Bên cạnh nỗ lực tự thân, sự chung tay hỗ trợ tài chính của các chủ sở hữu, đặc biệt là cổ đông lớn, sẽ giúp Vietnam Airlines trụ vững và sớm vượt qua tác động tiêu cực của Covid-19.
Vietnam Airlines đang đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, nếu không được hỗ trợ tài chính kịp thời. Ảnh: A.M |
Thời điểm quyết định
Theo kế hoạch, ngày mai (29/12), Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines – mã chứng khoán: HVN) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020.
Việc Vietnam Airlines buộc phải triệu tập một đại hội đồng cổ đông bất thường ngay trước khi kết thúc năm tài chính 2020 đã phần nào cho thấy tính chất đặc biệt quan trọng của đại hội đồng cổ đông bất thường này.
Được biết, ngoài nội dung kiện toàn HĐQT theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 – đánh dấu việc cơ bản hoàn tất việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo chủ chốt, hai nội dung quan trọng khác được HĐQT Vietnam Airlines dự kiến đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông bất thường 2020 là việc thông qua phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ cho Công ty mẹ và chủ trương kêu gọi các cổ đông cho hãng hàng không quốc gia vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản, bù đắp cho những thiệt hại rất lớn về tài chính do dịch Covid-19 gây ra.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho biết, trước tác động của dịch Covid-19, trong thời gian qua, Vietnam Airlines (hãng hàng không quốc gia, nhà nước nắm 86,19% vốn điều lệ) đã chủ động đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, căn cơ để khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines hiện vẫn hết sức căng thẳng, thậm chí đứng trước nguy cơ mất tính thanh khoản, dẫn đến phá sản.
Sau khi xem xét nhiều phương án và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ với vai trò là cổ đông nhà nước đã đề ra các giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, trong đó có việc giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để hãng được tiếp cận khoản tín dụng với quy mô không quá 4.000 tỷ đồng nhằm duy trì tính thanh khoản cho hãng.
“Cùng với sự hỗ trợ của cổ đông Nhà nước, HĐQT Vietnam Airlines kiến nghị Đại hội đồng cổ đông bất thường 2020 thông qua chủ trương kêu gọi các cổ đông khác cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi để có thêm dòng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của hãng trong thời gian tới, đồng thời cũng là để đảm bảo sự công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các cổ đông và với các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.
Được biết, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận tất cả các đề xuất cho vay từ các cổ đông. Quá trình cho vay và trả nợ sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và các cam kết với các cổ đông. Đổi lại, các cổ đông khác nếu cho Vietnam Airlines vay sẽ được áp dụng phương án xử lý chênh lệch lãi vay (giữa mức lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng thấp nhất mà Vietnam Airlines đang huy động trên thị trường và mức lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng theo giải pháp vay tái cấp vốn) theo đúng phương án xử lý chênh lệch lãi vay của cổ đông Nhà nước.
Cần phải nói thêm rằng, sự hỗ trợ về tài chính của các cổ đông được HĐQT Vietnam Airlines đánh giá là rất quan trọng và cấp thiết đối với khả năng duy trì dòng tiền trong ngắn hạn của hãng.
Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, cho biết tổng dòng tiền thâm hụt năm 2020 sẽ khoảng trên 14.000 tỷ đồng. Dự tính đến cuối năm 2020, số nợ phải trả quá hạn khoảng 6.000 tỷ đồng và dư nợ vay ngắn hạn trên 5.100 tỷ đồng.
Hiện tại phương án hỗ trợ đảm bảo thanh khoản cho hãng hàng không Quốc gia của Chính phủ chậm hơn so với dự kiến ban đầu (nhu cầu cần hỗ trợ bắt đầu từ tháng 8/2020).
Ông Hiền cho biết, thực chất đến thời điểm hiện nay đã tới hạn cạn kiệt dòng tiền. Để duy trì hoạt động, Vietnam Airlines đang chủ động điều hành thông qua việc đơn phương giãn thanh toán nhiều khoản phải trả đến hạn và tiếp tục rút tiền vay ngắn hạn. Trong thời gian tới, nhiều khoản vay ngắn hạn sẽ đến hạn trả đồng thời các đối tác cũng đang gia tăng áp lực yêu cầu Vietnam Airlines thanh toán nợ quá hạn.
Nếu không giải ngân được khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng sớm, Vietnam Airlines sẽ buộc phải tiếp tục đơn phương chậm thanh toán cho các đối tác cung cấp dịch vụ, đồng thời làm việc với các ngân hàng giải ngân bổ sung vốn vay để duy trì hoạt động.
“Trong trường hợp không thể giãn nợ và rút thêm tiền vay, Vietnam Airlines có nguy cơ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Chính vì vậy, bất cứ khoản hỗ trợ tài chính nào của cổ đông đều được hãng trân trọng như những chiếc phao sinh tồn trong hoàn cảnh ngặt nghèo này”, lãnh đạo hãng chia sẻ.
Phục hồi sau 5 năm
Cần phải nói thêm rằng, khoản vay tái cấp vốn trị giá 4.000 tỷ đồng của cổ đông Nhà nước và khoản hỗ trợ tài chính khác từ các cổ đông khác là chỉ giúp để Vietnam Airlines giải quyết tình trạng đứt gẫy dòng tiền trong ngắn hạn.
Cũng như hầu hết các hãng bay lớn trên thế giới, hiện tại, việc đảm bảo dòng tiền là yếu tố quan trọng nhất đối với Vietnam Airlines để duy trì hoạt động do các chi phí cố định chiếm tỷ trọng rất lớn (chủ yếu chi phí đội bay). Kể cả khi phải dừng hoạt động (không có dòng tiền thu) thì hàng tháng hãng vẫn phải thanh toán các khoản chi phí rất lớn liên quan đến thuê mua tàu bay cho đội bay.
Chính vì vậy, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2020, ngoài việc kêu gọi sự hỗ trợ tài chính của các cổ đông, HĐQT Vietnam Airlines sẽ xin thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (quy mô phát hành đợt đầu tiên khoảng 8.000 tỷ đồng). Hiện tại, cổ đông Nhà nước đã giao Tổng công ty Quản lý và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư vào Vietnam Airlines.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đoan Trang – Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế quốc gia, phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ là một trong các giải pháp đầu tiên được phần lớn các hãng hàng không trên thế giới áp dụng nhằm kêu gọi bổ sung tiền khẩn cấp của các cổ đông để có ngay dòng tiền kịp thời ứng phó với tình huống khủng hoảng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trên thực tế, đây cũng là phương án đã được Vietnam Airlines tính toán cân nhắc rất thận trọng, vừa đảm bảo tính khả thi, không tạo áp lực cho cân đối thu chi trong các năm tiếp theo, đồng thời giữ quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và các chỉ số tài chính của Vietnam Airlines không bị quá mất cân đối (Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng và vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng thì tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức phù hợp hơn là 4,6 lần).
Trong trong trường hợp chủ trương này được Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 thông qua và phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn được triển khai thành công, Vietnam Airlines sẽ sử dụng tiền thu được để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đảm bảo đủ tiền vốn để duy trì hoạt động và tạo nguồn đầu tư phát triển giai đoạn hậu Covid-19.
Cùng với sự hỗ trợ của các cổ đông, để sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, Vietnam Airlines sẽ đẩy mạnh việc tái cơ cấu lại tài sản và các danh mục đầu tư với mục tiêu gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển như: thực hiện Bán và Thuê lại (SLB) các tàu bay sở hữu, theo đó tổng số tàu bay cũ có thể tái cơ cấu trong cả giai đoạn 2021-2025 là 26 tàu bay A321. Đặc biệt, Vietnam Airlines sẽ xem xét thoái một phần vốn hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không.
“Với các giải pháp nói trên, trong trường hợp dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trong năm 2021, Vietnam Airlines dự kiến phục hồi hoạt động kinh doanh và có lãi từ năm 2023, trước khi đưa các chỉ số tài chính về lại thời điểm tháng 12/2019 vào cuối năm 2025”, lãnh đạo Vietnam Airlines kỳ vọng.
Các giải pháp của Vietnam Airlines đã thực hiện để vượt khó
- Chủ động đẩy mạnh khai thác trở lại các đường bay nội địa; mở thêm 22 đường bay nội địa mới, đưa nhiều dịch vụ mới để tăng doanh thu.
- Rà soát, cắt giảm triệt để ngân sách/chi phí đặc biệt là các khoản chi phí cố định, chi phí nhân công. Tổng chi phí cắt giảm trong năm 2020 khoảng 5.335 tỷ đồng, trong đó chi phí nhân công cắt giảm là 1.700 tỷ đồng.
- Triển khai đàm phán với các nhà cung cấp, các đối tác để giảm giá, giãn hoãn thanh toán. Tổng các khoản giãn/hoãn thanh toán đến cuối năm 2020 là khoảng trên 5.700 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietnam Airlines đã đạt được thỏa thuận giãn hoãn thanh toán với một số đối tác lớn là các công ty cho thuê tàu bay (số tiền thuê quá hạn tính đến 31/12/2020 được giãn hoãn thanh toán là 2.680 tỷ đồng).
- Triển khai vay ngắn hạn từ các ngân hàng thương mại để bù đắp thiếu hụt với tổng số dư đến cuối năm 2020 dự kiến là 5.189 tỷ đồng.
- Thu hẹp tối đa quy mô sản xuất để giảm thiểu thiệt hại đồng thời chủ động triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tổ chức lại sản xuất, tinh giản biên chế, tái cơ cấu lao động. Trong tổng số 7.734 lao động của Vietnam Airlines, đã có 6.034 người ngừng việc (chiếm 78%), số lao động đi làm là 1.701 người (23%), trong đó có 105 cán bộ quản lý các cấp đi làm không hưởng lương trong 3 tháng (4,5,6/2020), số còn lại chỉ hưởng lương đóng bảo hiểm hoặc lương tối thiểu vùng.
- Đẩy mạnh cơ cấu nợ vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ và cơ cấu nợ vay trong nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét