Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

Tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp nông nghiệp

Khẳng định ngành nông nghiệp còn rất nhiều dư địa đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Thưa Bộ trưởng, khoảng 5 năm gần đây, các doanh nghiệp rất tích cực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Điều gì đã khiến khu vực này có sức hút mạnh mẽ như vậy?

Sau gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã có trên 750.000 doanh nghiệp, trong đó, một bộ phận đủ tầm vóc cả về quản trị, tài chính và khát vọng để tổ chức, thực hiện và giải quyết tốt những vấn đề trong khu vực nông nghiệp.

Có thể nói, tiềm năng, lợi thế, dư địa của ngành nông nghiệp còn rất lớn. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 40 tỷ USD nông sản, nhưng trong đó, chế biến chỉ chiếm 11%. Như vậy, 89% còn lại là dư địa.

Hiện nay, chủ trương, chính sách của Việt Nam rất thông thoáng; 63 tỉnh, thành phố cũng liên tục mời gọi nhà đầu tư. Trong 5 năm qua, các cuộc xúc tiến đầu tư ở địa phương đều dành một phần rất quan trọng để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Đơn cử, lãnh đạo tỉnh Sơn La không ngại khó đi tìm gặp doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đến tận chân máy bay đón doanh nghiệp… Điều đó thể hiện sự cầu thị của các địa phương.

Theo tôi, những yếu tố đó cộng hưởng, tạo nên “thỏi nam châm” thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong 5 năm 2015 - 2020, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này đã tăng 3,6 lần, từ 3.640 doanh nghiệp lên hơn 13.280 doanh nghiệp, trải đều khắp các vùng, miền trên cả nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, giúp nâng giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhờ phát triển công nghiệp chế biến, tỷ lệ xuất khẩu thô đã giảm từ 90% thời gian trước xuống còn 70% hiện nay.

Dù vậy, dòng vốn FDI vào nông nghiệp còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Lý do vì sao, thưa Bộ trưởng?

Từ trước đến nay, lĩnh vực nông nghiệp vẫn được đánh giá là khó thu hút các doanh nghiệp FDI. Tính đến hết năm 2019, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 0,97% tổng vốn FDI vào Việt Nam, trong khi mức trung bình toàn cầu là 3%. Dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp là những dự án nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung vào chế biến thủy sản, hoa quả tại một số địa phương.

Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, số doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp đã tăng đáng kể. Điều này nhờ vào dư địa phát triển và những chính sách thu hút đầu tư như đã nói ở trên.

Như Bộ trưởng đề cập, công nghiệp chế biến phát triển giúp nâng giá trị sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều dự án chế biến nông sản đã được khởi công và đi vào hoạt động. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần phải làm gì để tiếp tục đẩy mạnh xu hướng này?

Năm 2020, có đến 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, làm thay đổi cục diện vốn đầu tư tư nhân vào nông nghiệp. Song, số lượng doanh nghiệp tham gia chế biến sâu còn ít, cần phải tăng số lượng doanh nghiệp chế biến để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trên thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp còn thiếu điều kiện, nếu có khuôn khổ pháp lý tốt, đặc biệt là hướng hợp tác công - tư, sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư, vì nông nghiệp còn nhiều dư địa.

Để phát huy hiệu quả của các nhà máy chế biến đã và đang được đầu tư xây dựng, các địa phương cần tiếp tục có giải pháp giữ ổn định vùng nguyên liệu, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nhà máy, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư, điều chỉnh phân bố các cơ sở chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung; phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực; cân đối tỷ lệ tiêu dùng tươi sống với chế biến, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững...

Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây đã góp phần quan trọng tạo gam màu sáng cho bức tranh nông nghiệp, nông thôn. Ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào những giải pháp gì để tiếp tục phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt và nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Doanh nghiệp Việt ngày càng khẳng định vai trò và chiếm tỷ trọng khá cao trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực của nông nghiệp. Chúng ta phải cảm ơn, khuyến khích những người đã mạnh dạn tìm đường về nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ, động viên họ đẩy mạnh liên kết với nông dân để tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp.

Tuy nhiên, so với các cường quốc nông nghiệp, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, chủ yếu do quy mô sản xuất còn quá nhỏ lẻ.

Trong kết quả kim ngạch xuất khẩu nông sản 41,25 tỷ USD năm 2020, vẫn còn “bóng dáng” của việc dựa vào tài nguyên sẵn có, chứ chưa đạt được bằng áp dụng khoa học công nghệ. Những thách thức này không thể giải quyết được trong một sớm, một chiều.

Tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân trong các tổ hợp tác, hợp tác xã; giữa doanh nghiệp và nông dân là rất quan trọng, là đòi hỏi tất yếu. Nhất là trong bối cảnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nếu không liên kết, chúng ta sẽ không đủ sức cạnh tranh.

Thực hiện các hiệp định thương mại tự do, về lâu dài, chúng ta được đánh giá có lợi thế về thị trường, nhưng trước mắt cũng chịu tổn thương lớn,  khi phải cạnh tranh với những nước có nền nông nghiệp phát triển, có tỷ lệ ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản phẩm lớn; có sự đầu tư của nhiều tập đoàn khổng lồ... Những thách thức này phải được quan tâm để từng bước hoàn thiện thể chế, tổ chức chỉ đạo thực hiện. 

Let's block ads! (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét