Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Cải cách môi trường kinh doanh: Chạm vào nút thắt lớn nhất

Các nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh sẽ hoàn thành khi các bên tham gia gỡ được nút thắt về phối hợp, kết nối trách nhiệm.

.
Các doanh nghiệp đang ngóng phiên bản mới của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 74/2018/NĐ-CP về nội dung liên quan đến mã số, mã vạch. Trong ảnh: Nhà máy GTFV sản xuất đồ chơi xuất khẩu

1

Những ngày cuối cùng của năm 2020, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn miệt mài với những phiên bản được cập nhật liên tục của Dự thảo Nghị quyết 02 năm 2021. Theo thông lệ, đây là một trong 2 nghị quyết đầu tiên của năm: Nghị quyết 01 về giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 02 về các giải pháp môi trường kinh doanh.

“Năm nay, Nghị quyết 02 sẽ đặc biệt hơn”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia (CIEM) - một trong những chuyên gia chắp bút cho Dự thảo Nghị quyết 02 nói.

Đây là phiên bản thứ ba Nghị quyết 02 và phiên bản thứ tám về các nhiệm vụ phải làm trong năm để cải thiện môi trường kinh doanh nếu tính từ Nghị quyết 19/2014/NQ-CP. Mỗi năm, tùy theo tình hình, Nghị quyết sẽ có những mục tiêu cụ thể, kèm theo đó là đầu mối thực hiện.

Năm 2020, mục tiêu chính là cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh và cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Nhưng trong phiên bản năm 2021, nội dung hơi khác và việc lựa chọn này được bà Thảo chia sẻ thêm là có những hàm ý mới.

Ngoài yêu cầu đầu tiên là tiếp tục thực hiện nhất quán, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết 02/2019/NQ-CP, với lộ trình 3 năm, phiên bản năm 2021 bổ sung các nhóm giải pháp trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thích ứng tình hình sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 và tái cơ cấu kinh tế gắn với phát triển bền vững trong năm 2021.

Xếp ưu tiên trong nhóm này là yêu cầu khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong kết nối, phối hợp giữa các bộ, cơ quan, đơn vị. “Khi đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP các năm, chúng tôi phát hiện rằng, rào cản để các nhiệm vụ được giải quyết rốt ráo, nguyên nhân của những vướng mắc, bất cập tạo ra đối với doanh nghiệp là sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan”, bà Thảo phân tích.

Cách đây 2 năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải nhắc tới tình trạng một chiếc bánh socola cõng 17 giấy phép hay một mặt hàng có tới 3-4 cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Dù đã có những thay đổi đáng kể, nhưng vấn đề này chưa được giải quyết rốt ráo.

Trong lần rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, quy định kiểm tra chuyên ngành mới nhất, CIEM đã phát hiện ra, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phải xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ở 10 bộ (gồm Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giao thông - Vận tải, Quốc phòng, Công an, Y tế).

Vấn đề là, nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu… về kiểm định an toàn lao động giống nhau, nhưng các bộ không thừa nhận kết quả của nhau và yêu cầu doanh nghiệp tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ (chi phí đào tạo doanh nghiệp phải trả khoảng 10 triệu đồng/người)...

Song đó chỉ là một ví dụ điển hình.

2.

Năm 2015, khi CIEM có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về 37 vấn đề chồng chéo, vướng mắc trong đầu tư, xây dựng, đã có vài cuộc họp 9 bộ, ngành tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các vướng mắc đã được nhận diện, nhưng đáng tiếc là không có một cơ quan nào đứng ra làm đầu mối để giải quyết dứt điểm. Kết quả là, văn bản thuộc trách nhiệm quản lý của ngành nào thì bộ đó xây dựng phương án sửa đổi.

Trong số 20 điểm chồng chéo, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi đến Chính phủ hồi cuồi năm 2019, nhiều điểm đã có trong nhóm 37 vấn đề của CIEM. Rõ ràng, nỗ lực riêng lẻ của từng bộ, ngành không tạo nên thay đổi đáng kể. Ngay cả vào đầu năm 2021, khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng cùng có hiệu lực, giới chuyên gia cho rằng, vướng mắc còn nhiều.

“Phiên bản 2021 của Nghị quyết 02 đã nhắc đến nhiệm vụ giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường. Điều đáng nói là, nhiệm vụ này được gắn trong phần xử lý phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị. Theo đó, nguyên tắc được đưa ra là xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì; phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của tổ chức, đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị phối hợp”, bà Thảo chia sẻ.

Tuy nhiên, câu hỏi ai là đầu mối vẫn luôn là bài toán không dễ giải.

Cách đây vài tuần, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T Hòa Bình cùng với nhân viên phải đánh cả chuyến xe để chuyển hồ sơ dự án đến làm việc với các cơ quan ở địa phương phía Bắc. Ông được đề nghị xây dựng một dự án nông nghiệp, với sự tham gia của người dân trong vùng, theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Công việc đang ở giai đoạn giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước.

Là người kinh doanh, ông không ngại việc đi giải trình dự án của mình, nhất là khi người nghe là các cơ quan quản lý nhà nước. “Thực sự không phải ai cũng hiểu hết về kinh tế tuần hoàn, nên chúng tôi sẵn sàng nghiên cứu, chia sẻ thông tin để cùng với các cơ quan quản lý nhà nước tìm ra những cơ chế phù hợp. Nhưng điều chúng tôi cảm thấy băn khoăn là, các cơ quan quản lý dường như không chia sẻ thông tin cho nhau, nên đến đâu chúng tôi cũng phải trình bày lại từ đầu. Nếu các cơ quan có hệ thống chia sẻ dữ liệu với nhau, có thể doanh nghiệp sẽ có cơ hội trình bày nhiều nội dung cần thiết hơn...”, ông Thắng lấn cấn.

3.

Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, lúc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể nhận trách nhiệm đầu mối.

“Sau khi đã nhận diện được các vướng mắc, giờ sẽ phải chỉ rõ do văn bản nào. Nếu vướng vì thông tư, các bộ phải có trách nhiệm sửa đổi. Với các vướng mắc do quy định của nghị định, luật, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đủ tính độc lập và chuyên môn để làm đầu mối, phối hợp với các bộ và đặc biệt là các chuyên gia độc lập của các ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp xây dựng phương án sửa cái gì, sửa như thế nào”, ông Cung đề xuất.

Đây cũng chính là cách mà lâu nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn làm khi được giao làm đầu mối việc thực hiện các phiên bản nghị quyết về môi trường kinh doanh suốt 8 năm qua. Các doanh nghiệp gọi đây là liên minh cải cách. Trong liên minh này có cả khu vực tư nhân, các bên độc lập, doanh nghiệp và các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước.

Vai trò của liên minh này trong các kết quả thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết rất rõ. Ví dụ, các chuyên gia nhận định về mặt khoa học, đánh giá độc lập, nhưng bằng chứng thực tế để đối chiếu thì phải từ cơ quan quản lý nhà nước và từ doanh nghiệp.

Điều đáng nói là, các kết quả từ cách khai thác vai trò, trách nhiệm của các bên trong liên minh đã tạo áp lực cải cách cho mỗi bên. Nếu các bộ, ngành không vào cuộc thực chất, bằng chứng của doanh nghiệp sẽ cho thấy điều đó và các bên chuyên gia độc lập sẽ tạo ra sức ép. Hay nếu doanh nghiệp không tham gia góp ý chính sách cùng với cơ quan quản lý nhà nước, thì khi thực thi, có vấn đề phát sinh, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm...

Sự ra đời của Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, chấm dứt tình trạng một bánh socola gánh hàng chục giấy phép là một kết quả điển hình của mô hình liên minh cải cách này.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang ngóng các phiên bản mới của Dự thảo Nghị định sửa Nghị định 74/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) về nội dung liên quan đến mã số, mã vạch sau khi các hiệp hội đã gửi ý kiến góp ý. Lý do là doanh nghiệp đang không biết Ban soạn thảo sẽ tiếp thu thế nào khi suốt cả năm 2020, diễn ra rất nhiều cuộc gặp giữa các bên, nhưng vẫn chưa có tiếng nói chung.

Rõ ràng, chỉ khi các bên tìm cách giải quyết vấn đề theo cùng hướng, thì các nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh mới thực sự được hoàn thành.

Một số nhóm chỉ số, chỉ tiêu cụ thể cần tập trung cải thiện trong năm 2021:

- Cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp, chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng đào tạo nghề, chất lượng hành chính đất đai, chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng của sinh viên, rào cản phi thuế quan, đăng ký phát minh sáng chế, kiểm soát tham nhũng, mức độ tiếp cận công nghệ thông tin, mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, môi trường sinh thái bền vững;

- Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, trong đó chú trọng các dịch vụ công thiết thực đối với người dân (như y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội);

- Đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử;

- Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; và kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước...;

- Ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

- Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%;

- Thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp.

Let's block ads! (Why?)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét