Kỳ tích xuất khẩu nông sản lập đỉnh giữa đại dịch toàn cầu
Năm 2020 đại dịch Covid-19 làm chuỗi cung ứng toàn cầu vỡ vụn; thiên tai, biến đổi khí hậu dị thường. Vậy nhưng, ngành nông nghiệp vẫn làm nên kỳ tích xuất siêu và lập đỉnh.
Tận dụng mọi kẽ hở từ thị trường
Năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2016 - 2020, khi “cỗ xe tam mã” tăng trưởng kinh tế Việt Nam sắp chạm đích thì gặp “sóng thần” Covid-19. Xuất khẩu, trong đó có hàng nông sản, đã khựng lại. Song, với sự chèo lái bản lĩnh, khéo léo, tỉnh táo của Chính phủ, xuất khẩu nông sản vẫn băng băng cán đích, tạo lực kéo, khẳng định là trụ cột của nền kinh tế trong lúc khó khăn.
Việt Nam gia nhập, ký kết nhiều FTA, mang đến cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, những rào cản về kỹ thuật, môi trường và xã hội vẫn đặt ra nhiều thách thức. Để phá được những rào cản đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cần có các phương tiện, công cụ về tài chính để thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Giải được hai bài toán này, cơ hội mở ra đối với xuất khẩu nông sản sẽ rất đồ sộ.
Ông Hoàng Văn Tú, đại diện FAO tại Việt Nam
Năm 2020, xuất khẩu nông sản tiếp tục duy trì được 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Đó quả là một kỳ tích.
“Trái ngọt” ấy có được trước tiên là nhờ quyết tâm cao độ của Chính phủ. Riêng năm 2020, Thủ tướng, các phó thủ tướng đã hơn 30 lần dự các hội nghị, sự kiện của ngành nông nghiệp và luôn ưu tiên dành thời gian cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
“Tiếp lửa” cho những nỗ lực ấy là sự góp sức của biết bao chuyến đi tiếp thị nông sản ở nước ngoài của các thành viên Chính phủ, của những “đại sứ chanh leo”, “đại sứ xoài”, “đại sứ thanh long”. Và cả cuộc “chạy đua” không mệt mỏi để có được nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo bước nhảy cho hàng hóa Việt Nam phủ rộng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đó còn là quyết tâm tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ… của toàn ngành. Đặc biệt là sự chung tay của toàn xã hội giúp kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, không để chuỗi cung ứng đóng băng.
Nhờ đó, nếu như đầu năm, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực đều sụt giảm, thậm chí nhóm lâm sản quay đầu với mức tăng trưởng âm, thì nửa cuối năm, chúng ta đã chiếm lại “thế thượng phong” so với các quốc gia có sự cạnh tranh trực tiếp với nông sản Việt như Brazil, Thái Lan, Ấn Độ… Chính thế, ngành nông nghiệp đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đạt được các chỉ số quan trọng trong khi nhiều nước vẫn đang chìm trong khủng hoảng.
Để có được kỳ tích đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, chính sách phát triển nông nghiệp được ngành thực hiện rất uyển chuyển: “Bất kỳ thị trường nào có khe hở đều được ngành tập trung khai thác”.
Nổi bật nhất phải kể tới xuất khẩu gạo thắng đậm khi vừa được mùa, vừa được giá, liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, tiến đến “ngôi vương” thế giới về giá bán. Ngành gạo chẳng những làm tròn trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nông dân trồng lúa còn xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Cùng với đó, thủy sản, rau quả, cây công nghiệp, đồ gỗ… đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Việc xuất khẩu sang được gần 200 thị trường, trong đó có những thị trường giá trị cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… đã đưa giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.
Nhanh nhạy, uyển chuyển
Một yếu tố quan trọng khác là thời gian qua, Việt Nam chứng kiến làm sóng doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông sản. Đơn cử, có 68 dự án quy mô rất lớn vào chế biến nông sản với giá trị 2,56 tỷ USD, trong vòng 3 năm gần đây. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, DN là nòng cốt, là động lực chính để chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông sản vận hành thông suốt. Nhờ vậy, công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhanh, công nghệ mới được ứng dụng để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông sản.
Không chỉ bùng nổ về sống lượng, các DN còn nhanh nhạy, uyển chuyển trong xúc tiến thương mại, mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới như vải thiều tươi sang Nhật Bản, bưởi vào Chi Lê, chanh leo sang Âu châu…, ngay khi nhận thấy sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Riêng với ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, thay vì đợi “bão tan”, các DN một mặt đẩy mạnh các kênh bán hàng, tiếp thị trực tuyến, mặt khác giải bài toán số hóa triển lãm và thúc đẩy kết nối online qua các kênh bán hàng quy mô toàn cầu như Alibaba, Amazon... Nhờ đó, nhóm sản phẩm này bứt tốc trong những tháng cuối năm 2020 với kim ngạch xuất khẩu trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Cùng với DN, các HTX cũng nhanh nhạy trong việc điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, tỷ lệ hợp đồng xuất khẩu chất lượng cao theo tiêu chuẩn tăng lên, tiểu ngạch giảm.
Đặc biệt, từ tháng 8/2020, khi EVFTA có hiệu lực, ngành nông nghiệp đã xây dựng chương trình hành động, phối hợp với các địa phương, DN tạo môi trường thuận lợi nhất về xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá, xây dựng thương hiệu cũng như xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo đưa nông sản Việt Nam vào thị trường EU mạnh mẽ nhất.
Do đó, ngành nông nghiệp tức thì đón “sóng” cơ hội. Ngay trong tháng đầu tiên EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang EU đã tăng 15 - 17% so với cùng kỳ năm 2019.
Quả thực, trong nguy luôn có cơ, như PGS-TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phân tích: “Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng khi thị trường này có nhiều chính sách kiểm soát chặt chẽ trong nhập khẩu, DN Việt đã tìm cách xoay xở, giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi kinh doanh truyền thống, DN trung gian. Qua đó, định vị lại vị thế của DN Việt”.
Tận dụng lợi thế từ các FTA thế hệ mới
Ông Hoàng Văn Tú, đại diện Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam khẳng định: “Năm 2020, Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản, trong khi các nước giảm. Điều đó cho thấy, chúng ta đã biết tận dụng thời cơ, chủ động chiếm lĩnh, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản ra thế giới”.
Theo đánh giá của FAO, trong khi cả thế giới bị khủng hoảng, chuỗi cung ứng bị vỡ vụn, thì Việt Nam vẫn duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản thiết yếu ra thế giới, nhất là đến châu Phi, Trung Quốc, Philippines và các nước nghèo. Từ đây, thế giới nhìn Việt Nam với ánh mắt ngưỡng mộ, không chỉ vì thành tích xóa đói giảm nghèo, mà còn đảm bảo an ninh chính trị, an ninh lương thực và hòa bình thế giới.
Với việc sở hữu hàng trăm ngàn héc-ta lúa, rau quả, thủy sản… sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, ASC…, cùng 100% cơ sở chế biến áp dụng hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) và các chứng nhận chất lượng khác về an toàn thực phẩm, sinh thái, trách nhiệm xã hội..., ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, Việt Nam có năng lực đảm bảo các yêu cầu từ phía các nhà nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm.
Thực tế, các FTA đang tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng DN nông nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp được xác định là ngành có lợi thế trên 3 trụ cột. Đó là thương mại xuất khẩu nông sản, hợp tác tiếp thu công nghệ, nhất là công nghệ chế biến của khu vực châu Âu và nâng cao năng lực quản lý thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng phát triển thị trường.
Theo đó, nhiệm vụ cơ cấu lại các ngành hàng phải nhanh hơn theo hướng tập trung hàng hóa, chuỗi liên kết từ khâu nguyên liệu, sản xuất chế biến đến tổ chức thương mại, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đây cũng là sự đòi hỏi tất yếu từ các thị trường.
Riêng với EVFTA, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thông qua thị trường EU, ngành nông nghiệp không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối của xuất khẩu, mà còn khẳng định sản xuất nông nghiệp Việt Nam, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã đạt đến mức có thể xuất sang bất cứ thị trường nào trên thế giới.
Để đảm bảo phát triển bền vững và tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sản xuất nông sản phải đảm bảo duy trì tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu tổ chức sản xuất như giống, vật tư đầu vào, quy trình nuôi, quy trình canh tác, quy trình trồng trọt, mã số vùng nuôi, mã số vùng trồng, đến vận chuyển chế biến cũng như xuất khẩu. Làm được thế, giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu nông sản mới cao, đảm bảo hiệu quả chu trình sản xuất, giúp Việt Nam vào được chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững.
Mong muốn DN tham gia đầy đủ toàn chuỗi sản xuất nông nghiệp, nhất là những mắt xích còn thiếu và yếu như cơ giới hóa, nghiên cứu sản xuất giống, bảo quản nông sản, hạ tầng logistics... các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, ngành nông nghiệp, các địa phương cần triển khai hiệu quả các chính sách về phát triển DN, công nghiệp hỗ trợ, tín dụng cho nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… đã ban hành. Cùng với đó, phải tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN, tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách phát
0 nhận xét:
Đăng nhận xét