao vị thế trên thị trường thế giới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét