Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Doanh nghiệp dệt may tìm cơ hội từ sợi, quần áo thể thao

Sau khi tận dụng cơ hội từ cơn sốt khẩu trang vải và quần áo bảo hộ, một số doanh nghiệp dệt may tập trung vào ngành hàng quần áo thể thao cũng như sợi để hút thêm đơn hàng.

doanh nghiệp dệt may đang tăng cường đầu tư để tận dụng ưu đãi từ các FTA. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ
Doanh nghiệp dệt may đang tăng cường đầu tư để tận dụng ưu đãi từ các FTA. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ

Mảng trang phục thể thao sẽ phục hồi nhanh

Đồ thể thao được cho là ngành hàng thành công nhất trong thời kỳ đại dịch, vì mối quan tâm về sức khỏe ngày càng gia tăng. Theo Euromonitor, trong năm 2020, nhu cầu đồ thể thao chỉ giảm khoảng 8%, là mức giảm thấp nhất so với mức suy giảm chung của ngành dệt may (giảm 16%).

Với sự phục hồi của các đơn hàng may mặc và xu hướng đơn hàng may mặc đổ về Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA, dự báo thời gian tới sẽ có nhiều dự án lớn vào lĩnh vực dệt nhuộm.

Tổng thị trường quần áo thể thao duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,5% trong 5 năm qua, gấp rưỡi thị trường quần áo khác, dự kiến đạt 479 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2025.

Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã: TCM) được đánh giá là một trong những doanh nghiệp thành công nhất năm 2020 nhờ khả năng nắm bắt cơ hội xuất khẩu các mặt hàng may mặc liên quan đến Covid-19 như khẩu trang vải và quần áo bảo hộ. Song, ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc Thành Công cho biết, cơn sốt khẩu trang vải hay đồ bảo hộ đang trở lại bình thường khi vắc-xin dần phổ biến. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này không nhận đơn hàng nào liên quan đến đồ bảo hộ y tế hay khẩu trang kháng khuẩn.

“Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư, đặt trọng tâm vào các mặt hàng truyền thống cũng là lợi thế của Công ty như đồ thun, đồ thể thao. Nhu cầu các mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng”, ông Tùng chia sẻ và cho biết, doanh nghiệp này đã nhận nhiều đơn hàng đủ sản xuất cho 6 tháng đầu năm.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Những mặt hàng như dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, thậm chí tháng 8/2021.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã: STK) đánh giá, sự phục hồi của ngành sẽ không đồng đều giữa các phân khúc sản phẩm. Trong khi mảng trang phục công sở sẽ phục hồi chậm (do xu hướng làm việc tại nhà để chống dịch) thì mảng trang phục thể thao sẽ phục hồi nhanh do người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới việc giữ gìn sức khỏe.

Doanh nghiệp này đang hoạt động hết công suất để đáp ứng đơn hàng. Dự kiến kết quả quý đầu năm 2021 của Sợi Thế Kỷ cao hơn cùng kỳ, cùng lợi nhuận sau thuế ước đạt trên 60 tỷ đồng. Thực tế, Sợi Thế Kỷ có thể duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu từ các thương hiệu quần áo thể thao trên thế giới từ sợi tái chế - mặt hàng vốn là thế mạnh của Sợi Thế Kỷ, được cải thiện.

Tiếp tục đầu tư vào sợi, tận dụng các FTA

Trong tháng đầu năm 2021, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt xấp xỉ 15,5 triệu USD, lợi nhuận sau thuế đạt trên 1 triệu USD, tăng lần lượt 80% và 162% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Trần Như Tùng cho biết, tình hình đơn hàng đang tiến triển tốt hơn năm 2020, hiện doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2021, nhiều khách hàng mới đang tìm đến để mua vải và quần áo.

Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA và CPTPP đã có hiệu lực, vì vậy Dệt may Thành Công sẽ tiếp tục tập trung vào sản xuất vải, bổ sung máy móc thiết bị vì các FTA đặt ra yêu cầu xuất xứ từ vải trở đi.

“Có một số đơn vị trước đây mua vải từ Trung Quốc, thì nay đã đặt nhiều đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam, họ cũng tìm đến chúng tôi. Nhu cầu này có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2021”, ông Tùng chia sẻ.

Tuy nhiên, vị này cũng nhắc đến rủi ro nói chung mà các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt, đó là các nhãn hàng yêu cầu khắt khe hơn đối với các đơn vị sản xuất, liên quan đến vấn đề môi trường, chính sách cho người lao động… Cộng với những ràng buộc trong FTA, buộc các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn mới có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Trong 20 năm qua, Trung Quốc luôn là nguồn cung ứng sợi polyester lớn nhất trên thế giới với nguồn cung liên tục tăng và các nhà sản xuất Trung Quốc thường xuyên bán phá giá trên thị trường. Với quy mô sản xuất lớn, nên các nhà sản xuất Trung Quốc chủ yếu cung cấp các sản phẩm đại trà, chất lượng không cao.

Để tồn tại trong bối cảnh thị trường như trên, ông Đặng Triệu Hòa cho biết, chiến lược của Sợi Thế Kỷ trong thời gian tới là chú trọng vào các thị trường ngách (các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, ít người làm được với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và dịch vụ vượt trội). 

Do ảnh hưởng của Covid-19, nên trong năm 2020 nhiều dự án đầu tư mới trong ngành dệt may bị đình lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sợi Thế Kỷ, với sự phục hồi của các đơn hàng may mặc (từ quý IV/2020) và xu hướng đơn hàng may mặc sẽ đổ về Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA thì sẽ có nhiều dự án vào lĩnh vực dệt nhuộm trong thời gian tới.

“Trong giai đoạn trước năm 2019, nhiều khách hàng của Sợi Thế Kỷ đã tăng công suất và hiện vẫn nhiều khách hàng có kế hoạch tiếp tục tăng công suất trong các năm tới. Khả năng cung ứng nguồn vải cao cấp đã được nâng lên đáng kể so với 5 năm trước”, ông Đặng Triệu Hòa chia sẻ thêm về nguồn cung vải trong nước.

Cũng theo ông Hòa, khi các đơn hàng trở lại, nhà mua vẫn ưu tiên mua từ các chuỗi cung ứng tại các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam để được tận dụng các ưu đãi thuế suất của nhiều FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Let's block ads! (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét