Dẫu gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2020, những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia do CTCP Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận vẫn đảm bảo đường găng, thậm chí vượt tiến độ để về đích.
Đường dẫn hầm Hải Vân 2 hoàn thành đem theo các cơ hội để thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) phát triển kinh tế - xã hội. |
Nét son hầm Hải Vân 2
Cuối tháng 11/2020, tại buổi làm việc của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu công trình mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn II, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải ghi nhận nỗ lực của chủ đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả) tại công trình này bằng ý kiến tâm huyết và xác đáng: “Đèo Cả hiện là tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực giao thông khi đã đảm nhận rất nhiều dự án giao thông quan trọng của đất nước”.
Theo ông Lê Đình Thọ, với 4 dự án lớn (hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân) dài gần 25 km đường hầm, dọc trục Bắc - Nam Quốc lộ 1 hiện không còn vị trí nào nguy hiểm, đã được thông tuyến hoàn toàn. Công trình mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn II đã khẳng định thêm năng lực và sự mẫu mực trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý thi công, kiểm soát tiến độ của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả.
“Đây là công trình tầm cỡ khu vực, được thi công bởi nhà thầu trong nước, được cơ quan chức năng thực hiện trách nhiệm, bám sát quy định hiện hành. Kết quả cuối cùng được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá thực hiện đầy đủ các điều kiện, quy định trong quản lý đầu tư xây dựng”, ông Lê Đình Thọ nói.
Qua công tác kiểm tra, đánh giá, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nhận xét, công trình hầm Hải Vân 2 đảm bảo điều kiện để nghiệm thu thông xe và tiếp tục các bước để nghiệm thu hoàn thành. Đây là tuyến hầm cuối cùng được đầu tư trên địa bàn miền Trung, nằm trong chuỗi công trình hầm của nhà đầu tư Đèo Cả với sự đầu tư hiệu quả, nỗ lực triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Hầm Hải Vân sau khi được mở rộng gồm 2 ống hầm, lưu thông một chiều qua mỗi ống hầm. Ngoài hạng mục ống hầm và hệ thống thiết bị hiện đại trong hầm, còn có các hạng mục khác như: Trung tâm Cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy; Trạm thu phí; Trạm dừng đỗ kỹ thuật. Đây là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó, đường dẫn phía Bắc dài khoảng 1,7 km, hầm dài 6,292 km, đường dẫn phía Nam 4 km.
Ống hầm 2 của hầm đường bộ Hải Vân dự kiến khánh thành và đưa vào sử dụng trước Tết, vượt tiến độ 3 tháng |
Sau hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, hầm đường bộ Hải Vân 2 tiếp tục là công trình do chính bàn tay, khối óc người Việt Nam thực hiện thành công. Việc đảm nhận dự án lớn có tính phức tạp thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của nhà đầu tư, nhà thầu trong nước khi vừa thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 vừa đảm bảo an toàn giao thông của hầm Hải Vân 1, cũng như đảm bảo các yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường bởi công trình nằm trên địa phận các địa phương có nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, trong quá trình xây dựng, nhà đầu tư đã đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài các yêu cầu kỹ thuật phức tạp, công trình hầm Hải Vân 2 còn gặp khó khăn về nguồn vốn, khi phần vốn ngân sách nhà nước còn 1.180 tỷ đồng chưa được bố trí giải ngân. Đồng thời, việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án so với hợp đồng đã ký kết vẫn chưa được cấp có thẩm quyền quyết định.
“Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều khó khăn và nỗ lực hoàn thành công trình vượt tiến độ 3 tháng, đảm bảo chất lượng, thể hiện sự nghiêm túc của nhà đầu tư với vai trò là một bên của hợp đồng dự án đối với cơ quan nhà nước và người dân”, ông Hồ Minh Hoàng khẳng định.
Đường về miền Tây rộng mở
Dịp Tết cổ truyền năm nay, đường về miền Tây sẽ rộng mở hơn khi tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận “mở cửa” đón xe. Dù nội dung này không nằm trong quy định của hợp đồng dự án, nhưng nhà đầu tư vẫn cam kết thực hiện và triển khai.
Được khởi công tháng 11/2009, sau 10 năm đình trệ, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ đạt 10% khối lượng. Đến tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành Dự án. Sau hơn 1 năm tái khởi động, Dự án đã đạt 75% khối lượng và sẽ hoàn thành trong năm 2021.
Với phương châm “Muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm”, “Dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân”, doanh nghiệp dự án (Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận) đã lập tiến độ gắn trách nhiệm cho chính mình và các bên liên quan. Đồng thời, cán bộ, kỹ sư và công nhân thực hiện làm việc 3 xuyên (xuyên đêm, xuyên Tết, xuyên dịch), thay nhau ngày đêm bám sát công trường, cùng vượt khó, biến thách thức thành cơ hội, biến sự hoài nghi thành động lực, lấy lại lòng tin đã mất.
Khi tiếp quản, doanh nghiệp điều hành đã loại bỏ nhà đầu tư và nhà thầu 0 đồng năng lực yếu kém như Công ty Yên Khánh (bị xử lý hình sự), Công ty Hoàng An... từng thao túng, gây trở ngại chính cho Dự án, thông qua công tác kiểm toán, thực hiện biện pháp quản chi trực tiếp (xử lý công nợ tồn, chi trả vật liệu...).
Thời gian qua, Dự án tiếp tục gặp khó khăn về vật liệu khi quãng đường vận chuyển dài hàng trăm cây số, các kênh rạch bị tạm đóng do hạn, xâm nhập mặn. Trong khi đó, Dự án gần như không có sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh Tiền Giang với vai trò Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mặc dù doanh nghiệp dự án đã gửi nhiều văn bản đề nghị hỗ trợ khai thác vật liệu.
Quyết tâm không lỗi hẹn với nhân dân, xác định trước và sau Tết Tân Sửu, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ “mở cửa” phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 1A. Doanh nghiệp dự án khẳng định: “Việc thông xe lần này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, kinh phí đầu tư phải bỏ ra và không nằm trong điều kiện bắt buộc của hợp đồng dự án đã ký với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng được phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết, giảm bớt mệt mỏi vì ùn tắc giao thông trong nhiều năm qua là niềm vinh dự, hạnh phúc của những người làm dự án”.
Để có thể đưa ra quyết định mang tính nhân văn và tác động xã hội to lớn đó, những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2020, cùng với nỗ lực chạy đua với thời gian trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã song song tổ chức kiểm tra, chạy thực nghiệm thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, từ nút giao Thân Cữu Nghĩa, huyện Châu Thành (điểm đầu tuyến) đến nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (điểm cuối tuyến).
Như vậy, đến thời điểm này, với sự nỗ lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp điều hành, các nhà thầu, Bộ Giao thông - Vận tải, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các ngân hàng hợp vốn đã thực hiện nghiêm túc cam kết thông tuyến trước ngày 31/12/2020, làm tiền đề hoàn thành dự án trong năm 2021.
Thông xe tạm thời xử lý tình huống khẩn cấp
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không phải là dự án duy nhất thông xe tạm thời, mà trước đây tại các dự án khác, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động “mở cửa” giải quyết các tình huống khẩn cấp. Đó là việc mở đường để giải quyết ùn tắc giao thông do tai nạn; tạm thông tuyến cho phương tiện lưu thông xuyên qua hầm Cổ Mã (tháng 12/2016), khi mưa lớn làm hàng trăm khối đất đá đổ xuống đường, khiến giao thông tê liệt, hàng ngàn phương tiện ùn ứ nhiều giờ đồng hồ trên Đèo Cả.
Ngoài ra, Đèo Cả cũng đã quyết định cho xe lưu thông tạm thời tại Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn khi có tai nạn xảy ra trên tuyến Quốc lộ 1A. Vào tháng 10/2020 mới đây, cũng đã mở tạm thời đường dẫn hầm Hải Vân 2 thông xe một chiều khi có tai nạn xảy ra trên đường dẫn ở hầm Hải Vân 1.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét