Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

Doanh nghiệp logistics xin giảm phí cầu đường

Giảm phí cầu đường trong thời gian có dịch bệnh bùng phát tại các cao tốc là đề nghị mới nhất từ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, logistics

.
Các doanh nghiệp đề nghị giảm phí cầu đường trong thời gian dịch bệnh. Ảnh: ST

Khó khăn khó tránh

Chọn cách “sống chung với lũ” để chủ động chống dịch đang là thông điệp mà các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV). Đây là lý do mà các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc – khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đợt dịch này -  bình tĩnh hơn trong đợt bùng dịch lần thứ ba.

Tuy nhiên, những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt không hề nhỏ và nhiều khi không chỉ do tác động của dịch bệnh.

Đơn cử, liên tục mấy ngày cuối tuần trước, nhiều doanh nghiệp đang khá lúng túng trong thực hiện Thông báo số 73/TB-UBND do UBND TP. Hải Phòng ban hành ngày 24/2/2021. Với thông báo này, doanh nghiệp được kéo dài thời hạn hiệu lực của kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 cho lái xe từ 3 ngày lên 5 ngày và cho phép sử dụng đường quốc lộ 5A đi qua địa phận Hải Dương đến các địa phương khác và chiều ngược lại.

Tuy nhiên, việc thực hiện Thông báo này lại không nhất quán trên thực tế, lúc thông, lúc tắc, khiến doanh nghiệp khó dự liệu.

Trao đổi với Ban IV, các doanh nghiệp logistics cho biết, việc vận chuyển hàng hóa đi và đến Hải Dương, từ Hải Dương vào Hải Phòng, cũng như vận chuyển qua Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề, bắt đầu gây ra khó khăn cho các chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất ở nhiều khu công nghiệp.

Thực tế này khó tránh khi các địa phương buộc phải áp dụng một số biện pháp nhằm ngăn chặn sự lay lan. Song việc thu mua và vận chuyển nông sản từ Hải Dương ra Cảng Hải Phòng bị ách tắc, dẫn đến việc bị hủy lịch tàu, bị hủy hợp đồng của các công ty xuất khẩu nông sản từ Hải Dương.

Theo Công văn số 15/VP-HHVT của Hiệp hội vận tải Hải Dương báo cáo Hiệp hội Vận tải Việt Nam ngày 21/2/2021, từ khi có dịch và dừng lưu thông đến nay, đã có trên 100 đơn hàng xuất khẩu nông sản (khoảng 650 container loại 40 Feet) đã phải hủy lịch tàu và hủy hợp đồng, gây thiệt hại 100 tỷ đồng. Nếu cà rốt và nông sản của Hải Dương tiếp tục không thể xuất khẩu từ nay đến đầu tháng 3/2021, tổng thiệt hại ước tính sẽ là trên 400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV đã nhắc đến ý kiến của nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội vận tải và Hiệp hội Logistics về việc phải đi vòng để tránh các vùng dịch, làm phát sinh thêm chi phí. Cụ thể, để tránh đường cũ là Quốc lộ 5, các doanh nghiệp hiện tại phải đi vòng Cao tốc quốc lộ 5, khiến phí cầu đường bị chênh lên từ 1.000.000 đồng - 1.500.000 đồng tùy tuyến đường.

“Điều này làm phát sinh chi phí cho nhiều doanh nghiệp và cũng gây ảnh hưởng đến dòng hàng cung ứng cho các doanh nghiệp vẫn đang thực hiện vừa sản xuất vừa chống dịch”, báo cáo của Ban IV do ông Trương Gia Bình, Trưởng ban đã ký gửi Thủ tướng Chính phủ cuối tuần trước.

Doanh nghiệp hiến kế

Mặc dù các vùng dịch đang được thu hẹp lại, song các doanh nghiệp cho rằng, nguyên tắc vừa chống dịch, vừa hồi phục kinh tế cần được thể hiện rõ trong các giải pháp, chính sách hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương.

Tính đồng bộ và thực tiễn đang được các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Ban IV nhắc đến như là yêu cầu tiên quyết, để giúp doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hồi phục.

Hiện tại, các doanh nghiệp logistics đề xuất khảo sát, lựa chọn địa điểm có đủ điều kiện để là vùng đệm an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa không bị đứt đoạn, như các trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, đường cao tốc. Hàng hóa, xe cộ và cả lái xe ở vùng dịch sau khi xử lý các biện pháp phòng dịch được tập kết tại đây. Trong trường hợp cần thiết, các doanh nghiệ sẽ thực hiện yêu cầu đổi lái xe hoặc so đội lái xe chuyên trách để tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Việc tổ chức vận chuyển hàng hóa ở cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn là một ví dụ cho giải pháp này.

Riêng với xe phục vụ hàng xuất nhập khẩu vào các cảng của Hải Phòng, các doanh nghiệp mong muốn xây dựng hành lang lưu thông riêng của các phương tiện này để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa. Ý kiến của Ban IV là có thể áp dụng việc đăng ký danh sách lái xe đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để làm điều kiện điều khiển phương tiện, đồng thời cơ quan chuyên môn thực hiện việc giám sát hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình.

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang phức tạp, việc xét nghiệm Covid-19 đối với lái xe đang cư trú tại địa phương nào được cơ quan y tế của địa phương đó tạo điều kiện lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, không bắt buộc lái xe phải về địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để xét nghiệm và lấy kết quả.

Trở lại trường hợp của Thông báo 73 của UBND TP.Hải Phòng, các doanh nghiệp đang chủ động làm thêm cam kết của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định về phòng. chống dịch bệnh dù không có cơ quan nào hướng dẫn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết buộc phải chọn chạy tuyến đường dài hơn là quốc lộ 5B đề chờ xem việc chỉ đạo thực hiện Thông báo này thế nào...

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV đề nghị giảm phí cầu đường trong thời gian có dịch bệnh bùng phát tại các cao tốc mà các hãng vận tải phải đổi hành trình do các lộ trình cũ bị cách ly do có dịch là đề nghị từ các doanh nghiệp logistics.

Ngoài ra, Ban IV cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu và có thể chỉ đạo Văn phòng Chính phủ thiết lập nhanh một kênh thông tin để cập nhật mọi văn bản chỉ đạo điều hành từ cấp trung ương tới cấp địa phương về chống dịch để doanh nghiệp, người dân nắm bắt thông tin kịp thời, đồng bộ. Điều này giúp doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong quá trình bố trí các phương án về nhân lực, kế hoạch lưu thông hàng hóa, tính toán các chi phí lưu thông hợp lý để vừa chấp hành hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ và yêu cầu của từng địa phương vừa đảm bảo duy trì liên tục sản xuất, kinh doanh.

Let's block ads! (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét