Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020 đã điểm danh những tồn tại lớn, bên cạnh những điểm sáng. Các lĩnh vực giao thông - vận tải, văn hóa, thẩm định giá, kiểm định thiết bị... có mặt.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại buổi Công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020 |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chọn cách nói “giảm nhẹ” khi nhắc tới những tồn tại VCCI ghi nhận được qua Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020 vừa được công bố.
“Tư duy cũ vẫn thấp thoáng trong hoạt động chính sách, kể cả trong một số văn bản được soạn thảo, ban hành vào năm 2020”, ông Lộc nói.
Tư duy cũ, theo đánh giá của VCCI, đó là việc áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết, đó là việc chưa tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động hay thủ tục hành chính còn chưa minh bạch.
Dẫn chứng, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), người trực tiếp thực hiện Báo cáo đã nhắc đến dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thật biểu diễn, thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP. Trong dự thảo này, bên cạnh cơ chế quản lý theo hoạt động như hiện tại, cơ chế quản lý theo chủ thế kinh doanh được bổ sung thêm. Nghĩa là các chủ thể cung cấp dịch vụ này sẽ phải tuân thủ thêm quy định về điều kiện kinh doanh.
“Đối tượng cần quản lý trong hoạt động kinh doanh này là các hoạt động, sự kiện nghệ thuật, đang được kiểm soát qua giấy phép được cấp cho từng hoạt động, sự kiện. Với dự thảo trên, chủ thể cung cấp dịch vụ cũng phải tuân thủ các điều kiện. Vấn đề là, kể cả khi doanh nghiệp kinh doanh thỏa mãn các điều kiện thì cũng không có nghĩa là các hoạt động, sự kiện họ cung cấp được cấp phép. Theo chúng tôi, biện pháp quản lý này là chưa hợp lý, sẽ tạo rào cản đáng kể cho các chủ thế muốn kinh doanh trong lĩnh vực này”, ông Tuấn giải thích.
Lĩnh vực thẩm định giá cũng đang dự kiến bổ sung thêm điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá và bổ sung về nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề. Điều này có trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2013/NĐ-CP được soạn thảo từ cuối năm 2019 và trong năm 2020. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật, giám đốc, tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá phải thỏa mãn yêu cầu về số năm kinh nghiệm, số lượng tối thiểu bộ chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá đã ký.
Mục đích được ban soạn thảo giải trình là đảm bảo chất lượng của dịch vụ cung cấp, hạn chế tình trạng canh tranh không lành mạnh về giá giữa các doanh nghiệp thẩm định giá.
“Vấn đề đặt ra là có hợp lý không khi nâng điều kiện của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá? Theo quy định của pháp luật về giá thì người chịu trách nhiệm đối với chất lượng của báo cáo thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá là thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp. Việc áp đặt điều kiện cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa đủ sức thuyết phục là để đảm bảo chất lượng của dịch vụ không và cũng không thể là cách giải quyết việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp”, ông Tuấn bổ sung thêm.
Đặc biệt, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 nhấn mạnh lĩnh vực giao thông đường bộ đang có xu hướng thắt chặt hơn biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải. Sau 10 năm triển khai, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang được sửa đổi, thay thế Luật năm 2008, đã bỏ đi một số điều kiện kinh doanh bất hợp lý, nhưng lại bổ sung thêm một điều kiện mới, đó là người lái xe phải có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, bên cạnh giấy phép lái xe.
“Đây là loại giấy phép mới, có nguy cơ tăng thủ tục xin – cho không cần thiết, trùng lặp về mục tiêu quản lý”, Báo cáo của VCCI nhận định.
Đặc biệt, VCCI cho rằng, nhiều chủ trương mở ra, nhưng chưa có con đường thực hiện cùng bởi chính tư duy này. Như trường hợp của việc kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện vẫn chỉ giới hạn cho các đơn vị thuojc cơ quan quản lý nhà nước.
"VCCI đang có nghiên cứu sâu về việc chuyển các hoạt động cung cấp dịch vụ từ Nhà nước sang tư nhân, sẽ công bố hàng năm. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy nhanh hoạt động chuyển dịch này”, ông Lộc cho biết thêm.
Đây là năm thứ ba VCCI thực hiện công bố Báo cáo này. Năm 2019, Báo cáo gây tiếng vang với việc chỉ ra 25 điểm chồng chéo pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đây là cơ sở để Chính phủ lập Tổ công tác rà soát sự chồng chéo của hệ thống pháp luật vào tháng 2/2020.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét